Trong một thông cáo báo chí đưa ra hôm 3.7, FTC tiết lộ họ đã gửi thư cảnh báo chính thức tới ASRock, Zotac và Gigabyte. Mặc dù mỗi thư cảnh báo là duy nhất đối với mỗi công ty, nhưng cả ba công ty đều được yêu cầu không dán nhãn trên sản phẩm của mình có thông báo tương tự như "bảo hành sẽ vô hiệu nếu bị gỡ bỏ". Nếu làm vậy, họ có thể vi phạm Đạo luật bảo hành Magnuson-Moss (MMWA) quy định cách các công ty thiết lập thông báo và chính sách bảo hành bằng văn bản.
Ví dụ, lá thư của FTC gửi cho ASRock nói cơ quan này có lo ngại về nội dung bảo hành bằng văn bản của ASRock, vốn nêu rõ: "Bảo hành của nhà sản xuất sẽ không còn hiệu lực nếu sản phẩm bị sửa đổi, hư hỏng hoặc bị can thiệp theo cách khác như vỏ ngoài bị mở hoặc các bộ phận/linh kiện tùy chọn bổ sung được lắp đặt/tháo rời".
Còn trong bức thư gửi đến Zotac Mỹ, FTC nhắm đến chế độ bảo hành được công ty này công bố rằng: "Các yêu cầu bảo hành sẽ bị vô hiệu nếu người dùng: tách, làm hỏng hoặc gỡ bỏ bất kỳ nhãn dán nào với nội dung cho biết bảo hành sẽ bị vô hiệu nếu bị hỏng".
Và cuối cùng, lá thư mà FTC gửi tới Gigabyte đề cập đến việc công ty sử dụng nhãn dán "Nếu nhãn dán sản xuất bên trong sản phẩm bị gỡ bỏ hoặc bị hỏng, sản phẩm sẽ không còn được bảo hành".
FTC cho rằng những loại nhãn này có thể khiến người tiêu dùng không thể thực hiện bảo trì hoặc sửa chữa thường xuyên các sản phẩm do các công ty này sản xuất.
Thông cáo báo chí nêu rõ trong 30 ngày, FTC sẽ xem xét lại các trang web của ASRock, Zotac và Gigabyte để xem liệu họ có thay đổi chính sách bảo hành hay không. Nếu không, FTC có thể bắt đầu các thủ tục pháp lý chống lại các công ty này.
Bình luận (0)