'Chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện chưa hấp dẫn người lao động'

27/10/2020 20:58 GMT+7

Đó là nhận định của bà Nguyễn Hoàng Yến (tổ chức Light, đại diện M.net - mạng lưới hành động vì người lao động di cư ) về tiếp cận an sinh xã hội của lao động phi chính thức ở Việt Nam.

Ngày 27.10, tại TP.HCM diễn ra hội thảo Tiếp cận an sinh xã hội (ASXH) của người lao động (NLĐ) di cư Việt Nam do Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ (SISS), M.net và AMRC (tổ chức về các vấn đề lao động châu Á) phối hợp tổ chức. Tham dự hội thảo có đại diện Bộ LĐ-TB-XH phía nam; Viện Hàn Lâm khoa học xã hội Việt Nam, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM...
Phát biểu ý kiến tại hội thảo, bà Nguyễn Hoàng Yến (đại diện M.net) cho biết hệ thống ASXH Việt Nam có bốn trụ cột chính: việc làm, đảm bảo thu nhập tối thiểu và giảm nghèo; bảo hiểm xã hội (BHXH); trợ giúp xã hội cho các khoản đặc thù; dịch vụ xã hội cơ hội.

Toàn cảnh hội thảo

Ảnh: Phạm Thu Ngân

“Nhưng việc tiếp cận hệ thống ASXH của NLĐ di cư vẫn còn những rào cản. Chính sách BHXH tự nguyện chưa hấp dẫn người lao động”, bà Yến nói và cho biết: Chẳng hạn, theo số liệu của Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB-XH), năm 2019 chỉ có hơn 0,9% NLĐ phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện, trong đó 75% người mua bảo hiểm này muốn được bổ sung thêm chế độ ốm đau và tai nạn lao động. Hiện nay chỉ có hai chính sách dài hạn là bảo hiểm hưu trí và tử tuất; thời gian đóng dài (nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi và có đủ 20 năm đóng mới được hưởng); nơi mua BHXH tự nguyện gắn liền với nơi đăng ký thường trú...
Bà Yến nêu đề xuất của M.net: nên có ba gói bảo hiểm (thai sản, ốm đau, trợ cấp gia đình/trẻ em) ngắn hạn bổ sung vào BHXH tự nguyện; linh hoạt phương thức đóng, hình thức đóng như 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng, 1 năm... Về bảo hiểm y tế (BHYT) với những bất cập về nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu, M.net đề xuất bên cạnh vận động mua BHYT cho NLĐ di cư phi chính thức tại nơi đến, cần triển khai áp dụng BHYT thông tuyến...

Cần nâng cao chất lượng sống của người nhập cư

Tại hội thảo, các đại biểu cũng thảo luận về việc cần hỗ trợ cho nhóm trẻ em tiếp cận giáo dục để nâng cao chất lượng lao động; chất lượng sống của người nhập cư ở TP.HCM... Trong đó, các đại biểu thảo luận những vấn đề liên quan đến việc cần phải tháo gỡ rào cản chính sách liên quan đến ASXH ở nước ta hiện nay.
Ông Nguyễn Tất Năm, nguyên Trưởng phòng Phòng Lao động - Tiền lương - BHXH, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, cho biết nhà nước nên có đánh giá về bảo hiểm thất nghiệp kịp thời và nhanh chóng, như về hưởng trợ cấp, chuyển đổi nghề nghiệp cho NLĐ.

Ông Nguyễn Tất Năm, nguyên Trưởng phòng Phòng Lao động - Tiền lương - BHXH, Sở LĐTB-XH TP.HCM, góp ý tại hội thảo

Ảnh: Phạm Thu Ngân

GS-TS Đặng Nguyên Anh (Phó chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam), nhấn mạnh pháp luật về lao động - việc làm ở nước ta tương đối đầy đủ nhưng các trợ giúp ASXH chỉ tập trung ở nhóm người nghèo và NLĐ chính thức, còn đa số những lao động phi chính thức, di cư dường như bị bỏ lọt, chưa được chú ý hết mức khi thiết kế chính sách. Đồng thời, theo ông Anh, trong bốn trụ cột ASXH cho NLĐ di cư, cần ưu tiên trụ cột việc làm, thu nhập; sau đó là BHXH.
Bà Dương Thị Linh, Tổng cục Thống kê, cho biết người lao động (NLĐ) di cư chiếm 8,4% tổng số lao động cả nước, nhiều nhất ở khu vực công nghiệp - xây dựng. Điều kiện nhà ở của nhóm này còn thấp. Trong đó có 45,8% NLĐ di cư đang phải sống trong nhà thuê, mượn; nhiều nhất là tại Bình Dương, Bắc Ninh, Đồng Nai và có tới 26,1% lao động di cư sống ở nhà có diện tích dưới 10 m2.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.