(TNO) Phòng Cảnh sát Giao thông đường bộ - đường sắt (PC67) Công an TP.HCM sẽ tổ chức mật phục ghi hình tại các lò độ xe để xử lý việc lên đời xe, mông má lại xe 'cà tàng'. Đợt cao điểm này bắt đầu từ ngày 20.10.
Trung tá Huỳnh Trung Phong, Phó phòng Cảnh sát Giao thông đường bộ - đường sắt (PC 67) trả lời về kế hoạch ra quân xử lý xe "cà tàng" - Ảnh: Phạm Hữu |
Trao đổi với Thanh Niên Online, trung tá Huỳnh Trung Phong, Phó phòng PC67, cho biết các tổ công tác của Công an TP.HCM sẽ sử dụng camera ghi hình các hoạt động giao thông, các đối tượng vi phạm luật giao thông và các hành vi vi phạm giao thông.
Soi các lò độ xe
Trung tá Phong cho biết việc ghi hình này cũng sẽ nhắm đến các điểm, lò độ xe, các loại xe thay đổi hình dán lưu thông trên đường. Thông tin ghi nhận sẽ được chuyển ngay cho lực lượng chuyên môn kiểm tra ngay lập tức. "Nếu không kiểm tra ngay, chúng tôi sẽ thông qua việc ghi hình để tiến hành phạt nguội các chủ phương tiện", trung tá Phong nói.
Theo ông Phong, các tổ công tác ghi hình sẽ hoạt động song song vừa công khai, vừa bí mật.
"Nhiều thanh thiếu niên thường hay độ xe, thay đổi hình dáng xe, thay đổi kết cấu của máy để xe di chuyển ở tốc độ cao hơn. Những người này sẵn sàng bỏ ra số tiền rất lớn để 'độ' xe và tham gia giao thông. Riêng vấn đề này chúng tôi cũng đã có kế hoạch cụ thể để xử lý", trung tá Phong khẳng định.
Ông Phong cũng cho biết trước đó PC67 đã "lập danh sách" các tiệm sửa xe có dấu hiệu thường xuyên thực hiện việc thay đổi đặc điểm, hình dáng của xe.
Xe "cà tàng" được sử dụng nhiều trên các tuyến đường nội đô - Ảnh: Phạm Hữu
|
Xử lý xe "cà tàng"
Cũng theo ông Phong, PC 67 đã và đang tiếp tục kiểm tra, xử lý các loại xe mô tô 2 bánh không đảm bảo an toàn kỹ thuật ; xe mô tô không gắn biển số hoặc gắn biển số không đúng với biển số ghi trong giấy đăng ký xe, biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp.
Các hành vi gắn biển số không đúng quy định, biển số mờ, bẻ cong, bị che lấp, bị hỏng. tự sản xuất, lắp ráp trái quy định; Xe bị thay đổi khung, máy, hình dáng, kích thước, đặc tính của xe; xe mô tô kéo theo thùng xe tự chế... đều sẽ bị xử lý.
Ông Phong cũng nhận xét là các đối tượng sử dụng phương tiện xe "cà tàng" này thường rơi vào những người lao động, hầu hết những người lao động nghèo, sử dụng phương tiện này để chở vật liệu xây dựng, chở nước đá...
Hành vi vi phạm phổ biến này thường là "chở hàng cồng kềnh, chạy với tốc độ cao, chạy ngược chiều, vượt đèn đỏ...". Ông Phong cho rằng việc xử lý xe "cà tàng" cần được phối hợp chặt chẽ với các chính quyền địa phương phường, xã, và cả các tổ dân phố...
Bình luận (0)