Từ 23 giờ ngày 1.11, thủy điện An Khê - Kanat (Gia Lai) bất ngờ xả lũ khiến nhiều khu vực hạ du ở Gia Lai bị ngập lụt, nhiều hộ phải di dời khẩn cấp. Một số khu vực ở các huyện Kon Chro, Phú Thiện, Ia Pa và TX.Ayun Pa bị ngập cục bộ. Thủy điện xả lũ nhưng không thông báo trước cho chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các huyện, thị của Gia Lai cũng chỉ nhận tin nhắn trước vài giờ. Theo thông báo của Nhà máy thủy điện An Khê - Kanat, lưu lượng xả từ 200 đến 600 và hơn 1.000 m3/giây.
Tập đoàn điện lực VN (EVN) hôm qua thông báo có 6 nhà máy thủy điện ở miền Trung đang xả điều tiết, vận hành đảm bảo an toàn, tham gia cắt giảm lũ cho hạ du. Bao gồm các hồ: Sông Bung 4 (tổng lưu lượng về hạ du 414,6 m3/giây), Sông Tranh 2 (361,28 m3/giây), Vĩnh Sơn A (52,2 m3/giây), Sông Ba Hạ (7.400 m3/giây), An Khê (50 m3/giây), Đơn Dương (50,8 m3/giây).
Hàng ngàn ngôi nhà bị ngập; đường sá sạt lở
Sáng 3.11, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Định và TP.Quy Nhơn đã di dời 420 hộ dân ở P.Nhơn Phú và P.Trần Quang Diệu bị ngập sâu đến nơi ở an toàn. Đến chiều 3.11, tại Bình Định, mưa lũ làm 26 nhà bị sập, 21 nhà tốc mái, 1.450 nhà ngập nước, 1.608 ha lúa mùa và 148 ha màu bị ngập, 3.500 con gia cầm, 56 con gia súc bị chết, cuốn trôi. Tối 1.11, tại H.Hoài Ân xuất hiện lũ quét khiến 1 ngôi nhà bị sập, 776 ngôi nhà bị ngập nước, 3.543 con gia súc và gia cầm bị nước lũ cuốn trôi, hư hỏng 3 cây cầu… ước tính thiệt hại trên 15 tỉ đồng. Thiệt hại ở các xã Ân Đức, Ân Nghĩa, Ân Tường Tây, Ân Hữu, Bok Tới.
Theo UBND H.Kon Plông (Kon Tum), chiều 3.11, tỉnh lộ 676 từ huyện lỵ vào các xã Đăk Nên đã tạm khai thông sau khi được khắc phục các điểm sạt lở do mưa lũ. Tuy nhiên, trên tuyến tỉnh lộ 673 thêm một số điểm sạt lở với hàng ngàn khối đất đá, gây ách tắc giao thông.
Chiều tối 3.11, huyện miền núi cao Nam Trà My (Quảng Nam) vẫn bị cô lập nghiêm trọng về thông tin liên lạc. Khu vực trung tâm huyện cũng mất nguồn nước sinh hoạt từ ngày 1.11. Theo UBND H.Nam Trà My, hơn 75.130 m3 đất đá tràn xuống từ hàng chục điểm sạt lở, riêng tuyến QL40B có ít nhất 16 vị trí sạt lở, lưu thông ách tắc hoàn toàn. Xã Trà Leng bị cô lập, hàng loạt trường dân tộc bán trú cũng bị lũ uy hiếp ở Trà Vinh, Trà Cang, Trà Dơn, Trà Tập. Lũ dâng đến khu nhà ở, bếp ăn của Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Trà Leng khiến các giáo viên phải đi lánh nạn. Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó chủ tịch UBND TP.Hội An, cho biết khoảng 300 m bãi biển về phía bắc bị sạt lở, sóng biển xâm thực vào bờ biển có đoạn sâu đến 15 m.
