Nghịch lý tăng tuổi nghỉ hưu và chủ trương tinh giản biên chế

Liên quan đến đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu , cần có quy trình, cơ chế tổ chức điều tra, khảo sát thật khách quan, để mọi đối tượng lao động được thể hiện chính kiến của mình trước khi nhà nước ban hành.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đang chuẩn bị trình Quốc hội dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), tôi nghĩ đây là vấn đề hết sức hệ trọng và nhạy cảm, liên quan đến quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với việc làm, đời sống của người lao động ở mọi độ tuổi, mọi giới và trên nhiều lĩnh vực khác nhau.
Do đó, chủ trương nâng tuổi nghỉ hưu và chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) phải đặt trong tổng quan các chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến vấn đề này.
Cần có quy trình, cơ chế tổ chức điều tra, khảo sát thật khách quan, để mọi đối tượng lao động được thể hiện chính kiến của mình trước khi nhà nước ban hành, đúng bản chất “Nhà nước của dân, do dân, vì dân”, làm cho mọi chính sách có sức sống, sát với thực tiễn và tạo được sự đồng thuận của nhân dân.
Dự thảo Bộ luật Lao động quy định tuổi nghỉ hưu của lao động nam là 62, của lao động nữ là 60, nhưng điều 187 của luật BHXH quy định tuổi nghỉ hưu lao động nam là 60, lao động nữ là 55. Luật Người cao tuổi quy định tuổi tham gia Hội người cao tuổi là 60. Trong tình hình hiện nay, việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ làm cho lao động trẻ, tri thức trẻ ít có cơ hội tìm kiếm việc làm, ít được cống hiến.
Theo thông tin của các cơ quan chức năng, hiện cả nước còn 190.000 thạc sĩ và cử nhân tốt nghiệp ra trường chưa có việc làm (tôi tin con số thực tế còn cao hơn nhiều). Hà Tĩnh vừa tổ chức thi tuyển công chức với 1.600 thí sinh dự thi, chỉ tuyển 86 người. Quả là một sự lãng phí lớn về kinh tế và nguồn nhân lực cho sự phát triển. Lực lượng này không có việc làm sẽ nảy sinh bao hệ luỵ khó lường về mặt xã hội, mà chính những người làm bố, làm mẹ và cả đoàn thể, tổ chức phải gánh chịu hậu quả.
Về lâu dài, việc nâng tuổi nghỉ hưu là hợp lý khi kinh tế phát triển, vấn đề chăm sóc sức khỏe và chất lượng cuộc sống được nâng lên. Nhưng đề cập nâng tuổi nghỉ hưu hiện nay là mâu thuẫn với chủ trương tinh giản biên chế và không tạo được sự đồng thuận của người lao động, nhất là lao động trên các công trường xây dựng, các nhà máy đông lạnh, khai thác hầm lò... Lao động là viên chức, giáo viên cũng khó “trụ” cho đến tuổi về hưu với nghề lao lực ấy. Trong khi các cháu muốn có cô giáo trẻ, xinh, biết ca, biết múa, không thích cô giáo tuổi “bà” nhưng vẫn phải đứng lớp vì chưa đến tuổi “hạ cánh”.
Bên cạnh đó, vấn đề bình đẳng giới trong tuổi nghỉ hưu nhận thức còn phiến diện. Có một số ý kiến cho rằng tuổi nghỉ hưu của lao động nữ ít hơn lao động nam 5 tuổi là thiếu công bằng, khi tuổi thọ bình quân của nữ giới cao hơn. Tôi cho rằng, phụ nữ nghỉ hưu trước nam giới 5 tuổi là chính sách ưu việt của Đảng và Nhà nước đối với lao động nữ. Người lao động nữ, ngoài nhiệm vụ của một cán bộ, công nhân viên chức như lao động nam, họ còn có thiên chức làm vợ, làm mẹ vô cùng vất vả.
Cần xem lại tổ chức bộ máy cơ quan BHXH có hợp lý không?
Việc tuổi về hưu thấp, tuổi thọ người về hưu tăng chưa hẳn là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nguy cơ vỡ Quỹ BHXH, những lập luận đó chưa đủ sức thuyết phục. Ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã đưa ra con số giả sử không đóng bảo hiểm 22% quỹ lương, mà gửi Ngân hàng với lãi suất 6% năm, sau 30 năm, lãi hàng tháng đã cao hơn lương hưu được hưởng. Vấn đề cốt lõi là cần phải xem xét, làm rõ trách nhiệm của mỗi tố chức và cá nhân trong đóng BHXH; đặc biệt cần xem xét hệ thống tổ chức bộ máy, biên chế cơ quan BHXH các cấp có hợp lý không? Chế độ tiền lương cán bộ làm công tác BHXH đã bình đẳng so với các lĩnh vực khác? Việc quản lý và sử dụng nguồn quỹ bảo hiểm thế nào?...
Theo số liệu cơ quan BHXH cung cấp, hiện số LĐ cần phải đóng bảo hiểm còn nợ BHXH trên 13.000 tỉ đồng. Số lao động cần phải đóng bảo hiểm là 78%, thực tế chỉ 20% đóng bảo hiểm, vậy bằng cách nào để thu hút 58% lao động còn lại đóng BHXH và thu nợ BHXH? Nếu bằng những chế tài đủ mạnh để huy động nguồn quỹ và truy thu nợ, chắc chắn sẽ đẩy lùi nguy cơ vỡ Quỹ. Phải chăng vì chính sách bảo hiểm và cơ chế quản lý còn những vấn đề chưa phù hợp nên chưa tạo được niềm tin của người lao động trong việc đóng BHXH?
