Khu liên hợp xử lý chất thải rắn và nghĩa trang Đa Phước hiện có 4 nhà đầu tư, gồm Công ty Hòa Bình (xử lý chất thải hầm cầu), Công ty Sài Gòn Xanh (xử lý bùn từ kênh rạch), Công ty TNHH xử lý chất thải VN (VWS - xử lý rác thải sinh hoạt) và Nghĩa trang Đa Phước. Từ khi TP tăng cường kiểm tra, giám sát, tình trạng phát tán mùi hôi đã giảm hẳn. Tuy nhiên, một loạt biện pháp cũng đã được đưa ra nhằm xử lý tình trạng này.
tin liên quan
Truy tìm mùi hôi ở Nam Sài Gòn: Phải có cơ sở khoa họcĐó là khẳng định của ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT TP.HCM, trong buổi trao đổi với báo chí liên quan đến mùi hôi ở H.Bình Chánh, H.Nhà Bè, Q.7 trong thời gian qua.
Trồng cây xanh cách ly
Một trong những biện pháp mà TP còn “nợ” chưa thực hiện là sẽ trồng dải cây xanh cách ly toàn khu vực theo cam kết (hiện vẫn chưa giải phóng mặt bằng, thu hồi đất để trồng cây). Ngày 30.9, UBND TP.HCM đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo trong việc thực hiện kết luận của Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng tại buổi làm việc với các nhà máy xử lý chất thải trong Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước. Cụ thể, UBND TP yêu cầu UBND H.Bình Chánh phối hợp Sở TN-MT và các đơn vị liên quan nhanh chóng giải phóng mặt bằng, thu hồi diện tích đất 332 ha để thực hiện dự án vành đai cây xanh cách ly theo đúng quy hoạch. Về phía nhà đầu tư, VWS cũng đã thực hiện việc trồng cây xanh cách ly bên trong khu xử lý và theo đánh giá của UBND TP.HCM là đã đạt được hiệu quả. Hiện bên trong khu xử lý rác của VWS có rất nhiều cây xanh, hoa kiểng đã được trồng từ khi triển khai dự án, nay đã lên cao, xanh tốt. VWS cũng đang xúc tiến việc phủ bạt toàn bộ khu vực hồ chứa nước rỉ rác gần 2 ha và xử lý bằng công nghệ đốt đối với khí thu được từ bãi chôn lấp.
Theo ông Nguyễn Trịnh Kiểm, Chánh văn phòng Hội Công viên cây xanh VN, giải pháp trồng cây xanh cách ly để ngăn phát tán mùi hôi ở phía nam TP là giải pháp tình thế, nhưng cần thiết phải làm ngay. Quan trọng nhất là tùy thuộc vào kích thước, độ cao của bãi rác hiện nay thì phải trồng cây to lớn, dày theo từng hàng và nhiều hàng khác nhau. Theo công thức chắn gió thì sức gió sau tàn cây sẽ tỷ lệ nghịch với chiều dày và chiều cao của hàng cây đó. Điều này đồng nghĩa việc trồng càng nhiều cây xanh sẽ càng hạn chế được sức gió lan tỏa đi xa. Thời tiết ở phía nam khá thuận lợi cho việc trồng các loại cây có tán rộng, xanh quanh năm và chi phí này sẽ không là bao so với chi phí cải tạo môi trường.
|
TS Hồ Quốc Bằng, Trưởng phòng Ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu - Viện Môi trường - Tài nguyên (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho rằng các bãi rác chôn lấp ở các nước đều có vùng cách ly với khu dân cư rất lớn và trong đó đều trồng cây xanh phủ kín. Bởi chôn lấp vẫn có mùi và chỉ có cây xanh mới làm giảm mùi phát tán ra xung quanh. Vì vậy, giải pháp này chắc chắn phải làm và TP cần đẩy nhanh, nhất là trong việc giải tỏa các khu vực lân cận Đa Phước để thực hiện vùng cách ly.
Phân loại rác tại nguồn
Phân loại rác tại nguồn được xem là giải pháp góp phần làm giảm thiểu lượng rác thải hiện nay cũng như sử dụng để tái chế. Tuy nhiên, nhiều năm qua TP.HCM thực hiện thí điểm nhưng chưa làm được.
Chương trình phân loại rác hữu cơ và rác vô cơ đã được thực hiện thí điểm đầu tiên tại Q.5 vào khoảng năm 1999.