Tại Thừa Thiên-Huế, lực lượng chức năng các địa phương giải tỏa hàng nghìn mét khối đất đá sạt lở trên đường Hồ Chí Minh, đến sáng 3.11 đã thông tuyến bước một. Ở huyện miền núi A Lưới (Thừa Thiên-Huế), các hộ di dời đều được đưa trở về nhà an toàn. Tại Quảng Bình, nhiều đường bị sạt lở nặng, tắc đường không đi được như: 9B lên bản Chút Mút, xã Lâm Thủy (H.Lệ Thủy), đường Hồ Chí Minh nhánh tây đi qua xã Trường Sơn (H.Quảng Ninh), đường vào bản Lòm, xã Trọng Hóa (H.Minh Hóa).
Chiều 3.11, tại Hà Tĩnh vẫn còn 367 hộ dân (huyện Cẩm Xuyên, Hương Khê) bị ngập trong nước lũ. Còn tại xã Phương Mỹ (H.Hương Khê) có 180 hộ ngập sâu từ 1 - 1,5 m. UBND Hà Tĩnh cấp 3.400 kg giống ngô để các địa phương bị thiệt hại trong đợt mưa lũ sản xuất vụ đông ngay sau khi nước rút.
Do thủy điện Sông Ba Hạ xả lũ với lưu lượng lớn nên nhiều tuyến đường ở TP.Tuy Hòa bị ngập, chính quyền đã khẩn trương di dời người dân ở vùng trũng ra khỏi khu vực lũ đe dọa.
Áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn ở các tỉnh nam Trung bộ
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, lúc 13 giờ ngày 3.11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) ở vào khoảng 7,4 độ vĩ bắc và 114,1 độ kinh đông, cách đảo Trường Sa Lớn, thuộc quần đảo Trường Sa khoảng 250 km về phía đông nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 6 (từ 40 - 50 km/giờ), giật cấp 7 - 8. Dự báo trong 24 giờ tới, ATNĐ di chuyển theo hướng tây tây bắc, khoảng 15 km/giờ.
Đến 13 giờ ngày 4.11, vị trí tâm ATNĐ còn cách đảo Phú Quý (Bình Thuận) khoảng 260 km về phía đông đông nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 6, giật cấp 7 - 8. Do ảnh hưởng của ATNĐ, vùng biển quần đảo Trường Sa có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7 - 9 và có mưa giông mạnh. Dự báo từ sáng 4.11, ATNĐ kết hợp với không khí lạnh nên vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Ninh Thuận đến Bà Rịa-Vũng Tàu có gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7 - 8, sóng biển cao từ 2 - 3 m; biển động. Cũng do ảnh hưởng của không khí lạnh nên ở vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi, tiếp tục có gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7 - 8, biển động; khu vực bắc Biển Đông, bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa có gió đông bắc cấp 6 - 7, giật cấp 8 - 9, biển động mạnh. Sóng biển cao từ 2 - 3 m.
Ông Lê Thanh Hải, Phó giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết mưa lũ ở các tỉnh Trung bộ và nam Trung bộ trong những ngày tới còn diễn biến phức tạp. Khi tháng 11 hằng năm là cao điểm trong mùa mưa ở các tỉnh Trung bộ và nam Trung bộ. Nhưng năm nay, yếu tố không khí lạnh cường độ mạnh ngay trong thời điểm đầu mùa cũng gây mưa nhiều hơn cho mùa mưa ở khu vực Trung bộ và nam Trung bộ.
Dự báo thời tiết trên biển trong những tháng cuối năm sẽ có 1 - 2 ATNĐ dù ít có khả năng mạnh lên thành bão nhưng những đợt ANĐT này sẽ làm gia tăng lượng mưa cho mùa mưa ở các tỉnh Trung bộ và nam Trung bộ. Cũng theo dự báo, ATNĐ đang hướng vào các tỉnh nam Trung bộ khiến địa bàn này tiếp tục có thêm một đợt mưa mới. Dự báo vùng trọng tâm mưa sẽ kéo dài từ tỉnh Quảng Bình cho đến các tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận.
