Hàng loạt vấn đề liên quan đến người Trung Quốc đã làm nóng cuộc họp báo định kỳ vào sáng qua 31.12.2015 của TP. Đà Nẵng.
Khách sạn JW Marriot do nhà thầu Trung Quốc thi công vừa xảy ra vụ 64 người Trung Quốc lao động chui |
Liên quan đến thông tin nhiều lô đất, nhà cao tầng tại khu vực nhạy cảm về quốc phòng quanh sân bay Nước Mặn (Q.Ngũ Hành Sơn) đã lọt vào tay người Trung Quốc, Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ giải thích: trước đây, địa phương quy hoạch đất sát sân bay là đất biệt thự. Sau đó, Cục Tác chiến (Bộ Quốc phòng) và Quân khu 5 đồng ý nên TP cho phép gộp thửa, cấp phép cho các công trình cao 15 - 16 tầng. Các tòa nhà xây dựng tại đây đều có phép.
|
Người từ Hồng Kông, Đài Loan, Trung Quốc đến mua đất
Ông Huỳnh Đức Thơ cho rằng, thời gian gần đây, tình hình hoạt động người nước ngoài, nhất là người Trung Quốc tại Đà Nẵng “rộ lên qua các kênh báo chí”. Còn trong hoạt động đầu tư, hiện các nhà đầu tư của Trung Quốc rất ít. Lĩnh vực du lịch thì chỉ có khách sạn Crown Plaza có người điều hành là chủ Trung Quốc. Kéo theo đó là việc người Trung Quốc sang Đà Nẵng vui chơi rất đông. Vừa qua, ngành chức năng đã phát hiện và trục xuất các trường hợp người Trung Quốc nhập cảnh du lịch nhưng lại đi lao động.
Tuy đánh giá việc người Trung Quốc vào địa phương “không có vấn đề gì về an ninh chính trị”, nhưng ông Thơ cũng nhìn nhận vấn đề trật tự an toàn xã hội đã xảy ra một số vụ việc, mà điển hình là vụ đối tượng A Lãng dùng súng thanh toán đối thủ kinh doanh là Li Muzi (Thanh Niên đã thông tin). “Quản lý hoạt động người nước ngoài cũng chưa tốt. Các cơ quan nhiều việc nên quản lý còn lỏng lẻo. Chúng tôi đã chỉ đạo tăng cường quản lý hoạt động du lịch, lữ hành chui, trốn thuế, hoạt động các sòng bạc, các khách sạn từ vấn đề hộ khẩu đăng ký tạm trú…”, ông Thơ nói.
Cũng tại cuộc họp báo, ông Thơ cho rằng, thông tin người Trung Quốc đứng đằng sau mua đất “chỉ là thông tin” và chính quyền đã có khuyến cáo để các bên mua bán, đứng tên không xảy ra tranh chấp về sau, gây phức tạp. Ngoài ra, các dự án ven biển xuất hiện hiện tượng người nước ngoài đứng ra nhận chuyển nhượng, trong đó có những người từ Hồng Kông, Đài Loan và Trung Quốc. Về việc này, lãnh đạo TP.Đà Nẵng đã nghiên cứu và kiến nghị một số biện pháp để ưu tiên việc chuyển nhượng cho người trong nước.
Bí thư Thành ủy nói về “mấy chục lô đất ven biển”
Tại cuộc họp báo, liên quan đến việc có nhiều dấu hiệu cho thấy việc người Trung Quốc đang đứng sau các cá nhân là người Việt để mua đất trên đường Võ Nguyên Giáp (cạnh sân bay Nước Mặn), nhiều PV đã đề cập đến việc anh Lý Phước Cang (trú tại H.Hòa Vang), dù là một hộ khó khăn lại có khả năng mua đến 12 lô đất trị giá hàng chục tỉ đồng. Theo đó, anh Cang có thời gian sinh sống ở Hà Nội và ở tại nhà gia đình bố mẹ ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng. Do vậy có dư luận cho rằng, 12 lô đất ven biển có liên quan đến gia đình vị bí thư.
Hơn 200 lô đất xung quanh sân bay Nước Mặn đã được phân lô bán cho người dân - Ảnh: Hoàng Sơn
|
Trả lời với báo chí, ông Xuân Anh cho biết, anh Cang cùng quê với mẹ ông. Có thời gian anh Cang lại làm việc ở Hà Nội nên mẹ ông có cho anh Cang tá túc tại nhà một thời gian.
“Những gì tôi biết, tôi khẳng định với báo chí rằng, thứ nhất, gia đình tôi không có nhu cầu có mấy chục lô đất ven biển. Thứ hai là không có khả năng đi mua mấy chục lô đất ven biển”, ông Xuân Anh nói và nhấn mạnh: “Cá nhân tôi không có bất cứ lô đất nào chứ đừng nói ven biển trên địa bàn TP. Nếu bất cứ đồng chí nào phát hiện, tìm hiểu ra tôi có bất cứ 1 lô đất nào ngoài cái nhà tôi đang ở 43 Nguyễn Thái Học thì tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm trước các đồng chí. Thậm chí, có thể từ chức Bí thư Thành ủy”.
Bình luận (0)