Chính sách đồng bộ giữ chân nhân viên y tế

16/12/2021 05:15 GMT+7

Câu chuyện giữ chân nhân viên y tế công, đặc biệt là y tế tuyến cơ sở đã đưa lên bàn 'cân đo, đong đếm' cả thập kỷ nay.

Cứ mỗi lần dịch bệnh bùng phát hay có sự kiện y tế liên quan đến nhân lực thì vấn đề lại được đặt ra và sau đó thì như trôi vào hư không vì không có cơ chế thu hút, giữ người. Cứ thế, nước cứ chảy về chỗ trũng, nhân lực y tế công cứ “chảy” ra tư nhân với chế độ hấp dẫn, hoặc chuyển việc. Đó cũng là quy luật rất tự nhiên.

Bác sĩ Trạm y tế chăm sóc bệnh nhân tại nhà

DUY TÍNH

Qua đợt dịch thứ 4, ngành y tế TP.HCM đã rút ra bài học “xương máu” về y tế cơ sở. Hệ lụy là sức lực nhân viên y tế bị vét cạn kiệt; người bệnh thì thiếu người chăm sóc; thiệt cả đôi đường. Gần 1.000 nhân viên y tế công tại TP.HCM nghỉ việc trong 10 tháng qua là điều đáng suy ngẫm.

Ngành y tế TP.HCM đã có đề xuất thông qua cơ chế đặc thù về lương, đãi ngộ, đặc biệt chính sách nhân lực theo quy mô dân số chứ không phân theo hành chính cấp phường, xã. Nếu được HĐND TP.HCM thông qua, TP.HCM đi tiên phong trong vấn đề giữ chân và thu hút nhân lực y tế tuyến cơ sở.

Nhưng, nói đi thì phải nói lại, chính sách đãi ngộ, thu hút dù có nhưng nếu cơ chế hoạt động bị bó buộc, chưa dung hòa với chính sách khác về khám, chữa bệnh, bác sĩ gia đình thì y tế cơ sở cũng sẽ mai một. Một bác sĩ có nhiều kinh nghiệm về hưu, một bác sĩ giỏi muốn cống hiến, nhưng đặt ở vị trí y tế phường xã, trung tâm y tế quận, huyện thì liệu có phát huy được hết chất xám của họ hay cũng chỉ ngồi kê vài ba viên thuốc bảo hiểm cho bệnh nhân mà phải cân não đong, đo?… Còn bệnh nhân chạy lên tuyến trên từ trước đến nay, dịch bệnh không chống đỡ nổi thì cũng không đạt được mục đích mong muốn mà còn gây ra cả sự lãng phí.

Dịch bệnh đang có xu hướng gia tăng, nhân lực y tế đang phải căng mình chống đỡ, nếu chậm thông qua cơ chế chính sách phù hợp với thời cuộc thì trách nhiệm trước dân sẽ càng lớn. Đừng bàn thêm, vì đã bàn quá nhiều rồi! Cứ có cơ chế, chính sách rồi làm và rút kinh nghiệm từng giai đoạn để đúc kết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.