Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh năm 1987 - Ảnh: gia đình cung cấp |
Vào thuở mới bắt đầu sáng tác, hầu như những người cầm bút đều tìm đến với thơ ca trước tiên. Nhà văn Nghiêm Đa Văn - một trong những người bạn của Lưu Quang Vũ cũng vậy. Khi đã chuyển sang viết truyện thiếu nhi và làm nhiều nghề khác, ông Văn có lần tâm sự: “Một trong những thằng khiến tao bỏ làm thơ là thằng Vũ”. Ông nhìn thấy tài năng trời phú của Lưu Quang Vũ và cũng thấy rằng nếu ai không có tài năng đó thì nên từ giã thơ cho sớm.
Nhưng lạ lùng ở chỗ chính Lưu Quang Vũ cũng có ngày chuyển từ làm thơ sang nghề khác. Và đó vô tình lại là sự lựa chọn đúng đắn nhất trong cuộc đời ông.
Lặng lẽ đứng riêng
Lưu Quang Vũ đến với thơ ca từ những năm 60 của thế kỷ 20. Đó là giai đoạn văn nghệ nước ta đang sục sôi tinh thần đấu tranh và dào dạt cảm hứng ngợi ca giữa cuộc kháng chiến chống Mỹ. Trong khi rất nhiều nhà thơ khác trưởng thành từ chiến trường, say sưa viết về lý tưởng công dân, vận mệnh Tổ quốc thì Lưu Quang Vũ lặng lẽ đứng riêng. Ông làm thơ để trải lòng, để thủ thỉ tâm sự những chuyện đời thường, chuyện tình yêu lứa đôi bằng một cảm quan cá nhân “lạc điệu” trước thời cuộc. Thơ ông không có những “vầng trăng và quầng lửa” nơi chiến trường, chỉ âm thầm như “hương cây” lặng lẽ và bền bỉ vươn lên từ trong lòng đất.
Mặc dù báo chí những năm 1970 ấy không in thơ Lưu Quang Vũ vì nỗi buồn trĩu nặng và đầy day dứt ông mang tới không hợp thời, nhưng ông đã sớm lọt vào mắt xanh của Hoài Thanh - nhà phê bình nổi tiếng. Với những chùm thơ hiếm hoi đầu tiên được đăng trên Báo Văn Nghệ, Lưu Quang Vũ đã được Hoài Thanh ưu ái tôn vinh là “Một cây bút trẻ đầy triển vọng”. Hoài Thanh đã sớm nhận ra Lưu Quang Vũ có giác quan của người làm thơ với khả năng nhận biết mùi hương lá bưởi, lá chanh trên trận địa, hay nghe ra cái “Tiếng bắp cải nặng vai tròn kĩu kẹt” khi đứng gác trên cầu Long Biên. Vũ đã tạo nên một giọng điệu, sắc thái riêng trong bản hòa âm hào sảng, hừng hực khí thế của thơ ca chống Mỹ. Trong khi cả nước hòa cùng không khí “Đường ra trận mùa này đẹp lắm” thì Lưu Quang Vũ viết về những cuộc chia tay thời loạn, viết về mặt trái của chiến tranh và những tâm sự chất chứa cô đơn giữa cuộc đời. “Chúng mình không có bom nguyên tử/Chỉ có thuốc lào hút với nhau/Thương nhà thương nước thương cho bạn/Không khóc mà sao cổ nghẹn ngào”.
Lưu Quang Vũ đã nói thay những niềm buồn thương, khắc khoải đầy nhân bản của thế hệ ông trước cuộc đời bất an, biến động. Hàng ngàn độc giả đã tìm đến thơ ông như tìm đến một tiếng lòng đồng điệu. Bạn bè cùng trang lứa như Nguyễn Việt Chiến, Hoàng Nhuận Cầm… thuộc thơ ông như thuộc thơ của chính mình. Nhà thơ Anh Ngọc bất cứ khi nào có dịp đều say sưa đọc trước mọi người bài thơ Vườn trong phố. Lưu Quang Vũ đã sống trong lòng bạn bè và những người yêu thơ ông như gió và tình yêu thổi mãi trên đất nước này.
Viết kịch để sống với mọi người
|
Khởi đầu bằng thơ ca nhưng gần 10 năm cuối đời Lưu Quang Vũ lại được biết đến với tư cách nhà soạn kịch. Mối duyên ngắn ngủi kéo dài 8 năm đã cho chúng ta một tài năng lớn, một sức sáng tạo khổng lồ với 50 vở kịch.
Giữa một thời sân khấu có những biến động, các đoàn kịch bao cấp phải đối mặt với những khó khăn của nền kinh tế thị trường. Sân khấu lúc này cần sự hấp dẫn thực sự để lôi kéo khán giả. Và Lưu Quang Vũ đã xuất hiện.
Những năm 80 của thế kỷ 20, kịch Lưu Quang Vũ ngự trị khắp nơi trên sân khấu cả nước. “Trước cửa rạp hát luôn có tên anh trên các pa nô quảng cáo mới. Trên các băng rôn căng ngang đường phố, thấy có tên anh kẻ thật to bên tên vở sắp công diễn. Tại căn phòng nhà anh ở, luôn chộn rộn các ông trưởng đoàn kịch từ các tỉnh trong nam ngoài bắc đến chờ gặp anh để xin kịch bản mới” - nhà thơ Vũ Từ Trang - một trong những người bạn cùng thời Lưu Quang Vũ nhớ lại.
