Nước lũ chia cắt nhiều nơi
Trong 3 ngày qua, tại Quảng Bình có mưa lớn trên diện rộng. Theo báo cáo của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai (PCTT) và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) tỉnh, nhiều hồ thủy lợi trên địa bàn bị tràn sâu như: Sông Thai, Phú Hòa, Phú Vinh, Rào Đá, Vực Tròn, Thác Chuối; hồ thủy điện Hố Hô lưu lượng nước qua tràn 131 m3/giây, nhà máy mở 3 cửa xả.
Thống kê đến chiều 1.11, toàn tỉnh có 15.062 nhà bị ngập. Nhiều nơi bị chia cắt trong ngày 1.11 như đường 10 (xã Ngân Thủy, H.Lệ Thủy); đường vào các bản: Pơ Long, Zìn Zìn, Dốc Mây, Trung Sơn (xã Trường Sơn, H.Quảng Ninh) bị ngập, phương tiện giao thông không qua lại được. Đường Hồ Chí Minh bị ngập đoạn qua xã Phúc Trạch, QL12A, QL9B, QL15 và nhiều tuyến giao thông nội tỉnh khác bị ngập, chia cắt.
tin liên quan
Nước lũ đổ về dữ dội, nhiều người dân Quảng Bình trở tay không kịpMưa lớn cùng với việc các hồ, đập xả lũ khiến nước lũ tại tỉnh Quảng Bình lên rất nhanh trong sáng 1.11, gây ngập trên diện rộng. Người dân nhiều nơi trở tay không kịp.
|
Chiều qua còn nhiều nơi bị chia cắt như: xã Tân Hóa (H.Minh Hóa), thôn Kim Bảng (xã Minh Hóa). Tại H.Tuyên Hóa, cầu Thanh Thạch đi Thanh Hóa, đường vào UBND xã Thạch Hóa bị ngập; đường Cao Quảng đi Châu Hóa, Mai Hóa đi Ngư Hóa bị sạt lở không đi được; cầu treo Kim Tiến (xã Kim Hóa) bị sạt lở hai bên mố cầu. Tại H.Quảng Trạch, đường liên xã Cảnh Hóa đi Phù Hóa và đường từ Quảng Thanh - Quảng Phương - Quảng Lưu - Quảng Thạch bị chia cắt hoàn toàn; xã Phù Hóa và Cảnh Hóa bị chia cắt nhiều thôn. Tại H.Bố Trạch, đường từ trung tâm TT.Hoàn Lão đi các xã vùng trên; đoạn đường dọc Trung tâm du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng đến trụ sở xã Sơn Trạch bị ngập 0,2 - 0,3 m; các bản Bụt, Chăm Pu, Cờ Đỏ, A Ky, Tuộc (xã Thượng Trạch)… bị chia cắt. Tại H.Lệ Thủy, các xã như Liên Thủy, Thanh Thủy, Lộc Thủy đang bị ngập sâu và chia cắt.
Do mực nước từ đợt lũ trước còn cao và mưa lớn mấy ngày qua nên nước lũ lên nhanh khiến người dân rất bất ngờ, không kịp trở tay. Nhiều tài sản, gia súc, gia cầm bị cuốn trôi như tại xóm Lèn, thôn Đồng Lâm (xã Đức Hóa, H.Tuyên Hóa).
|
Đợt mưa lũ này gây nhiều thiệt hại với người dân Quảng Bình.
3 tàu cá của thôn Xuân Hải (xã Quảng Phú, H.Quảng Trạch) bị chìm; 1 tàu của ông Cao Xuân Dần (xã Quảng Hải, TX.Ba Đồng) bị trôi chưa tìm được; tàu cá QB 98750 TS có 6 thuyền viên của ngư dân Nguyễn Tiến Dũng (thôn Tân Mỹ, Quảng Phúc, TX.Ba Đồn) bị lật tại cửa Gianh, 6 thuyền viên đã được cứu sống.
