Theo CNN, trong bài phát biểu trước hàng trăm nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 3.5, Ngoại trưởng Tillerson lần đầu tiên giải thích cặn kẽ về các chính sách ngoại giao. Bài phát biểu kéo dài 40 phút diễn ra trong khán phòng Dean Acheson, tên vị cựu ngoại trưởng Mỹ được cho là đã góp phần định hình trật tự thế giới với vai trò dẫn đầu của Mỹ sau Thế chiến thứ 2. Tuy nhiên, ông Tillerson cho rằng trật tự đó đã thay đổi nên chính sách chiến lược của Mỹ cũng cần thay đổi.
|
|
Xích lại với Trung Quốc
Ông Tillerson nhấn mạnh Mỹ vẫn duy trì những mối quan hệ ưu tiên ở châu Á, châu Phi, Nga và Tây bán cầu, trong đó nổi bật là Trung Quốc. Đáng chú ý là châu Âu không được ông Tillerson nhắc đến trong danh sách ưu tiên này, ngoại trừ việc lặp lại lời kêu gọi của Tổng thống Trump rằng các thành viên NATO cần đóng góp nhiều hơn bằng cách tăng chi tiêu quốc phòng.
Ngoại trưởng Mỹ cho rằng Washington có cơ hội khẳng định mối quan hệ trong nhiều thập niên tới với Bắc Kinh. “Hãy nhìn lại mối quan hệ này và xem điều gì sắp xảy ra trong nửa thế kỷ tới. Đang có cơ hội lớn lao để khẳng định lại mối quan hệ và lãnh đạo Trung Quốc cũng rất quan tâm đến điều này”, ông nói. Ông Tillerson cho hay ông và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis sẽ cùng tham gia cuộc đối thoại với các đối tác Trung Quốc vào tháng tới. Ngoài ra, còn có cuộc đối thoại về kinh tế và thương mại song phương với sự tham gia của Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross.
Chính sách tăng cường hợp tác với Trung Quốc mà ông Tillerson đưa ra có vẻ như phù hợp với thái độ của Washington đối với vấn đề Biển Đông trong thời gian qua. Tờ The New York Times ngày 2.5 đưa tin chính quyền Mỹ có động thái bất thường khi từ chối đề xuất của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương nhằm đưa các chiến hạm của Mỹ áp sát bãi cạn Scarborough tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc ở Biển Đông. “Hải quân có lý do để nghĩ rằng đề xuất sẽ được duyệt... Nhưng thay vào đó, đề xuất này và hai đề xuất hồi tháng 2 đã bị bác bởi các quan chức Lầu Năm Góc, thậm chí trước khi được trình lên Tổng thống Trump”, tờ báo viết. Cũng theo tờ The New York Times, không có tàu hải quân Mỹ nào tiến vào phạm vi 12 hải lý gần bãi cạn này trong hơn 100 ngày đầu nhiệm kỳ của ông Trump.
Liên quan đến chính sách về vấn đề Triều Tiên, ông Tillerson khẳng định đây là một trong những ưu tiên hàng đầu. “Tổng thống (Barack) Obama từng nói với Tổng thống Trump rằng đây sẽ là thách thức lớn nhất mà ông phải giải quyết. Và ông ấy đã đúng”, ông Tillerson nói và cho hay điều cốt yếu vẫn là gây áp lực để Trung Quốc tác động khiến Triều Tiên dừng chương trình hạt nhân. “Mỹ đang thúc đẩy để xem Trung Quốc có sẵn sàng gây ảnh hưởng hay không”, ông cho hay.
Không áp lực về nhân quyền
Đưa tin về buổi phát biểu của ông Tillerson, tờ The Guardian giật tít Nước Mỹ trước tiên nghĩa là tách bạch chính sách khỏi các giá trị. Ngoại trưởng Mỹ cho rằng việc áp dụng các giá trị của nước này để gây áp lực đối với nước khác chính là trở ngại cho an ninh quốc gia. Ông cho biết các chính sách ngoại giao của Mỹ sẽ không còn gắn với các vấn đề như “nhân quyền” và “tự do”. “Tôi cho rằng việc chúng ta hiểu được sự khác biệt giữa chính sách và các giá trị là rất quan trọng. Các giá trị tự do, phẩm giá con người và cách họ được đối xử là các giá trị của chúng ta chứ không liên quan đến các chính sách”, ông nói.
Ông Tillerson cho rằng trong nhiều tình huống thì Mỹ không thể đạt mục tiêu an ninh quốc gia nếu cứ đặt điều kiện buộc các bên phải tuân theo những giá trị của mình. “Chính sách nước Mỹ trước tiên không có nghĩa rằng an ninh quốc gia và kinh tế thịnh vượng dựa trên sự trả giá của các nước khác”, ông nói. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng điều này không có nghĩa rằng Mỹ sẽ bỏ qua hay thay đổi những giá trị của mình.
Bình luận (0)