Vụ ngộ độc khiến hàng trăm công nhân nhập viện hôm 21.10 ở Bình Dương một lần nữa dấy lên lo ngại về an toàn thực phẩm trong bữa ăn công nhân.
Công nhân lấy khẩu phần ăn trưa tại một công ty ở P.An Phú, TX.Thuận An, Bình Dương - Ảnh: Đỗ Trường |
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Bình Dương hôm qua đã có báo cáo nhanh về vụ ngộ độc tập thể tại Công ty TNHH giày Vĩnh Nghĩa (P.Hòa Lợi, TX.Bến Cát, Bình Dương). Theo đó, công ty này có tổng cộng 6.025 công nhân. Trưa 21.10, có 5.500 người ăn cơm tại bếp ăn tập thể với các món tôm ram thịt, bắp cải xào, canh chua rau cải do Công ty TNHH dịch vụ thương mại Thành Danh (TP.Thủ Dầu Một) hợp đồng nấu ăn. Từ 15 đến 17 giờ cùng ngày, có 441 người nhập viện cấp cứu với triệu chứng mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn...
Cơm đã bèo, còn gánh phí...
Tiếp xúc với PV Thanh Niên hôm qua, chị L.T.L (24 tuổi), công nhân Công ty giày Vĩnh Nghĩa, kể: “Mỗi bữa cơm lâu nay được công ty cho ăn 11.000 đồng. Ngày 19.10, tụi em đình công đòi tăng chất lượng bữa ăn và công ty hứa tăng lên 13.000 đồng. Hôm 20.10 tụi em không ăn cơm công ty. Đến hôm sau ăn cơm thì xảy ra ngộ độc tập thể”. Chị L. nhìn nhận, với suất ăn như lâu nay thì “chủ yếu ăn nhiều cơm cho no bụng”.
Theo số liệu PV ghi nhận, tỉnh Bình Dương hiện có 150.000 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động. Trả lời PV, bà Trương Thị Bích Hạnh, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Bình Dương, cho biết hiện trên địa bàn tỉnh còn khoảng 7 - 8% DN cho công nhân ăn với giá từ 10.000 -11.000 đồng/suất. “Về số liệu từng DN chi phí cho bữa ăn công nhân mỗi suất bao nhiêu tiền thì không có con số cụ thể vì LĐLĐ chỉ nắm được đối với những DN có tổ chức công đoàn, còn những DN chưa có tổ chức công đoàn thì do Sở LĐ-TB-XH quản lý”, bà Hạnh giải thích. Cũng theo bà Hạnh, LĐLĐ Bình Dương và công đoàn cơ sở các cấp đã nhiều lần thương lượng với chủ DN để tăng chất lượng bữa ăn cho CN, tuy nhiên việc thương lượng này thường gặp phải rất nhiều khó khăn. “Chủ DN cho rằng giá thành mỗi suất ăn không được quy định trong luật. Giá trị mỗi bữa ăn phụ thuộc phần lớn vào quá trình sản xuất kinh doanh lời hay lỗ. Cho nên việc nâng chất lượng bữa ăn cho công nhân chỉ dừng lại ở việc thương lượng, vận động”, bà Hạnh nói.
Trong khi đó, Sở LĐ-TB-XH tỉnh cũng không biết cụ thể công nhân được cho ăn mỗi suất bao nhiêu tiền. Ông Hồ Quang Điệp, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh, đề nghị: “Cần có một cơ quan đứng ra chủ trì, phối hợp với cơ quan lao động, tổ chức công đoàn để giám sát chất lượng bữa ăn của công nhân. Nếu thành lập được hiệp hội suất ăn công nghiệp thì tốt quá”.
Trên thực tế, bà Nguyễn Thị H. (39 tuổi), chủ một cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp ở TX.Tân Uyên (Bình Dương), cho biết các cơ sở cung cấp suất ăn đều có bảng định lượng cụ thể cho mỗi suất ăn, phụ thuộc vào giá tiền của từng suất. “Với 11.000 đồng thì chúng tôi chỉ nấu được mỗi suất ăn 80 gr thịt heo, 130 gr gạo, rau canh phụ thuộc vào giá cả từng phiên chợ, rau rẻ thì canh nhiều, đắt thì ít đi và không có món tráng miệng. Cũng có cơ sở chỉ cung cấp được một nhúm cá cơm kho, 1 miếng tàu hủ và một chút giá xào”, bà H. giải thích.
Khi PV hỏi thêm thì bà H. thú thật: “Để nhận được một hợp đồng nấu ăn giá 11.000 đồng, cơ sở cung cấp suất ăn phải chi phí cho bộ phận nhân sự, công đoàn... của công ty mỗi năm khoảng 50 triệu đồng cho 1.000 công nhân, nếu số công nhân tăng thì số tiền chi phí tăng lên. Ngoài ra, mỗi khẩu phần ăn phải chiết khấu lại cho các bộ phận liên quan trung bình 300 - 700 đồng. Có công ty, chúng tôi phải chiết khấu đến 1.000 đồng/suất”.