Lũ dồn, lốc xoáy
Khoảng 6 giờ ngày 1.11, lốc xoáy càn quét qua 2 xã Phú Thủy và Mai Thủy (H.Lệ Thủy) khiến nhiều người dân bàng hoàng. Ông Lê Văn Bảo - Chủ tịch UBND huyện - cho biết có 71 nhà tại thôn 1 Thạch Bàn (xã Phú Thủy) và các thôn Châu Xá, Lê Xá (xã Mai Thủy) hư hại, nhiều nhà hỏng nặng. Trường mầm non Thạch Bàn (Phú Thủy) bị bay mái che. PV Thanh Niên đã đến các địa bàn trên ghi nhận, trao tiền hỗ trợ cho người dân. Nơi xảy ra lốc xoáy trên đã bị thiệt hại lớn trong trận mưa lũ giữa tháng 10, khiến người dân càng khốn khổ.
Cuối chiều qua, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Quảng Bình cho biết có 4 người bị thương; mực nước trên các sông đã đạt đỉnh và đang xuống chậm; tuy nhiên có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét trên các sông suối nhỏ, sạt lở đất ở vùng núi.
tin liên quan
Sạt lở nhiều tuyến đường ở miền núi Quảng Nam, hàng trăm phương tiện mắc kẹtMưa lớn kéo dài khiến nhiều tuyến đường ở miền núi Quảng Nam sạt lở, giao thông ách tắc nghiêm trọng, hàng trăm phương tiện bị mắc kẹt, tiến thoái lưỡng nan.
Chìm trong biển nước
Sau nhiều ngày có mưa lớn, một trận lũ từ thượng nguồn sông Hiếu đã đổ về H.Cam Lộ (Quảng Trị) gây thiệt hại nặng nề - hơn 2.100 ngôi nhà bị lũ nhấn chìm, 1 người mất tích...
Theo thông tin sơ bộ từ Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão - TKCN tỉnh Quảng Trị, đến cuối ngày 1.11, nước lũ gây ngập hơn 2.100 ngôi nhà tại H.Cam Lộ. Các địa phương bị nước “bao vây” là TT.Cam Lộ, xã Cam Tuyền, Cam Thủy, Cam Hiếu, Cam Thành... Tại xã Cam Tuyền, chị Văn Thị Mỵ Nương (26 tuổi, thôn Bắc Bình) cho biết, nước bắt đầu dâng lên lúc 7 giờ ngày 1.11, chỉ sau 30 phút nhà chị đã ngập sâu 2 m. “Nước lên quá nhanh, tôi chỉ kịp bồng con lên nóc nhà trú, còn tài sản ở dưới nhà bị nước cuốn trôi và hư hỏng hết cả rồi”, chị Nương nói. Cụ Phan Thị Thêm (thôn Bắc Bình) mếu máo: “Tôi sống đến chừng này tuổi rồi mà chưa bao giờ thấy đợt lũ nào nước lên nhanh và ngập sâu đến vậy, chẳng ai kịp trở tay”. Nhiều gia súc của gia đình cụ Thêm chết do lũ.
Tại chợ phiên Cam Lộ, nước tràn vào hầu hết các ki ốt, có nơi lên hơn 1 m, làm rất nhiều hàng hóa của bà con tiểu thương hư hại.
|
Ông Lê Đa Sơn, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão - TKCN tỉnh Quảng Trị, cho hay sở dĩ trận lụt diễn ra nhanh, mạnh là do khu vực thượng nguồn sông Hiếu mưa quá lớn. “Toàn tỉnh lượng mưa trung bình là 200 - 220 mm, riêng ở Tân Lâm, thượng nguồn sông Hiếu lượng mưa đo được lên tới 410 mm. Mưa rất lớn từ 1 - 6 giờ ngày 1.11 nên nước lên rất nhanh và thoát chậm, gây ngập lụt từ 1 - 3 m”, ông Sơn nói.
