Vì vậy lúc này, người dân và doanh nghiệp (DN) cần nhất là sự tiếp sức từ các chính sách tài khóa - tiền tệ để chớp lấy cơ hội tăng tốc.
Bởi tuy đang khởi động trở lại khá thuận lợi nhưng những hao tổn nguồn lực sau hơn 2 năm phòng chống dịch thì không thể một sớm một chiều lành ngay được. Chưa kể ở thời điểm hiện tại, chi phí đầu vào đang ở mức lịch sử, nó đòi hỏi một “cơ thể” sung mãn để tồn tại và cạnh tranh. Thế nhưng trong khi vết thương dịch bệnh chưa kịp lên da non thì đang xuất hiện một số yếu tố khiến người dân và DN phập phồng lo ngại.
Đầu tiên là lãi suất rục rịch tăng và tiếp cận vốn khó khăn hơn. Riêng với bất động sản, nhiều hồ sơ vay của cá nhân và tổ chức đã bị trả về sau một số động thái siết tín dụng vào lĩnh vực này của các cơ quan có thẩm quyền. Thứ hai là giá xăng tiếp tục xu hướng đi lên, phiên điều chỉnh hôm nay dự báo sẽ vượt qua ngưỡng lịch sử 30.000 đồng/lít và chắc chắn sẽ tác động ngay đến mặt bằng giá vốn đã rất cao trên thị trường. Chi phí vốn, chi phí vận chuyển, chi phí nguyên vật liệu, chi phí sinh hoạt nếu không được kiểm soát sẽ ăn mòn cơ hội trở lại cũng như làm chậm tăng tốc của cộng đồng DN. Lãnh đạo một số công ty thừa nhận, đơn hàng có, đối tác có, hợp đồng có nhưng họ phải cân nhắc việc tiếp nhận, chưa dám mở rộng ngay vì nguồn lực có hạn và quan trọng hơn là tính toán tới lui thì thu cũng không đủ bù chi. Trong bối cảnh đó, nếu được hỗ trợ thêm nguồn lực, cơ chế, tạo điều kiện... chắc chắn không ít cơ hội sẽ biến thành hiện thực.
Dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất, thuê mặt nước trong năm 2022 mà Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ là một sự tiếp sức quan trọng với họ. Gia hạn thuế thì tiểu thương, DN được giữ lại một số tiền để phục vụ nhu cầu sinh hoạt, kinh doanh sau dịch bệnh. Đặc biệt lần này, Bộ Tài chính ngay trong Tờ trình cũng “hiểu” rất rõ bối cảnh, thể trạng của các đối tượng thụ hưởng nên nhận định “đây là giải pháp cấp bách cần ban hành ngay để kịp thời hỗ trợ cho doanh nghiệp và các đối tượng chịu tác động nên sau khi tổng hợp các ý kiến của các bộ, ngành liên quan, Bộ đã hoàn thiện dự thảo nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất, thuê mặt nước trong năm 2022 và trình Chính phủ cho phép Nghị định có hiệu lực kể từ ngày ký”.
Đưa chính sách vào cuộc sống ngay và luôn là yếu tố có thể nói quan trọng nhất để đạt tối đa hiệu quả. Chúng ta đã chứng kiến, nhiều quyết định đúng, trúng nhưng triển khai quá chậm dẫn đến không phát huy giá trị, thậm chí còn gây bức xúc trong dư luận.
Một yếu tố không thể bỏ qua là sự đồng bộ trong chính sách tài khóa tiền tệ. Chúng ta giãn, giảm thuế để người dân, DN có thêm chút nguồn lực nhưng lãi suất lại tăng thì cũng không ích gì. Chúng ta giảm thuế bảo vệ môi trường, xả quỹ bình ổn để kìm hãm giá xăng nhưng lại không kiểm soát được tình trạng hàng hóa, vận chuyển tát giá theo xăng... thì chi phí đầu vào vẫn thế.
Cả ngân sách và cơ hội đều có hạn, cần chắt chiu và tận dụng tối đa mới có thể biến thách thức thành cơ hội cho mục tiêu phục hồi kinh tế hiện nay. l
Bình luận (0)