Chính sách cộng điểm ưu tiên tuyển sinh nên thay đổi ra sao?

27/04/2022 06:01 GMT+7

Cộng điểm ưu tiên trong tuyển sinh đầu vào là một chính sách nhân văn được áp dụng nhiều năm nay. Sau gần 20 năm, chính sách này có nhiều thay đổi ngày càng phù hợp hơn với thực tế.

Tuy nhiên, vẫn có ý kiến cho rằng cần có thêm những chính sách khác đi kèm để việc ưu tiên cộng điểm đạt được mục tiêu đề ra.

Gần 10 điểm/môn vẫn rớt do điểm ưu tiên !

Mỗi năm tuyển sinh đều có các trường hợp điểm cao nhưng vẫn rớt nguyện vọng mong muốn do điểm ưu tiên.

Chẳng hạn, kỳ tuyển sinh năm 2017, một thí sinh (TS) có tổng điểm 3 môn thi đạt 29,35 nhưng không trúng tuyển ngành y khoa dù điểm chuẩn ngành này chỉ 29,25. Nguyên nhân rớt của TS này một phần từ quy định làm tròn và tiêu chí phụ, phần khác có sự tác động của yếu tố điểm ưu tiên với TS khác. Ngay trong danh sách trúng tuyển đợt này, một trường hợp khác có điểm thi thực tế 3 môn chỉ đạt 25,7 (được làm tròn thành 25,75) nhưng đã trúng tuyển do được cộng 3,5 điểm ưu tiên. Cùng năm 2017, Trường ĐH Y Hà Nội lấy điểm chuẩn ngành y khoa 29,25 nhưng ngay trong 4 tiêu chí phụ để xét trường hợp đồng điểm, tiêu chí đầu tiên trường căn cứ vào điểm xét tuyển đã gồm điểm ưu tiên. Cách tính này khiến một TS dù đạt 29,15 điểm 3 môn, cao hơn điểm thi thực tế của TS được cộng ưu tiên, vẫn rớt nguyện vọng.

Học sinh một trường THPT tại Bình Phước tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT

ĐÀO NGỌC THẠCH

Danh sách 404 người trúng tuyển ngành y khoa Trường ĐH Y dược TP.HCM năm 2017, chỉ có 26 TS không được cộng bất kỳ điểm ưu tiên nào (có tới 93,5% trường hợp trúng tuyển được cộng điểm ưu tiên). Năm 2020, thủ khoa trường này là TS duy nhất đạt điểm tuyệt đối 3 môn với tổng điểm xét tuyển 30. Tuy nhiên, nếu tính điểm xét tuyển, thủ khoa này vẫn xếp thứ 20 trong số các TS đạt điểm cao nhất ngành y khoa. Trong đó, TS có điểm xét tuyển cao nhất ngành này đạt 30,9 gồm 2,75 điểm ưu tiên, điểm thi thực tế chỉ đạt 28,15.

Nên có chỉ tiêu riêng cho 2 nhóm TS: ưu tiên và không ưu tiên

Về vấn đề này, tiến sĩ Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH FPT, cho rằng ưu tiên là chính sách chung không thể bỏ, quan trọng là thực hiện như thế nào. Ông Tùng cho rằng cần có chỉ tiêu riêng cho 2 nhóm TS. Trong đó, tùy kế hoạch đào tạo các trường chia tỷ lệ khoảng 10 - 20% tổng chỉ tiêu cho TS có điểm ưu tiên và số còn lại cho TS không có ưu tiên. Như vậy, những TS được ưu tiên sẽ được xét tuyển theo chỉ tiêu riêng, không chen ngang như hiện nay.

“Cách làm này sẽ khắc phục được việc TS điểm cao, thậm chí thủ khoa rớt ĐH. Nhưng các trường cần có kế hoạch phụ đạo nâng cao chất lượng cho các TS thuộc diện ưu tiên để đảm bảo chất lượng người học ngang nhau”, ông Tùng nói thêm.

Tương tự, PGS-TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho rằng việc cộng điểm ưu tiên hiện nay chỉ có cách duy nhất là cộng điểm trực tiếp cho TS thuộc diện này. Trong khi đó, với mức điểm ưu tiên tối đa 2,75 điểm hiện nay, tương đương hơn 9% tổng điểm tối đa 30 điểm của 3 môn theo tổ hợp xét tuyển. Do vậy, tỷ lệ điểm ưu tiên chiếm khá cao trong tổng điểm tối đa nên sức thuyết phục chưa cao khi xét đồng thời TS ưu tiên và không ưu tiên.

Do vậy, ông Thắng đề xuất: “Nên chăng có thể dành tỷ lệ chỉ tiêu nhất định cho diện TS ưu tiên, điểm chuẩn có thể xác định mức riêng nhưng vẫn phải đảm bảo ngưỡng đầu vào theo quy định. Việc ưu tiên này chỉ nên áp dụng lần đầu tuyển sinh nhằm góp phần phát triển nhân lực địa phương”.

Điểm ưu tiên mức nào phù hợp ?

Theo dự thảo Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ ngành giáo dục mầm non, một TS được hưởng tối đa điểm ưu tiên đối tượng và khu vực sẽ được cộng 2,75 điểm khi tham gia xét tuyển.

Theo tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, sau khoảng 20 năm chính sách ưu tiên khu vực đã được điều chỉnh nhiều lần để khắc phục những điểm bất hợp lý xảy ra trong thực tế. Từ mức điểm ưu tiên tối đa 3 điểm của thời điểm 2003 trở về trước xuống tối đa 1,5 điểm từ năm 2004. Đặc biệt quy chế tuyển sinh năm 2017, điểm ưu tiên khu vực tiếp tục giảm bằng một nửa so với trước đó, giữa 2 khu vực kế tiếp chỉ còn 0,25 điểm và tối đa 0,75 điểm. Không chỉ mức điểm, bảng phân chia khu vực ưu tiên cũng được rà soát điều chỉnh để hợp lý hơn với tình hình phát triển kinh tế xã hội các vùng miền. Với điều chỉnh mạnh mẽ này, hàng loạt thị xã trực thuộc tỉnh, thậm chí các thành phố lớn nơi học sinh có điều kiện học tập tốt đã được loại ra khỏi danh sách khu vực 1.

Đến thời điểm này, theo tiến sĩ Đức Nghĩa, chính sách ưu tiên cộng điểm trong tuyển sinh vẫn cần thiết được duy trì thời gian tới. Trong đó, việc ưu tiên theo đối tượng nhằm ghi nhận công lao đóng góp của người có công với đất nước. Còn việc cộng điểm ưu tiên khu vực nhằm ưu tiên cho những học sinh ở khu vực khó khăn về điều kiện học tập, đồng thời phát triển nhân lực địa phương đó.

“Tuy nhiên, việc ưu tiên khu vực cần có chính sách địa phương đi kèm để đảm bảo mục tiêu phát triển nhân lực cho những địa phương còn khó khăn. Chẳng hạn, học sinh được hưởng ưu tiên cần ràng buộc sau khi học tập quay về địa phương làm việc”, ông Nghĩa đề xuất. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.