Chính quyền đã gửi công văn đề nghị chùa Ba Vàng báo cáo tiền công đức

23/07/2023 20:37 GMT+7

Theo UBND TP.Uông Bí (Quảng Ninh), địa phương này đã gửi công văn đề nghị chùa Ba Vàng báo cáo nội dung quản lý tiền công đức; đồng thời gửi kết quả trước ngày 15.6.

Ngày 23.7, thông tin từ UBND TP.Uông Bí (Quảng Ninh) cho biết, địa phương này đã gửi công văn số 1574/UBND-TCKH về việc kiểm tra, quản lý tiền công đức tại các di tích trên địa bàn, trong đó có chùa Ba Vàng.

Chính quyền đã gửi văn bản đề nghị chùa Ba Vàng báo cáo tiền công đức  - Ảnh 1.

TP.Uông Bí (Quảng Ninh) cho biết đã gửi văn bản tới chùa Ba Vàng đề nghị báo cáo về việc quản lý tiền công đức tại cơ sở này

N.H

Theo nội dung công văn nói trên, ngày 15.5, UBND TP.Uông Bí đã thành lập đoàn liên ngành kiểm tra đối với các di tích lịch sử - văn hóa, đình chùa trên địa bàn. Đối với khu danh thắng Yên Tử (TP.Uông Bí, Quảng Ninh) sẽ do đoàn kiểm tra liên Bộ thực hiện.

Chính vì vậy, để có cơ sở tổng hợp báo cáo gửi Sở Tài chính tỉnh Quảng Ninh, UBND TP.Uông Bí đã có công văn vào ngày 23.5 về việc đề nghị Ban Trị sự chùa Ba Vàng báo cáo nội dung quản lý tiền công đức theo đề cương và gửi về địa phương này trước ngày 15.6.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Thành, Phó chủ tịch UBND TP.Uông Bí, xác nhận địa phương này đã gửi các cơ sở tín ngưỡng trên địa bàn công văn trên nhưng không hiểu sao phía chùa Ba Vàng lại cho rằng chưa nhận được công văn nào yêu cầu nhà chùa phải nộp báo cáo thu, chi tiền công đức.

"Chúng tôi sẽ cho kiểm tra lại xem phía chùa Ba Vàng đã nhận được nội dung công văn trên của UBND TP.Uông Bí qua đường công văn hay chưa?", ông Thành cho biết.

Chính quyền đã gửi công văn đề nghị chùa Ba Vàng báo cáo tiền công đức

Tiền giọt dầu chưa quản lý được?

Liên quan đến việc quản lý tiền công đức tại các chùa đang được dư luận đặc biệt quan tâm, trước đó, Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp Bộ VH-TT-DL kiểm tra tổng thể vấn đề quản lý tiền công đức tại các di tích lịch sử - văn hóa, đình chùa trên phạm vi toàn quốc. Thí điểm từ tỉnh Quảng Ninh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý 2/2023.

Chính quyền đã gửi văn bản đề nghị chùa Ba Vàng báo cáo tiền công đức  - Ảnh 2.

Thu tiền giọt dầu tại chùa Long Tiên (TP.Hạ Long, Quảng Ninh)

LÃ NGHĨA HIẾU

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp Bộ VH-TT-DL thực hiện thí điểm kiểm tra 4 khu di tích đặc biệt của tỉnh Quảng Ninh: Khu di tích lịch sử Bạch Đằng (TX.Quảng Yên); Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử; Khu di tích lịch sử nhà Trần tại TX.Đông Triều, Di tích lịch sử đền Cửa Ông - Cặp Tiên (TP.Cẩm Phả; H.Vân Đồn).

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong đợt thí điểm kiểm tra việc quản lý tiền công đức tại các di tích lịch sử - văn hóa, đình chùa trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh vừa qua, thời kỳ kiểm tra là trong năm 2022 và 4 tháng đầu năm 2023.

Về thu, chi tiền công đức, tài trợ tại các di tích, báo cáo nêu rõ trong năm 2022, tổng số thu là 70,8 tỉ đồng (không bao gồm các khoản công đức, tài trợ bằng hiện vật, công trình xây dựng). Tổng số chi là 54,4 tỉ đồng.

4 tháng đầu năm nay, tổng số thu là 61 tỉ đồng (không bao gồm các khoản công đức, tài trợ bằng hiện vật, công trình xây dựng). Tổng số chi là 29,4 tỉ đồng.

Đáng chú ý, theo Bộ Tài chính, số liệu nêu trên được tổng hợp từ báo cáo của 221 chủ thể, bằng 47% trên tổng số chủ thể quản lý di tích. Sau khi loại trừ số di tích không có công đức, còn trên 50 di tích không có số liệu báo cáo, trong đó có chùa Ba Vàng thuộc di tích cấp tỉnh.

Trao đổi với Thanh Niên, một lãnh đạo TP.Uông Bí cho biết: "Lâu nay mọi người hay so sánh lượng khách tại Di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử và đền Cửa Ông  - Cặp Tiên để minh chứng cho tiền công đức. Cách so sánh như vậy là khập khiễng và chưa đúng bản chất. Bởi mô hình quản lý nhà chùa khác với các đền, bởi nơi này có sự quản lý toàn diện của chính quyền địa phương, còn các chùa lại do ban trị sự quản lý".

Chính quyền đã gửi văn bản đề nghị chùa Ba Vàng báo cáo tiền công đức  - Ảnh 3.

Lâu nay nhiều người vẫn nhầm lẫn tiền giọt dầu tại các hòm trong tam bảo, trên các ban thờ và tiền tại hòm công đức là cùng một loại

N.H

Cũng theo vị này, lâu nay người dân nhầm lẫn giữa 2 loại hòm tiền là hòm tiền giọt dầu và hòm tiền công đức. Ví dụ, tại Di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử, việc quản lý tiền công đức do một hội đồng quản lý, giám sát, gồm các đại diện của Ban Quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử, Ban Quản lý dự án tôn tạo chùa Yên Tử (nhà chùa), Công an TP.Uông Bí, Phòng Tài chính Kế hoạch TP.Uông Bí. Hội đồng giám sát có trách nhiệm hướng dẫn nhà chùa trong việc quản lý ghi, thu công đức.

Ngoài ra, hội đồng có nhiệm vụ niêm phong hòm công đức bằng tem niêm phong có đầy đủ chữ ký của các thành phần trong hội đồng để giao cho các tổ ghi thu công đức; mở hòm công đức, kiểm đếm số tiền công đức trong hòm, kiểm tra việc ghi thu chép trong sổ vàng công đức; ký biên bản xác nhận số tiền thực tế kiểm đếm; ký biên bản bàn giao toàn bộ số tiền trong đợt mở hòm công đức cho Ban Quản lý dự án tôn tạo chùa Yên Tử (hiện do Hòa thượng Thích Thanh Quyết làm trưởng ban - PV) để gửi vào tài khoản mở tại ngân hàng sử dụng theo các quy định tại quy chế quản lý thu và sử dụng tiền công đức.

"Đối với hòm giọt dầu, số tiền cung tiến tam bảo thường rất lớn thì không thể kiểm soát được. Các hòm công đức được đặt tại nơi riêng, ai công đức bao nhiêu có người ghi chép và phát phiếu ghi danh cảm ơn; trong khi đó hòm giọt dầu ngoài nhà chùa quản lý, thì không ai biết bên trong hòm ấy có bao nhiêu tiền?", vị lãnh đạo TP.Uông Bí cho biết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.