“Ăn vậy mà cứ đòi năng suất cao”
Ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ VN, nhìn nhận, tại các khu công nghiệp hiện nay rất nhiều nhà máy khoán một cơ sở thầu cung cấp suất ăn. “Bữa ăn do các nhà thầu cung cấp không còn đủ số tiền mà DN hỗ trợ cho người lao động (NLĐ) bởi nhà thầu tính thêm lợi nhuận bao gồm chi phí hoa hồng, vận chuyển, nhân công, điện nước. Để cắt giảm chi phí, họ buộc phải mua thực phẩm rẻ tiền. Đây cũng chính là nguyên nhân xảy ra hàng loạt các vụ ngộ độc tập thể gần đây”, ông Chính nói.
Ông Chính phân tích: Với giá 11.000 đồng/suất ăn, thực chất sẽ chỉ có giá 8.000 - 9.000 đồng/suất vì đơn vị cung cấp suất ăn đã “xà xẻo” bù đắp các chi phí lợi nhuận. “Bây giờ ăn đĩa cơm bình dân ngoài quán cũng 20.000 đồng. Suất ăn công nhân 8.000 - 9.000 đồng, dù mua thực phẩm giá rẻ cũng không đủ chất và không đảm bảo an toàn thực phẩm, dẫn đến không thể đủ tái tạo sức lao động. Vừa rồi một số hiệp hội DN phản đối tăng tương tối thiểu vì lý do làm ăn thua lỗ. Nói NLĐ là tài sản của DN, vậy mà lương tối thiểu cũng không tăng, giờ lại bòn rút bớt tiền ăn ca thử hỏi làm sao đủ sức để lao động mà đòi công nhân phải có năng suất cao”, ông Chính bức xúc.
Đình công vì chất lượng bữa ăn
Theo LĐLĐ tỉnh Đồng Nai, trong 6 tháng đầu năm 2015 có 4/20 vụ đình công liên quan đến chất lượng bữa ăn. Ông Tăng Quốc Lập, Phó chủ tịch LĐLĐ tỉnh, cho rằng: “Theo tôi, chất lượng suất ăn cao hay thấp tùy thuộc vào DN, nếu công ty nào làm ăn được, kinh doanh tốt thì chất lượng bữa ăn đảm bảo. Ngược lại, công ty làm ăn yếu kém thì suất ăn cũng phần nào bị cắt giảm”.
Lê Lâm
|
DN FDI bị phàn nàn về bữa ăn mất vệ sinh cao nhất
Theo khảo sát thực trạng bữa ăn ca của Viện Công nhân - Công đoàn công bố cuối năm 2012 (khảo sát 2.000 NLĐ và cán bộ quản lý DN tại 12 tỉnh, thành phố) cho thấy các DN FDI bị phàn nàn về bữa ăn mất vệ sinh cao nhất, chiếm tới hơn 41%, trong khi công ty cổ phần là hơn 31%. Về lượng bữa ăn giữa ca, NLĐ trong DN FDI và công ty cổ phần phải ăn uống kham khổ so với NLĐ làm việc trong các DN nhà nước. Cụ thể, có tới 24,3% NLĐ ở công ty cổ phần và 37,5% ở DN FDI cho biết bữa ăn của họ thường thiếu thức ăn. Còn về bữa ăn giữa ca, có tới gần 15% NLĐ cho rằng thức ăn không đảm bảo dinh dưỡng. Với các DN thuê dịch vụ ngoài cung cấp bữa ăn, có 22,1% NLĐ cho rằng thức ăn không đảm bảo.
Cũng theo khảo sát, 95% DN hỗ trợ tiền ăn ca cho NLĐ với mức bình quân mỗi suất ăn là 13.900 đồng (khoảng 368.000 đồng/tháng). Tuy nhiên, số DN hỗ trợ toàn bộ bữa ăn chỉ là 75%, có 10,4% NLĐ được hỗ trợ một nửa tiền ăn ca, thậm chí nhiều DN chỉ hỗ trợ 5.000 đồng còn lại NLĐ phải tự góp, còn 5% DN không hỗ trợ tiền ăn giữa ca. Thực trạng bữa ăn của NLĐ không chỉ thấp về chất lượng mà còn nghèo về giá trị dinh dưỡng. Trong thành phần bữa ăn chỉ có 12% lượng protein, 16% chất béo, còn lại 72% là chất bột (gạo, ngô, khoai).
Thu Hằng
|
Bình luận (0)