Chính sách không 'vẽ' được ra tiền

05/08/2023 05:39 GMT+7

Đã nhiều năm rồi, cận kề năm học mới là lúc chuyện thiếu giáo viên, chế độ đãi ngộ chưa tương xứng để giáo viên gắn bó, cống hiến với nghề, lại được nêu ra, mổ xẻ.

Năm nay có vẻ căng thẳng hơn, trầm trọng hơn vì đi gần hết chặng đường đổi mới giáo dục, những yêu cầu đặt ra ngày càng cao với đội ngũ giáo viên (GV) cũng là thời điểm những thiếu thốn, bức xúc dồn nén lâu nay của giáo dục bộc lộ rõ ràng, "bùng nổ" hơn bao giờ hết.

Ngày 2.8, trong góp ý về đổi mới giáo dục phổ thông, nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan phát biểu chạm đến tâm tư của hàng vạn GV trên cả nước: "GV áp lực quá, vừa một lúc tinh giản biên chế, vừa đánh giá lại năng lực, nâng cao năng lực, vừa chính sách tiền lương không phù hợp…", đồng thời đề nghị: "Phải có chính sách tiền lương, thông qua bảng lương riêng cho nhà giáo, cứ như thế này thì nhà giáo không đủ điều kiện để theo nghề đâu".

Việc tăng lương nhà giáo cao nhất trong hệ thống thang bảng lương để thu hút người giỏi vào ngành sư phạm, để giải quyết bài toán thiếu GV mà không có nguồn tuyển… cũng đã đưa ra ở các cấp cao nhất nhưng rồi phải gác lại vì chồng chéo các lý do, vướng mắc. Trong đó, vướng nhất vẫn là chuyện "tiền đâu".

Ủng hộ việc cần tăng lương cho nhà giáo càng cao càng tốt nhưng nhà giáo Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội), nêu quan điểm: "Chính sách về lương "không vẽ ra được tiền". Chỉ có năng suất lao động mới tạo ra của cải vật chất và tiền bạc". Theo ông, giống như các ngành khác, ngành giáo dục cần phải cơ cấu lại hệ thống các trường công lập; sắp xếp lại đội ngũ cán bộ quản lý, đội ngũ GV; giảm biên chế thừa; cho nghỉ việc những người năng lực yếu kém… Làm được việc này, năng suất lao động sẽ tăng, lương nhà giáo sẽ tăng, không cần chính sách ưu đãi.

Nhưng để xác định được vị trí việc làm, năng lực lao động, năng suất lao động của nhà giáo thì ngành giáo dục phải được "nắm" chính đội ngũ của mình, chứ không phải như hiện nay, như Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn từng thốt lên: "Ngành giáo dục nắm tất cả mọi thứ, trừ hai thứ". Hai thứ thôi nhưng lại quyết định mọi thứ, đó là con người và tài chính. Giám đốc Sở GD-ĐT Thanh Hóa, nơi thiếu GV nhiều nhất cả nước hiện nay, cũng cho rằng: "Chừng nào ngành giáo dục chưa quản lý được đội ngũ của mình thì chừng đó còn chưa ổn định được. Sở GD-ĐT quản lý về chuyên môn, con người nhưng sở tài chính cấp kinh phí về các trường THPT như thế nào chúng tôi cũng không biết. Vấn đề nhân sự cũng vậy, việc điều động, bổ nhiệm, luân chuyển… đội ngũ của mình thế nào ngành GD-ĐT cũng không nắm được".

Bộ Nội vụ cho biết đang tham mưu theo hướng trả lương theo vị trí việc làm với viên chức. Hy vọng rằng, với đội ngũ nhà giáo, khi áp dụng cách làm này, ngành giáo dục cùng với ngành nội vụ sắp xếp lại đội ngũ cán bộ quản lý, đội ngũ GV, mạnh dạn cho nghỉ việc những người năng lực yếu kém, giải quyết bài toán thừa thiếu GV cục bộ hiện nay... Khi ấy, năng suất lao động sẽ tăng, lương nhà giáo sẽ tăng, nhà giáo sẽ yên tâm, tự hào cống hiến bằng tất cả tâm huyết, năng lực của mình.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.