Chính sách hỗ trợ phải linh hoạt

21/06/2021 06:20 GMT+7

Theo các chuyên gia, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp lúc này cần có quyết sách linh hoạt, khẩn cấp chứ không dàn đều, chung chung.

Không dàn đều hỗ trợ

Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) đang lấy ý kiến dự thảo Báo cáo tình hình phát triển doanh nghiệp (DN) năm 2020 và 5 tháng đầu năm 2021 để trình Chính phủ quyết định chính sách hỗ trợ cộng đồng DN. Các đề xuất theo hướng Bộ Tài chính xây dựng giải pháp trình Chính phủ báo cáo Quốc hội ban hành nghị quyết giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp trong năm nay đối với DN, hợp tác xã, tổ chức có doanh thu trong năm 2020 không quá 200 tỉ đồng; giảm 15% tiền thuê đất cho đối tượng dừng hoạt động 15 ngày trở lên do ảnh hưởng dịch Covid-19; giảm 50% thuế GTGT trong năm nay đối với các DN bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh như hàng không, khách sạn, nhà hàng để giảm giá dịch vụ, kích cầu nội địa; giảm thuế GTGT về 0% trong 6 tháng cho các DN vận tải, giảm phí đường bộ, giảm 50% lệ phí trước bạ cho các ô tô mới đăng ký kinh doanh vận tải; miễn thuế nhập khẩu với DN nhập linh kiện về sản xuất máy thở, hoàn thuế cho DN đã nhập linh kiện về sản xuất máy thở; giảm thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay từ 2.100 đồng/lít xuống 1.000 đồng/lít...

Điều cần đột phá là giảm các tiêu chí trong các gói hỗ trợ. Bài học cũ cho thấy chính các thủ tục, tiêu chí rườm rà đã đánh mất cơ hội của DN trong tiếp cận các gói hỗ trợ. Các gói hỗ trợ giảm, giãn nợ được kéo dài bao lâu, nếu đến cuối năm nay, dịch chưa hết, DN vẫn khó khăn không trả nổi nợ, phương án dự phòng là gì...?

TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM

Đặc biệt, Bộ KH-ĐT cũng đề xuất Ngân hàng Nhà nước sửa đổi, bổ sung Thông tư 01/2020 theo hướng cho phép cơ cấu nợ vay, giãn nợ đối với các khoản nợ phát sinh trong năm 2020 - 2021, không chuyển nhóm nợ cho đến hết năm nay. Hỗ trợ về vốn cho DN bằng cách giảm 3 - 5% lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới để DN bổ sung vốn lưu động khôi phục sản xuất kinh doanh; sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 84 năm 2020 của Chính phủ theo hướng mở rộng đối tượng được giảm 2% lãi suất cho vay trực tiếp, gián tiếp và không chỉ áp dụng với DN nhỏ và vừa mà bổ sung thêm DN trong các ngành chịu tác động trực tiếp nặng nề bởi dịch bệnh như hàng không, du lịch, khách sạn, vận tải.
Nhận xét về những đề xuất trên, chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh cho rằng đã đến lần tái dịch Covid-19 thứ 4 rồi thì những đề xuất giãn, giảm thuế hay thậm chí miễn thuế đi nữa đều không có hiệu quả như chúng ta mong đợi, không sát thực tế. Tác động của dịch bệnh đến hoạt động của DN lần này rất khác nhau, theo từng nhóm DN chứ không còn là công thức chung, nói chung nữa. Khó khăn hiện tại của DN là vẫn duy trì sản xuất được nhưng hàng hóa làm ra bán không ai mua, thị trường tiêu thụ trong nước bị ảnh hưởng lớn do liên tục thực hiện các biện pháp giãn cách, phong tỏa... Như vậy, các đề xuất giảm, giãn, miễn thuế hay hạ lãi suất tín dụng lúc này chưa giải quyết hết khó khăn cho DN, có chăng chỉ hỗ trợ phần nào, chỉ giúp kéo dài ngày “sống” của DN mà thôi.

Cần có nghị quyết xử lý tình huống khẩn cấp

TS Vũ Đình Ánh phân tích thực tế DN phá sản, giải thể quá nhiều. Lượng DN “chết” vì ảnh hưởng bởi Covid-19 quá lớn, một số cũng đang bên bờ phá sản. Song bên cạnh đó vẫn có nhóm DN hoạt động rất tốt, rất hiệu quả. Vì thế nên phải phân ra từng nhóm để có chính sách phù hợp. Ví dụ với nhóm vẫn hoạt động tốt, miễn, giảm thuế luôn để họ tập trung nguồn lực phát triển là phù hợp. Với hệ thống khách sạn nhà hàng đang ngưng hoạt động hoàn toàn, tài sản bị đánh thuế thế nào khi không khai thác được. Nếu DN lấy tài sản đó cầm cố để vay thì hướng hỗ trợ thế nào? Có thể giảm lãi cho nhóm này được không? Hay các khu vui chơi giải trí buộc phải để người lao động tạm nghỉ làm, chính sách cụ thể với người lao động hay chính sách hỗ trợ chuyển hướng kinh doanh thế nào... “Theo tôi, các chính sách phải đi chi tiết, sát sườn theo khu vực DN cụ thể hơn chứ không nên xây dựng chính sách hỗ trợ theo kiểu dàn đều nữa. Quan trọng phải giúp DN đi tiếp trong tình trạng có sức khỏe chứ không phải kéo dài tình trạng “lâm sàng” của tất cả”, ông Ánh nhận xét.
TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, nêu quan điểm mọi hỗ trợ cho DN lúc này đều rất đáng quý, chẳng hạn như giảm, giãn thuế, phí, lãi vay ngân hàng ngay thời điểm giãn cách là điều cần thiết bởi DN không hoạt động, lấy gì để đóng thuế, tiền thuê nhà hay lãi ngân hàng. Tuy nhiên, mọi nguồn lực đều có hạn nên những hỗ trợ không chi tiền ra nữa thì thực tế hơn và các tiêu chí để hỗ trợ cần đặt trọng tâm. Đơn cử cho vay lãi suất 0 đồng để DN trả lương cho những người lao động nghỉ việc lúc này vì ảnh hưởng bởi dịch; nhất là DN ngành kinh doanh du lịch, dịch vụ vận tải, hàng không, khách sạn, nhà hàng...
“Do diễn biến của dịch Covid-19 với biến chủng Delta được báo động đỏ khắp nơi, hoạt động sản xuất kinh doanh sắp tới sẽ được đặt trong bối cảnh khác, phức tạp hơn năm đầu tiên dịch xuất hiện. Trong thời gian tới, sẽ không còn là câu chuyện dập dịch rồi hết dịch ta cùng phát triển nữa mà cần thay đổi phương thức điều hành nền kinh tế. Lúc này cần có những giải pháp nhanh, khẩn cấp, linh hoạt theo thay đổi biến chủng của vi rút. Chống dịch như chống giặc, luôn cần có những giải pháp xử lý tình huống khẩn cấp mà không nhất thiết phải qua quy trình, quy định hệ thống nào đó... Muốn vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần có nghị quyết riêng dành cho vấn đề này. Tất cả phải đạt yếu tố linh động, đặc thù hơn để xử lý các tình huống khẩn cấp”, ông Ngân nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.