Mức thuế chống bán phá giá với chất sorbitol nhập từ Ấn Độ được áp là 52,75%, từ Indonesia là 44,39% và từ Trung Quốc là 57,55 - 68,5%.
Chất sorbitol được sử dụng khá nhiều trong thực phẩm hằng ngày, là chất tạo độ ngọt, bóng cho đồ ăn, đồ uống và giữ được độ ẩm cho thực phẩm. Chất này được Bộ Y tế cấp phép cho vào trong thực phẩm ở mức độ quy định nhằm đảm bảo an toàn cho sức khỏe người sử dụng. Ngoài công dụng chính là tạo vị ngọt, chất này còn giúp chịu được sự tấn công của một số loại vi khuẩn và không thể lên men được. Chính vì thế mà sorbitol hỗ trợ nhiều trong việc bảo quản thực phẩm, đặc biệt là một số loại thực phẩm béo.
bộ công thương |
Trước đó, từ tháng 12.2020, Bộ Công thương đã tiến hành vụ việc điều tra chống bán phá giá sản phẩm nhập khẩu này trên cơ sở đề nghị của ngành sản xuất trong nước nộp trước đó vào tháng 9.2020. Bộ Công thương cho hay, quá trình điều tra vụ việc được thực hiện theo đúng quy định của luật Quản lý ngoại thương, các quy định liên quan cũng như Hiệp định chống bán phá giá của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) cho biết, kết quả điều tra chính thức cho thấy lượng hàng hóa bị điều tra nhập khẩu từ 3 quốc gia Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia gia tăng đột biến. Hàng hóa nhập khẩu bán phá giá là nguyên nhân chính gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước.
Do đó, Bộ Công thương nhấn mạnh, việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức sẽ góp phần tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các ngành sản xuất trong nước, phát triển nguồn nguyên liệu, từ đó nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của sản phẩm và doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Trong thời gian tới, Bộ cũng sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan theo dõi tác động của biện pháp phòng vệ thương mại, tình hình sản xuất, cung - cầu, giá cả… để đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng, thuận lợi cho các ngành sản xuất theo đúng quy định.
Bình luận (0)