Chính sách bảo hộ của ông Donald Trump giúp ích thị trường mới nổi

24/01/2017 19:00 GMT+7

Việc bớt tiếp cận thị trường lớn nhất thế giới nghe có vẻ không mấy tốt cho nhiều thị trường mới nổi vốn phụ thuộc vào xuất khẩu để bắt kịp các nước phát triển. Song khi nhìn từ góc khác, mọi thứ có thể đảo ngược.

Theo Bloomberg, tình hình này có thể chỉ là một liều thuốc chữa cho các nền kinh tế mới nổi vì khả năng phục hồi kinh tế xuất phát từ chính nhu cầu quốc nội. Những động thái theo chủ nghĩa bảo hộ của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump khuyến khích mạnh mẽ các nước đang phát triển thực hiện nhiều cải cách khó khăn cần thiết để nâng cao năng suất, tăng trưởng lương bổng và tiêu thụ trong nước.
“Đối với toàn bộ thị trường mới nổi, đặc biệt là Trung Quốc, việc này buộc họ phải tiếp tục đi con đường cải cách cơ cấu. Đây là tín hiệu rất tốt. Trong trường hợp của Trung Quốc, họ sẽ nỗ lực cải cách liên tục phía cung, cải cách các doanh nghiệp quốc doanh và cải cách hệ thống hưu trí”, chuyên gia đầu tư Jordi Visser tại quỹ Weiss Multi-Strategy Advisers ở New York (Mỹ) cho hay.
Thương mại toàn cầu yếu đi trong những năm gần đây và chưa từng phục hồi về lại tốc độ tăng trưởng như thời trước khủng hoảng tài chính thế giới. Điều này đặt áp lực lên các thị trường mới nổi, buộc họ phải thực hiện nhiều chính sách đối nội đầy thách thức về mặt chính trị, chẳng hạn như giảm tham nhũng, tăng sức mạnh của hệ thống tư pháp để thực thi phát luật về hợp đồng, xây dựng cơ sở hạ tầng, cải thiện hệ thống chăm sóc y tế và hưu trí để các hộ gia đình đủ tự tin chi tiêu thay vì tiết kiệm.
“Những gì ông Donald Trump làm sẽ giúp từng nước nhận ra họ cần làm gì trong những việc này”, ông Visser nói, đề cập đến cải cách cơ cấu. Ba ngày đầu sau lễ nhậm chức, ông Trump đã rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), thực hiện lời hứa trong chiến dịch tranh cử rằng sẽ rút khỏi hoặc tái định hình các hiệp định thương mại quốc tế mà Mỹ tham gia.
Bất kỳ cuộc chiến thương mại nào gây sóng gió trên thế giới đều có thể làm giảm sức hút của các nước đang phát triển trong mắt giới đầu tư. Ngoài ra, kế hoạch kích thích tài chính cùng kiềm chế nhập khẩu của ông có thể thúc đẩy lạm phát, nâng khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất. Điều này thúc đẩy giá trị đồng USD, khiến các nước đang phát triển tốn kém nhiều hơn khi trả nợ bằng đồng đô la Mỹ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.