Chưa bao giờ sân khấu kịch Việt Nam đông vui, nhộn nhịp như lúc này. Lưu Quang Vũ lúc phải gò lưng, nín ho trên gác xép để trốn các chủ đoàn kịch; khi phải chui vào quán cà phê nhỏ góc phố để viết. Đó là những ngày khó khăn gian khổ nhưng hạnh phúc bởi Lưu Quang Vũ đã bước từ cõi thơ u buồn, đơn độc một thuở ra với vòng tay rộng mở của công chúng yêu kịch Việt Nam.
Nếu như trong thế hệ các nhà thơ thời kháng chiến chống Mỹ, Lưu Quang Vũ là kẻ “lạc điệu” thì sang đến kịch, ông trở thành người của công chúng khi đề cập đến các vấn đề nhân sinh, xã hội có tính thời sự (nạn quan liêu, tham nhũng, sự nghèo đói…). Thay vì sống với riêng mình trong thơ, Lưu Quang Vũ viết kịch để sống với mọi người.
“Không ai bằng Vũ trong biệt tài nêu lên cái muôn đời trong cái bình thường, biến cổ tích, huyền thoại thành chuyện thời sự, dùng cái hư để nói cái thực, dùng cái thô lỗ để khẳng định cái cao quý”, nhà nghiên cứu Phan Ngọc nhận định. Hồn Trương Ba da hàng thịt với tuyên ngôn bất hủ “Tôi muốn được là tôi toàn vẹn” chính là câu chuyện triết học như thế. Nó mang nhiều chiều kích triết học như nhân sinh - xã hội, bản thể - siêu hình. Tác phẩm có ngôn ngữ kịch giàu chất thơ xen lẫn giọng điệu phê phán hài hước, dí dỏm. Lưu Quang Vũ đặt ra vấn đề muôn đời của tồn tại bằng thái độ khách quan. Một mặt không thể phủ nhận sự phụ thuộc trong mối quan hệ của xác thịt tầm thường với tâm hồn cao khiết. Mặt khác, ông không quên khẳng định giá trị cao quý nhất của con người nằm ở cái bên trong, cái sâu thẳm của tâm hồn. Hồn Trương Ba da hàng thịt đủ lớn để trở thành một danh thiếp văn hóa (hai lần đi lưu diễn và tham gia các liên hoan sân khấu quốc tế lại Liên Xô và Mỹ) nhưng cũng đủ thân thuộc, gắn bó ở lại trong lòng công chúng cho đến ngày hôm nay.
Dẫu chỉ đồng hành cùng sân khấu kịch Việt Nam một đoạn đường ngắn với biết bao dự định còn dang dở nhưng Lưu Quang Vũ đã có đóng góp lớn trong việc đưa kịch nói đến gần hơn với khán giả, trở thành món ăn tinh thần phù hợp với khẩu vị cũng như tầm đón nhận của đông đảo quần chúng. Dù dưới hình thức bi kịch (Nguồn sáng trong đời) hay hài kịch (Bệnh sĩ), kịch thời sự (Lời thề thứ chín) hay kịch khai thác chất liệu dân gian (Hồn Trương Ba da hàng thịt), kịch của Lưu Quang Vũ vẫn đạt đến độ mẫu mực và có sức sống lâu bền nhờ dung hòa được sức nặng của chiều sâu tư tưởng và tính thời sự, đại chúng.
Lưu Quang Vũ tuy là người đến muộn nhưng cũng là người đã đi cùng kịch nói Việt Nam quãng đường đẹp nhất, rực rỡ nhất. Sau Lưu Quang Vũ, số phận của kịch Việt Nam vẫn quẩn quanh chờ ngày thay máu, hồi sinh. Lưu Quang Vũ ra đi vào ngày 29.8.1988 trong một tai nạn khi trên đường về Hà Nội cùng người bạn đời là nhà thơ Xuân Quỳnh và con trai Lưu Quỳnh Thơ. Tên tuổi ông trở thành một cái bóng quá lớn mà lịch sử vẫn đang chờ người kế tục để đưa kịch nói Việt Nam tiếp tục khởi sắc.
Lưu Quang Vũ (1948 - 1988) là nhà thơ, nhà viết kịch xuất sắc của Việt Nam thế kỷ 20. Ông đến với thơ ca trước tiên và tạo được một giọng điệu riêng. Tuy nhiên, đóng góp to lớn hơn cả của Lưu Quang Vũ lại ở lĩnh vực kịch nói với hơn 50 vở diễn làm nên thời kỳ hoàng kim của kịch Việt Nam những năm cuối thế kỷ 20. Vở kịch đầu tay Sống mãi tuổi 17 của Lưu Quang Vũ đã gây được tiếng vang và thu hút sự chú ý của dư luận. Ông đã biến Hội diễn Sân khấu toàn quốc năm 1985 thành sân khấu của riêng mình với 8 vở diễn tham gia trong đó 6 vở đoạt huy chương vàng, 2 vở đoạt huy chương bạc. Những tác phẩm của ông vẫn còn ý nghĩa đến ngày hôm nay bởi tính nhân văn lẫn tính dự báo các vấn đề thời sự, xã hội (Nguồn sáng trong đời, Lời thề thứ chín, Tôi và chúng ta...). Trong đó, Hồn Trương Ba da hàng thịt của ông đã được trích đoạn đưa vào chương trình giảng dạy THPT như một tác phẩm mẫu mực của kịch nói Việt Nam. Ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2000 về nghệ thuật sân khấu. |
Quỳnh An
>> Hình thể hóa kịch Lưu Quang Vũ
>> Phục dựng kịch Lưu Quang Vũ
>> Hội Nhà văn Hà Nội trao giải cho tập thơ của Lưu Quang Vũ
>> Người chăm sóc di cảo cho Lưu Quang Vũ
>> Lưu Quang Vũ: Độc đáo một cuộc đời thi sĩ
Bình luận (0)