Việc sửa thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đã được nhiều bộ, ngành, địa phương kiến nghị; được đưa ra nghị trường Quốc hội thảo luận không ít lần, được các chuyên gia kinh tế hàng đầu đất nước phân tích ngọn ngành, cụ thể. Quan trọng hơn, vấn đề này tác động trực tiếp đến hàng triệu người làm công ăn lương - những người miệt mài đóng góp hơn 70% trong tổng thu của sắc thuế TNCN suốt bao năm qua. Thế nhưng tất cả vẫn không thể "thắng" nổi các quy định, quy trình dù chính sách đã hết sức bất cập so với diễn biến thực tế của cuộc sống.
Cụ thể, theo quy định hiện hành, mức giảm trừ gia cảnh (GTGC) được điều chỉnh khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm luật có hiệu lực hoặc lần điều chỉnh mức giảm trừ gần nhất. Trong khi CPI từ năm 2020, thời điểm tăng mức GTGC, đến 2024 chưa vượt ngưỡng 20% nên chưa điều chỉnh. Thế nhưng, chỉ số CPI được tính bao gồm hơn 700 hàng hóa, dịch vụ mà thực tế người nộp thuế chỉ chịu tác động thường xuyên ở một số nhóm hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, điện, nước. Cho nên, dựa vào CPI để điều chỉnh mức GTGC là chưa phản ánh đúng mức độ tác động của giá cả lên đời sống của người làm công ăn lương, dẫn đến thiệt thòi cho họ trong thực hiện nghĩa vụ thuế TNCN.
Còn theo quy trình, Dự thảo luật thuế TNCN (thay thế) được đăng ký vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 và dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến vào tháng 10.2025, thông qua tháng 5.2026... Nhưng nếu chính sách đã lỗi thời và sự lỗi thời đó ảnh hưởng trực tiếp đến hàng triệu người thì tại sao lại bắt họ phải chờ "quy trình"?
Chúng ta đã chứng kiến ngay từ đầu năm mới, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính rà soát, đề xuất giảm thuế hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, tạo động lực để họ phấn đấu, đóng góp cho mục tiêu tăng trưởng 8% của năm 2025. Thuế TNCN là một trong 3 luật thuế quan trọng và bất cập nhất nhưng lại không được nhắc đến mà vẫn cứ phải chờ quy trình, quy định thì không chỉ vô lý mà còn làm giảm ý nghĩa về sự chia sẻ với người nộp thuế. Mới nhất, hôm qua 10.2 Thủ tướng đã có cuộc gặp gỡ các doanh nghiệp lớn, đề nghị họ tham gia các dự án lớn của đất nước, hiến kế đóng góp cho mục tiêu tăng trưởng đầy thách thức mà Đảng và Chính phủ đang quyết tâm thực hiện. Các cơ chế, chính sách, trong đó có chính sách thuế TNCN công bằng, hợp lý sẽ là động lực để người dân, doanh nghiệp cống hiến hơn nữa sức người, sức của cho đất nước.
Sự cấp bách của việc điều chỉnh thuế TNCN còn liên quan đến sức mua của nền kinh tế. Số thuế phải nộp hợp lý, người dân sẽ mạnh tay chi tiêu, sức mua tăng lên, kích thích sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người lao động, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, tăng tốc, đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng của Chính phủ.
Trong kỷ nguyên tăng tốc của đất nước, không có chỗ cho sự trì trệ, lạc hậu. Vì thế, chính sách thuế TNCN đã thể hiện rõ sự lạc hậu, bất cập thì không thể để kéo dài quá lâu như thế này.
Bình luận (0)