P.Hậu
|
Tàu thuyền gặp nạn
Ngày 3.11, Đồn biên phòng Mỹ Thủy (H.Hải Lăng, Quảng Trị) cho hay: tàu hàng số hiệu ĐNa 0494 (do Nguyễn Dũng, Q.Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng) làm chủ có công suất 350 CV, kéo theo sà lan Mai Sơn 09, đi từ Nam Định về TP.Đà Nẵng, khi đến vùng biển thuộc Quảng Trị (cách bờ biển thôn Mỹ Thủy, xã Hải An khoảng 5 đến 6 hải lý) thì bị chết máy. Các thuyền viên đã cắt bỏ sà lan để cứu tàu chìm, nên sà lan trôi dạt vào bờ. Dù đã được neo lại nhưng do sóng lớn, sà lan bị đứt neo đã phá vỡ 17 hệ thống ống dẫn nước của các chủ hồ nuôi tôm ở đây. Lực lượng chức năng đã khắc phục bơm thêm nước vào để cố định sà lan, tránh thiệt hại thêm cho người dân. Cùng đó, tàu CSB 902 được điều đến tiếp cận tàu ĐNa 0494, cứu 3 người trên tàu.
Trong khi đó, lực lượng tìm kiếm vẫn chưa phát hiện được 3 ngư dân hành nghề trên tàu cá QNg 94740 (12 ngư dân) do ông Nguyễn Tình làm thuyền trưởng bị rơi xuống biển và mất tích đêm 1.11 tại vùng biển cách Cù Lao Chàm, Quảng Nam 15 hải lý. Thời tiết xấu còn khiến 4 tàu cá ở Quảng Bình bị chìm và cuốn trôi, tỉnh Quảng Ngãi có 2 tàu chìm trong ngày 1.11.
Tại Phú Yên, đến 17 giờ ngày 3.11, có 1 người ở H.Sơn Hòa chết do mưa lũ và 1 người ở H.Tuy An mất tích trong lúc di chuyển bò ra khỏi vùng lũ; 1 tàu cá của ngư dân ở P.6, TP.Tuy Hòa bị sóng đánh chìm, trên tàu có 4 người đang trôi dạt trên biển. Hiện do sóng lớn nên các phương tiện không thể cứu hộ được, UBND tỉnh Phú Yên đã báo cáo xin Ủy ban Tìm kiếm cứu nạn quốc gia dùng máy bay để cứu người bị nạn.
Tại Đắk Lắk, mưa lớn kéo dài trong hai ngày qua gây ngập lụt cục bộ tại các huyện Krông Bông, Ea Kar, M’Đrắk... Sáng cùng ngày, nước lũ làm lật thuyền anh Đào Văn Hòa (26 tuổi, trú xã Cư Yang, H.Ea Kar) trong lúc đánh cá ở suối khiến anh Hòa tử vong, đến chiều mới tìm được thi thể. 2 cầu dân sinh ở xã Hòa Sơn bị nước cuốn trôi; một đoạn đường cứu hộ, cứu nạn ở xã Hòa Phong bị nước lũ cuốn trôi 5 m chia cắt giao thông hai xã Hòa Phong và Cư Pui. Tại H.M’Đrắk, mưa lớn khiến nhiều tuyến đường ở các xã Cư San, Ea Riêng, Krông Jin, Cư Prao bị ngập cục bộ, gây ách tắc giao thông.
Chiều 3.11, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn TX.Sông Cầu (Phú Yên) cho biết ông Phan Sơn (43 tuổi, ở KP.An Thạnh, P.Xuân Đài, TX.Sông Cầu) đã mất tích trong lúc đánh bắt ghẹ trên biển. Ông Sơn cùng con trai Phan Thi (16 tuổi) đánh lưới ghẹ gần bờ bằng thúng chai, bị mưa lớn làm chìm thúng. Cha con ông Sơn dìu nhau bơi vào bờ, nhưng vì em Thi bị đuối sức, ông Sơn đẩy em Thi vào phía bờ và được ngư dân địa phương cứu sống, còn ông Sơn thì bị sóng cuốn trôi và mất tích.
|
Bình luận (0)