Chiều 1.11, ông Lê Văn Thanh, Phó chủ tịch UBND H.Cam Lộ (Quảng Trị), xác nhận lực lượng chức năng vẫn đang dùng ca nô quần thảo trên sông Hiếu để tìm kiếm nạn nhân Hoàng Hữu Thành (thôn Vĩnh An, xã Cam Hiếu, H.Cam Lộ) bị nước lũ cuốn trôi lúc 11 giờ cùng ngày. Anh Thành được cho là mất tích khi đang lùa trâu bò lên vùng cao tránh lũ thì gặp dòng nước mạnh. Dù đã trèo lên cây để trú nhưng sau đó anh đã bị dòng nước xiết cuốn đi.
Dân vùng "rốn lũ" Hà Tĩnh lại trắng đêm chạy lũ
Lâm vào tình cảnh "lũ chồng lũ", hai ngày qua, người dân Hương Khê (Hà Tĩnh) lại phải chống chọi với mưa lũ, tiếp tục đối mặt với khó khăn, trong khi hậu quả của cơn lũ trước vẫn chưa khắc phục xong.
Sáng 1.11, trời mưa như trút nước. Chỉ từ 9 - 11 giờ, nước lũ dâng cao, khiến gần 100 hộ dân ở xóm 8, xã Hòa Hải (H.Hương Khê) ngập tới 1 m. Rất may, do chủ động trong phòng tránh lũ, nên người già và trẻ nhỏ cùng tài sản, vật nuôi đã được di chuyển từ đêm hôm trước. “Suốt đêm qua, chúng tôi phải thức trắng để đưa trâu, bò, lợn, gà, tài sản đi tránh lũ”, anh Phạm Văn Bảo (41 tuổi, ngụ xóm 8) nói.
Khoảng 12 giờ trưa 1.11, QL15A (đoạn qua xã Hương Đô, H.Hương Khê) bị tê liệt hoàn toàn vì nước lũ dâng cao. Nhiều đoạn ngập sâu gần 2 m, lực lượng chức năng phải lập chốt để điều tiết giao thông. Tại xã Gia Phố (H.Hương Khê) đêm 31.10, nước lũ lên nhanh khiến hơn 200 nhà dân bị ngập. Trong đêm, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng kịp thời hỗ trợ di chuyển người già, trẻ nhỏ cùng tài sản lên các trường học, nhà thờ và trụ sở UBND xã để tránh lũ. Nhiều gia đình nhanh chóng di chuyển sang các nhà bè, chòi cao của gia đình để đối phó với mưa lũ.
Ông Ngô Đức Hợi, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và TKCN tỉnh Hà Tĩnh, cho biết tính đến 16 giờ ngày 1.11, Hà Tĩnh có 29 xã với 3.286 hộ dân bị ngập.
Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, sáng 1.11, Sở GD-ĐT Hà Tĩnh cho 30.000 học sinh thuộc 84 trường học trên địa bàn các huyện Hương Khê, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh nghỉ học.
Phạm Đức
|
3 người chết và mất tích, 3 người bị thương
Thông tin từ Ủy ban Quốc gia TKCN, Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng), tính đến 16 giờ ngày 1.11, mưa lớn và lũ lụt ở các tỉnh miền Trung đã làm chết 2 người tại Quảng Bình do bị lũ cuốn trôi; 1 người mất tích tại Quảng Trị. Ngoài ra, tỉnh Quảng Bình cũng có 3 người bị thương do mưa lũ. Thống kê tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị đã có trên 16.730 ngôi nhà bị ngập lụt và trên 50 ngôi nhà ở Quảng Bình bị hư hỏng do lốc xoáy.
Trong ngày, các đơn vị quân đội đứng chân địa bàn các tỉnh miền Trung đang có mưa lũ đã huy động trên 1.000 cán bộ, chiến sĩ; 36 ô tô và tàu xuồng các loại trực tiếp giúp dân ứng phó với mưa lũ. Trong đó, ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị, các đơn vị quân đội đã di dời được 485 hộ dân và 230 học sinh trong các nhà dân, trường học bị ngập sâu trong nước di chuyển đến nơi an toàn.
Phan Hậu
|
Bình luận (0)