Vài năm trở lại đây, chủ trương "chiêu hiền đãi sĩ" ở các tỉnh, thành trong cả nước đã không còn là chuyện hiếm, nó không chỉ có ở một vài thành phố lớn mà đã lan rộng ra nhiều địa phương, và ngày một sáng tạo hơn.
Vừa rồi, tại thủ đô Hà Nội, 123 thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc tại các trường đại học, học viện năm nay ở quanh Hà Nội cũng được mời về làm việc tại các cơ quan nhà nước của thành phố theo lối đặc cách, không qua thi tuyển. Hơn thế, họ còn được đãi ngộ "một cục" bằng 20 lần mức lương tối thiểu...
Hà Nội còn đưa ra các chính sách "hậu tiếp nhận" khác cũng hấp dẫn không kém như: sau 2 năm công tác, họ được cử đi học sau đại học ở trong hoặc ngoài nước, được hỗ trợ 30 lần mức lương tối thiểu để làm luận văn thạc sĩ...
Nhưng điều đó có phải là tất cả sự hấp dẫn hay không?
Trong suốt 10 năm Hà Nội thực hiện chính sách trải thảm đón nhân tài, chỉ có 103 cử nhân, bác sĩ, kỹ sư về làm việc, ấy là chưa thống kê đã có người ra đi bởi họ cũng có nhiều sự lựa chọn khác hấp dẫn hơn thế, ví dụ như lương cao gấp nhiều lần, cơ chế làm việc thông thoáng hơn, có điều kiện để họ thỏa sức phát huy năng lực của mình một cách tích cực nhất. Còn với cơ chế hiện nay của nhà nước ta, không ai có quyền nâng lương vượt thời gian hoặc bù đắp bằng một khoản nào khác hơn cho người cùng có thâm niên công tác. Nó rất cứng nhắc và dù có muốn giữ được chân họ cũng rất khó. Điều này cũng rất dễ hiểu khi mà lương cơ bản của viên chức nhà nước (tốt nghiệp đại học) có hệ số 2,34 như bây giờ cũng chỉ được hơn 3 triệu đồng/tháng.
Đầu những năm 60 đến những năm 80 của thế kỷ trước, ở miền Bắc, lương của cán bộ được đào tạo qua trường lớp có nhiều bậc khác nhau. Khoa học cơ bản có lương thấp hơn khoa học kỹ thuật 3 đồng/bậc (mỗi bậc chênh nhau 5-10 đồng và lương khởi điểm lúc đó là 36 đồng cho người không có chuyên môn). Ví dụ: Nếu khởi điểm của người tốt nghiệp đại học khoa học cơ bản là 60 đồng thì của khoa học kỹ thuật là 63 đồng. Còn nếu anh là phó tiến sĩ khởi điểm sẽ là 73 đồng; tiến sĩ là 83 đồng và giáo sư thì được xếp ngang lương thứ trưởng và còn được trang bị ô tô đi lại.
Điều này để thấy rằng, nhà nước của ta, dù còn phải đương đầu với bao khó khăn, kể cả trong giai đoạn chiến tranh nhưng đã rất lưu tâm trọng dụng trí thức, nhân tài. Phải chăng, cũng chính nhờ có chính sách này mà Chủ tịch Hồ Chí Minh mới vận động được biết bao nhân sĩ, trí thức sống ở nước ngoài về phục vụ công cuộc giải phóng dân tộc và xây dựng Tổ quốc.
Đã tới lúc chúng ta cần hoàn thiện một cơ chế chính sách lương cho thật khoa học và căn cơ hơn nữa, đồng bộ hơn nữa để thu hút chất xám trong người Việt ta, cả ở trong nước cũng như ở nước ngoài về phục vụ Tổ quốc.
Quốc Phong
Bình luận (0)