Đơn cử như trước đây chúng ta miễn thuế giá trị gia tăng cho hàng nhập khẩu giá trị thấp gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh vì khi đó đơn hàng còn ít, số thuế thu được thấp hơn so với chi phí cho công tác thu thuế. Chưa kể, miễn thuế thì người tiêu dùng trong nước có lợi khi mua được hàng với giá rẻ. Tuy nhiên, với sự bùng nổ của thương mại điện tử xuyên biên giới, lượng giao dịch hàng hóa có giá trị nhỏ xuyên biên giới đã tăng gấp nhiều lần trong thời gian qua. Nếu tiếp tục miễn thuế, ngân sách nhà nước sẽ thất thu một khoản thu khá lớn. Quan trọng hơn, trong các mặt hàng nhập về có rất nhiều sản phẩm mà các doanh nghiệp, cơ sở, cá nhân trong nước đang tổ chức sản xuất. Nên việc miễn thuế này vô tình đã khiến hàng ngoại đè hàng nội.
Trong bối cảnh đó, quyết định dừng miễn thuế với hàng nhập khẩu dưới 1 triệu đồng có hiệu lực từ ngày 18.2 vừa qua được thị trường vui mừng đón nhận. Không chỉ mang về cho ngân sách hàng ngàn tỉ đồng, quyết định này chính là cơ hội để hàng nội cạnh tranh sòng phẳng với hàng nhập, hàng trăm, hàng ngàn cơ sở sản xuất trong nước được bảo vệ chính đáng.
Dẫn một ví dụ để thấy tầm quan trọng và sức mạnh của chính sách thuế. Nhưng cũng vì sức mạnh đó, nhiều người đang cảm thấy lo ngại với đề xuất đánh thuế tiền gửi tiết kiệm mà Bộ Tài chính đang lấy ý kiến. Bởi chúng ta đều biết, vốn trong nền kinh tế lâu nay phụ thuộc rất lớn vào hệ thống ngân hàng. Trong bối cảnh đất nước đang quyết liệt với mục tiêu tăng trưởng 8% năm nay và 2 con số trong những năm tới để trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045, nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng là vô cùng quan trọng để phục vụ và hỗ trợ cho mục tiêu này. Đặt trường hợp đánh thuế tiền gửi tiết kiệm, nếu tiền chảy sang các kênh khác, vốn cho nền kinh tế bị thiếu hụt, ảnh hưởng tới chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, ai chịu trách nhiệm? Chưa kể tiền gửi tiết kiệm, rất nhiều trong số đó là những người hưu trí. Tích cóp bao năm để dưỡng già mà bị áp thuế, liệu có nên? Tương tự với đề xuất đánh thuế quà tặng, thừa kế cả với người trong gia đình cũng cần cân nhắc yếu tố văn hóa, truyền thống... của người Việt.
Đáng nói, trong khi đưa ra khá nhiều đề xuất gây tranh cãi thì yêu cầu cấp bách là sửa đổi mức giảm trừ gia cảnh đã lỗi thời trong luật thuế thu nhập cá nhân lại liên tục bị Bộ Tài chính trì hoãn. Điều này khiến những người nộp thuế cảm thấy không được chia sẻ và thiệt thòi so với các sắc thuế khác. Quan trọng hơn, chính sách thuế thu nhập cá nhân không hợp lý, trong bối cảnh kinh tế khó khăn kéo dài khiến người dân có xu hướng thắt lưng buộc bụng, ảnh hưởng đến sức mua trên thị trường, từ đó tác động đến sản xuất của các doanh nghiệp, ảnh hưởng đến nền kinh tế nói chung.
Mở rộng nguồn thu nhưng chính sách thuế cũng phải bảo đảm khoan sức dân, khoan sức doanh nghiệp và phù hợp với bối cảnh kinh tế, văn hóa, để phát huy nội lực, phục vụ cho mục tiêu chung của đất nước.
Bình luận (0)