Trong khi đó, thực hiện chủ trương của Đảng, Bộ Nội vụ đang đặt mục tiêu tinh giản biên chế 100.000 lao động trong các cơ quan hành chính sự nghiệp và trên thực tế, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương cho nghỉ hưu trước tuổi để tinh giản biên chế, vì bộ máy hiện nay quá cồng kềnh, thiếu tính chuyên nghiệp, kém hiệu quả, nhưng ai cũng muốn có “Cần câu cơm” suốt đời trong cơ quan nhà nước.
Số người hưởng lương và phụ cấp trong cả nước hiện nay gần 7,3 triệu người, bằng 8,3 % dân số, trong khi ở Trung Quốc chỉ 2,8 %. Bài toán tinh giảm biên chế nếu không có những giải pháp đồng bộ, kiên quyết và hữu hiệu thì vẫn là bài ca muôn thuở, không đem lại hiệu quả. Nếu bàn nâng tuổi nghỉ hưu lúc này là chưa hợp lý, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện chủ trương tinh giảm biên chế.
Phải đặt việc tăng tuổi hưu trong lộ trình cải cách hành chính
Từ thực tế trên, tôi đề nghị một số giải pháp:
Thứ nhất, sửa Bộ luật Lao động phải đồng thời với sửa luật BHXH, phải đặt việc tăng tuổi nghỉ hưu trong lộ trình cải cách hành chính, tinh giản biên chế và nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy các cấp. Phải chọn thời điểm tăng tuổi nghỉ hưu hợp lý khi nền kinh tế phát triển và điều kiện chăm sóc sức khoẻ tốt hơn. Kinh nghiệm của nước ngoài chỉ để tham khảo, không thể rập khuôn, vì tùy thuộc vào môi trường và điều kiện cụ thể của nước ta.
Thứ hai, cần có lộ trình và phương pháp khảo sát, điều tra, với sự phối hợp giữa cơ quan Bảo hiểm và Tổ chức công đoàn (bằng phiếu điều tra) để đánh giá khách quan về lao động giữa các giới, các độ tuổi, các ngành nghề và lĩnh vực khác nhau. Từ đó tham mưu các quyết sách sử dụng nguồn nhân lực vì sự phát triển bền vững của đất nước.
Thứ ba, trước mắt chưa nên đặt vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu mà phải tinh giảm biên chế; tiếp tục chính sách cho nghỉ hưu trước tuổi do tuổi cao, sức yếu, năng lực hạn chế, chưa được chuẩn hoá về trình độ. Đồng thời phải tuyển dụng lao động trẻ được đào tạo cơ bản để tăng chất lượng và hiệu quả nguồn nhân lực cho sự phát triển, phải tạo cơ hội cho tuổi trẻ được cống hiến và sáng tạo. Tăng tuổi nghỉ hưu lúc này là triệt tiêu cơ hội tìm kiếm việc làm của lao động trẻ.
Thứ tư, cần có chế tài đủ mạnh và giải pháp đồng bộ để thực hiện nghiêm túc chế độ đóng bảo hiểm đối với người lao động và cơ quan quản lý, sử dụng lao động, chống gian lận trong tỷ lệ đóng BHXH không căn cứ vào trả lương thực tế. Phải làm rõ trách nhiệm trước pháp luật về chính sách bảo hiểm đối với cơ quan sử dụng lao động và cơ quan BHXH.
Kết quả thu quỹ BHXH là thước đo năng lực kinh doanh của cơ quan Bảo hiểm, thể hiện sự bình đẳng như mọi doanh nghiệp khác. Kinh doanh bảo hiểm vẫn có lợi thế hơn các doanh nghiệp khác vì người lao động có trách nhiệm phải đóng bảo hiểm để hưởng chế độ. Phải cải cách hành chính cơ quan BHXH từ T.Ư đến cơ sở cả về hệ thống tổ chức, biên chế, tiền lương và chế độ trách nhiệm trước pháp luật, thực hiện xã hội hoá công tác BHXH.
Thứ năm, cần sớm nghiên cứu thay đổi, điều chỉnh một số chính sách BHXH (có thể tăng số năm công tác tính khởi điểm lương hưu, tăng định mức nộp bảo hiểm tương ứng với tuổi thọ sau khi nghỉ hưu, tuổi nghỉ hưu trong lực lượng vũ trang…).
Thứ sáu, cần nghiên cứu ban hành chính sách sử dụng lao động đã được nghỉ hưu nhưng còn sức khỏe, thực sự có trí tuệ và tín nhiệm, có uy tín; nhất là cán bộ khoa học, cán bộ quản lý, các chuyên gia giỏi, các sỹ quan để tiếp tục cống hiến cho đất nước.
Công đoàn và các tổ chức chính trị - xã hội phải tăng cường tuyên truyền, vận động để làm cho mọi người lao động ý thức đầy đủ việc đóng BHXH là đóng cho bản thân mình, là “của để dành” để hưởng thụ khi không còn tuổi lao động.

Quan điểm của bạn về vấn đề này như thế nào? Chúng tôi xin nhận các ý kiến của bạn đọc về tăng tuổi nghỉ hưu tại địa chỉ e-mail: [email protected]. Xin trân trọng cảm ơn!


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.