Với nghị quyết vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, TP.Thủ Đức chính thức được thành lập với diện tích tự nhiên là 211,56 km2, dân số 1.013.795 người.
TP.Thủ Đức sẽ có 34 phường, diện tích 211 km2
Tại nghị quyết được thông qua, TP.Thủ Đức được thành lập trên cơ sở nhập toàn bộ 49,79 km2 diện tích tự nhiên, 171.311 người của Q,2; toàn bộ 113,97 km2 diện tích tự nhiên, 310.107 người của Q.9 và toàn bộ 47,80 km2 diện tích tự nhiên, 532.377 người của Q.Thủ Đức.
Sau khi thành lập, TP.Thủ Đức có 211,56 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 1.013.795 người.
Cùng với việc thành lập, các đơn vị hành chính cấp xã thuộc TP.Thủ Đức được sắp xếp lại, theo đó nhập toàn bộ 1,74 km2 diện tích tự nhiên của P.An Khánh vào P.Thủ Thiêm.
Sau khi nhập, P.Thủ Thiêm có 3,25 km2 diện tích tự nhiên. P.Thủ Thiêm giáp P.An Khánh, P.An Lợi Đông; Q.1, Q.4 và Q.Bình Thạnh.
Nghị quyết cũng cho phép thành lập P.An Khánh trên cơ sở nhập toàn bộ 2,03 km2 diện tích tự nhiên, 4.333 người của P.Bình Khánh và toàn bộ 1,89 km2 diện tích tự nhiên, 18.821 người của P.Bình An.
Sau khi thành lập, P.An Khánh có 3,92 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 23.154 người, giáp các phường An Lợi Đông, An Phú, Bình Trưng Tây, Thảo Điền, Thạnh Mỹ Lợi, Thủ Thiêm; Q.7 và Q.Bình Thạnh. Với các phương án sắp xếp trên, TP.Thủ Đức sẽ có 34 phường.
Cùng với nội dung trên, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định giải thể TAND, VKSND Q.2, Q.9 và Q.Thủ Đức để thành lập TAND, VKSND TP.Thủ Đức.
Kỳ vọng mang lại lợi ích lớn cho người dân
Thảo luận trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu bày tỏ sự ủng hộ đối với mô hình “thành phố trong thành phố”. Ông Giàu kỳ vọng, mô hình này sẽ mang lại lợi ích lớn cho người dân, khai thác hết tiềm năng của thành phố lớn nhất cả nước.
|
Nhận định Thủ Đức là cấp quận duy nhất tại TP.HCM có đầy đủ mô hình một cấp chính quyền địa phương (gồm cả HĐND và UBND), Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại đề nghị cung cấp rõ hơn thông tin về việc triển khai hoạt động quy hoạch, cơ cấu nhân sự các cơ quan nhà nước.
Cho rằng Thủ Đức chiếm tới 1/3 GRDP của TP.HCM, là trung tâm công nghệ sáng tạo, là cửa ngõ phía đông để kết nối với khu vực trung tâm kinh tế miền Đông Nam bộ, quy mô, tiềm năng rất lớn, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Phan Thanh Bình đề nghị cần giao quyền tương xứng cho chính quyền đô thị của TP.Thủ Đức. “Vị thế của Chủ tịch TP.Thủ Đức thậm chí không thua kém Phó chủ tịch TP.HCM”, ông Bình đánh giá.
Báo cáo thêm tại phiên họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, quá trình xây dựng đề án chính quyền đô thị TP.HCM được thành phố chuẩn bị kỹ lưỡng nhiều năm, khảo sát, đánh giá nhiều chiều, trong đó có việc thành lập TP.Thủ Đức theo mô hình “thành phố trong thành phố”. Sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết về mô hình chính quyền đô thị tại TP.HCM, thành phố đang lên kế hoạch đầu tư để phát triển 8 trung tâm trọng điểm của TP.Thủ Đức.
Về nguồn nhân lực, sau sắp xếp, theo ông Phong, sẽ có hơn 600 cán bộ dôi dư. Dù TP.HCM đã có phương án để giải quyết theo lộ trình 5 năm, nhưng ông Phong cam kết với Bộ Nội vụ là đến 2022 sẽ hoàn thành. Cùng với đó, thành phố cũng sẵn sàng kế hoạch đào tạo cán bộ để ít nhất sẽ đạt chuẩn quốc tế ở 8 ngành nghề như y tế, du lịch, tài chính ngân hàng, quản lý đô thị…
Liên quan đến chính sách với TP.Thủ Đức, Chủ tịch TP.HCM khẳng định, vấn đề đã được quy định trong đề án chính quyền đô thị TP.HCM. Theo đó, TP.HCM có thẩm quyền trình lên Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc tổ chức mô hình “thành phố trong thành phố” theo hướng để tạo đột phá, phát huy hiệu lực, hiệu quả trong điều hành.
“TP.HCM đã xây dựng đề án để uỷ quyền với 85 đầu việc cho Chủ tịch UBND cấp quận. Theo tinh thần này, thành phố chủ trương uỷ quyền ở mức cao nhất cho Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức”, ông Phong nhấn mạnh.
Bình luận (0)