Chính sách dân tộc bị treo vì thiếu nguồn lực

13/06/2020 08:06 GMT+7

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 có tổng nguồn vốn thực hiện trong 2 giai đoạn là 271.935 tỉ đồng.

Chiều 12.6, Quốc hội dành thời gian thảo luận về đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (chương trình).
Chương trình chia làm 2 giai đoạn với 10 dự án thành phần, có tổng nguồn vốn thực hiện giai đoạn 2021 - 2025 là 137.664,95 tỉ đồng; giai đoạn 2026 - 2030 là 134.270,7 tỉ đồng, với nhiều mục tiêu khác nhau.
Nhiều đại biểu (ĐB) Quốc hội (QH) băn khoăn về tính khả thi của các mục tiêu của chương trình, khi tổng vốn đầu tư Chính phủ đề xuất đã giảm từ 610.000 tỉ đồng trong khái toán từ năm 2019 xuống còn hơn 272.000 tỉ đồng, song mục tiêu của chương trình không thay đổi.
“Câu chuyện đặt ra là tính khả thi của các mục tiêu này là thế nào? Chính phủ phải giải trình rõ thêm vấn đề này để chúng ta có giải pháp thật căn cơ thực hiện các mục tiêu chương trình này”, ĐB Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa), Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội QH, nói. Cùng quan điểm, ĐB Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho rằng thời gian qua, không ít chính sách dân tộc rất hay, rất nhân văn, nhưng sau nhiều năm, đồng bào dân tộc vẫn mòn mỏi chờ đợi vì chính sách bị treo do thiếu nguồn lực thực hiện.
“Nhiều trường hợp cấp vốn thấp, cấp chậm so với kế hoạch, thậm chí 2 năm sau ban hành chính sách vẫn chưa bố trí được kinh phí”, ĐB Bình nêu và khẳng định tồn tại này không mới, nhiều ĐBQH đã lên tiếng từ nhiều kỳ họp nhưng đến nay vẫn không được khắc phục. Từ đó, ĐB Bình đề nghị Chính phủ cần tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vì nhu cầu vốn đầu tư cho chương trình rất lớn, trong khi khả năng cân đối ngân sách nhà nước trước mắt chưa thể đáp ứng.
Về triển khai thực hiện chương trình, theo ĐB Phương Thị Thanh (Bắc Kạn), qua nghiên cứu thấy rằng, 6/10 dự án thành phần mà Chính phủ đề xuất chồng chéo với Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới. Từ đó, ĐB Thanh đề nghị tích hợp các chính sách đã có vào chương trình này để ban hành chính sách mới phù hợp.
ĐB Bùi Sỹ Lợi cho rằng chương trình đưa ra nguyên tắc quan trọng là “phân cấp, phân quyền”, song kinh nghiệm từ Chương trình quốc gia về giảm nghèo bền vững cho thấy, cần phải thay đổi nguyên tắc này thành “phân cấp, trao quyền” để có thể thực hiện dân biết, dân làm, dân kiểm tra.
Trong khi đó, ĐB Leo Thị Lịch (Bắc Giang) băn khoăn: “Nếu người tổ chức thiếu chặt chẽ, thiếu trách nhiệm, thiếu cái tâm trong sáng thì hiệu quả sẽ kém, không đáp ứng được kỳ vọng của QH và người dân”. Nên ĐB Lịch đề nghị cần có sự giám sát ngay từ đầu.
Giải trình thêm sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết trong khi QH chưa quyết định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ mới cân đối được ngân sách ở mức tối thiểu. “Căn cứ vào tình hình thực tiễn sẽ trình QH bổ sung thêm”, ông Chiến nói và cho hay Chính phủ sẽ chỉ đạo đồng bộ các giải pháp để phấn đấu cơ bản đạt được các mục tiêu đã đề ra.

Phê chuẩn 21 thành viên Hội đồng bầu cử quốc gia

Sáng 12.6, với tỷ lệ tán thành 100% (449/449 ĐB có mặt), QH đã phê chuẩn danh sách các phó chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, gồm Ủy viên Bộ Chính trị - Phó chủ tịch thường trực QH Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị - Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, Bí thư T.Ư Đảng - Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn và Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh. Ngoài ra, QH cũng phê chuẩn 16 ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia. Ngay sau khi QH thông qua nghị quyết, 21 thành viên Hội đồng bầu cử quốc gia đã ra mắt.
Với 451/453 ĐB có mặt tán thành (1 ĐB không tán thành, 1 ĐB không biểu quyết), sáng 12.6, QH cũng đã phê chuẩn ông Dương Thanh Bình, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau, là Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, thay vị trí Trưởng ban Dân nguyện của bà Nguyễn Thanh Hải vừa được điều động làm Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên.
Vũ Hân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.