Chính sách BHTN còn nặng về trợ cấp

02/06/2020 17:44 GMT+7

Sau hơn 10 năm triển khai chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đã có trên 13 triệu người tham gia BHTN. Con số này còn khá khiêm tốn do chưa có chính sách BHTN còn nhiều hạn chế.

Chưa có chính sách phù hợp cho khu vực phi chính thức

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Lê Văn Thanh, sau 11 năm triển khai thực hiện chính sách BHTN, đến nay đã có trên 13 triệu người tham gia BHTN, chiếm 27,4% lực lượng lao động trong độ tuổi. Chính sách BHTN đã thực hiện tốt vai trò là điểm tựa cho người thất nghiệp, bù đắp một phần thu nhập cho người lao động khi bị mất việc, với trên 5,2 triệu lượt người được hưởng trợ cấp thất nghiệp, đã có 230.000 người được hỗ trợ học nghề. Tuy nhiên, kết quả này còn khá khiêm tốn, chưa thực sự gắn với thị trường lao động.
Ông Thanh cho hay, Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách BHXH đã chỉ ra một số hạn chế của chính sách BHTN, đó là: mới tập trung nhiều cho khu vực chính thức, chưa có chính sách phù hợp cho khu vực phi chính thức, còn nặng về giải quyết trợ cấp thất nghiệp, chưa chú ý thỏa đáng đến các giải pháp phòng ngừa theo thông lệ quốc tế; chưa kiểm soát trục lợi BHTN… Bên cạnh đó, cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và tổ chức bộ máy, cải cách thủ tục hành chính thực hiện BHTN còn nhiều điểm bất cập.
Ngoài những hạn chế trên, ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm, cho biết thêm: “Chính sách BHTN chưa có nhiều biện pháp hỗ trợ để người lao động duy trì việc làm, tránh bị sa thải. Đối tượng tham gia BHTN chưa được mở rộng đến người lao động có hợp đồng lao động từ 1 tháng đến dưới 3 tháng đây là đối tượng có nguy cơ mất việc làm cao; chưa có giải pháp hỗ trợ cho người lao động được bồi dưỡng, phát triển kỹ năng nghề hoặc nâng cao tay nghề”.
Theo ông Vũ Trọng Bình, đại dịch Covid-19 vừa qua đã cho thấy vai trò rất quan trọng của chính sách BHTN. Riêng Quỹ BHTN tính đến 30.5 đã chi trực tiếp hơn 4.000 tỉ đồng cho người lao động mất việc bị ảnh hưởng bởi Covid-19 và dự kiến hết năm 2020 có thể sẽ có hơn chục nghìn tỉ đồng hỗ trợ cho người lao động, hàng triệu người lao động được tư vấn, giới thiệu việc làm để quay trở lại thị trường lao động.
“Có thể thấy, vai trò quỹ BHTN không chỉ chi trả, chia sẻ rủi ro mà quan trọng hơn là hỗ trợ người lao động thất nghiệp quay trở lại thị trường lao động. Trong hơn 10 năm qua, chính sách BHTN của chúng ta đã làm tốt việc chi trả, việc hỗ trợ người lao động quay trở lại thị trường lao động cũng tương đối thành công nhưng để đáp ứng được yêu cầu trong thời gian tới vẫn còn nhiều việc phải làm”, ông Vũ Trọng Bình nói.

Nâng cao năng lực các Trung tâm Dịch vụ việc làm

Theo Cục trưởng Cục Việc làm, 10 năm qua, kinh tế Việt Nam phát triển hết sức mạnh mẽ, quy mô kinh tế đã hơn gấp đôi. Chính sách BHTN đã không còn đáp ứng yêu cầu quy mô của nền kinh tế, đòi hỏi phải thiết kế chính sách mới trong quản trị Quỹ BHTN. Vì vậy, việc xây dựng một đề án để cải cách, đổi mới về BHTN là một yêu cầu cấp thiết. Ông Bình bày tỏ: “Quỹ BHXH không chỉ là công cụ an sinh xã hội mà thực chất là một công cụ quản trị thị trường lao động. Việc cải cách đổi mới chính sách BHTN chính là thực hiện chủ trương của Đảng, nhà nước về quản trị thị trường lao động thích ứng với thông lệ thế giới và đòi hỏi của thực tiễn hiện nay”.
Theo đó, đề án “Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị thực hiện chính sách BHTN sẽ tập trung về tổ chức bộ máy và nhân sự, cơ chế tài chính đảm bảo tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả để chính sách BHTN thực sự trở thành công cụ quản trị thị trường lao động; xây dựng hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm đồng bộ, hiện đại, phục vụ công tác BHTN, đáp ứng được sự phát triển của thị trường lao động.
Để chính sách BHTN thực sự trở thành công cụ quản trị thị trường lao động, ông Lê Văn Thanh cho biết trong thời gian tới, Bộ LĐ-TB-XH sẽ nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung luật Việc làm, trong đó có các nội dung liên quan đến BHTN. “Bên cạnh đó, chúng ta cần đánh giá lại về năng lực và hiệu quả hoạt động cũng như vai trò của Trung tâm dịch vụ việc làm nhằm nâng cao vị thế, vai trò đối với việc thực hiện BHTN nói riêng và việc phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương nói chung. Việc xây dựng đề án là cơ hội để đánh giá lại hiện trạng tổ chức thực hiện, những khó khăn, vướng mắc trên cơ sở đó đưa ra các giải pháp và đề xuất các cấp có thẩm quyền để hoàn thiện hơn nữa các quy định của pháp luật cũng như tổ chức thực hiện BHTN", Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhấn mạnh.
Mục tiêu của đề án “Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị thực hiện chính sách BHTN”, đến 2025, phấn đấu đạt khoảng 35% lực lượng lao động tham gia BHTN; 100% người thất nghiệp được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí khi có nhu cầu; 15% người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp được hỗ trợ đào tạo; hoàn tất việc kết nối, chia sẻ, liên thông dữ liệu về BHTN giữa cơ quan lao động và cơ quan BHXH.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.