Sau 6 tháng thực hiện, khoảng 60 - 70% số hộ dân đã tham gia và biết cách phân loại. Tuy nhiên vào thời gian đó, TP chưa xây dựng được hệ thống quản lý chất thải rắn một cách đồng bộ, nên sau khi đưa ra khỏi gia đình, các loại rác đã phân loại lại được đổ vào vận chuyển chung. Chương trình vì thế mà bị đánh giá là thất bại. Đến năm 2001, một lần nữa TP triển khai tiếp chương trình này ở 6 quận huyện: 1, 4, 5, 6, 10, Củ Chi, nhưng vẫn thất bại vì các quận không có đủ tài chính để tự trang bị xe thu gom theo rác đã được phân loại. Việc chưa phân loại rác tại nguồn khiến 2 nhà máy sản xuất phân compost bằng rác hữu cơ và nhà máy phân loại rác phế liệu tái chế do VWS xây dựng từ năm 2010 đến nay vẫn chưa đi vào hoạt động.
Hiện TP.HCM đang chỉ đạo mở rộng việc này để có thể đưa về nhà máy xử lý những loại rác tái chế; loại không thể tái chế có thể đốt hoặc chôn. PGS-TS Phùng Chí Sỹ, Tổng thư ký Hội Bảo vệ tài nguyên và môi trường VN, nhận định để thực hiện thành công việc phân loại rác tại nguồn như nhiều nước đã làm, TP.HCM cần rà soát lại toàn bộ quy trình và hệ thống quản lý chất thải rắn. Từ đó, đề ra các chính sách và thực hiện đồng bộ gồm hệ thống phân loại lưu trữ các loại rác khác nhau tại mỗi hộ gia đình, xe vận chuyển chuyên biệt hoặc có nhiều ngăn và đến nhà máy xử lý sản xuất phân từ rác hữu cơ, nhà máy xử lý rác tái chế như nhựa, sắt… “Thành phố làm thí điểm nhưng không đồng bộ nên không có tác dụng. Trước đây phân loại xong nhưng người dân lại thấy xe rác gom chung và đổ chung vào bãi rác thì công của họ như không, nên họ nản không làm nữa là đương nhiên. Vì vậy, phải làm đồng bộ và quyết liệt thì sau một thời gian sẽ thành công”, PGS-TS Phùng Chí Sỹ khẳng định.
TS Hồ Quốc Bằng cho rằng việc phân loại rác tại nguồn không quá khó về kỹ thuật hay chi phí thực hiện. Bởi nhiều du học sinh hay người VN ra các nước chỉ cần đọc qua bảng hướng dẫn là cũng làm được việc phân loại rác theo đúng quy trình.
“Vấn đề phân loại rác tại nguồn quan trọng nhất là sự quyết tâm của chính quyền. Từ đó đề ra chương trình, mục tiêu cụ thể và tuyên truyền, hướng dẫn để người dân thực hiện. Đồng thời để chương trình thành công thì phải thực hiện đồng bộ, từ các hộ dân đến các bãi tập trung, thiết bị phân loại hay xe chở rác…”, TS Bằng nói.
Xây dựng Khu công nghệ môi trường xanh Long An
Cùng với những nỗ lực thực hiện các giải pháp nêu trên đối với Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước, UBND TP.HCM sẽ hỗ trợ nhà đầu tư VWS tác động đến các bộ, ngành để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Khu công nghệ môi trường xanh Long An. Khu công nghệ này có diện tích 1.760 ha (trong đó có 850 - 980 ha là vành đai cây xanh cách ly, khu xử lý rác có tổng diện tích 580 - 730 ha...). Theo quy hoạch, đây là khu xử lý chất thải của cả vùng kinh tế trọng điểm phía nam, đang được nhà đầu tư VWS cùng TP.HCM và tỉnh Long An triển khai thực hiện. Phía TP.HCM mong muốn các bộ, ngành hỗ trợ để dự án này triển khai nhanh, càng sớm càng tốt, bởi chỉ còn 5 - 7 năm nữa bãi rác Đa Phước sẽ đầy.
Theo VWS, Khu công nghệ môi trường xanh ở Long An có công suất tiếp nhận rác lên đến 45.000 tấn/ngày và nằm cách trung tâm TP.HCM khoảng 55 - 60 km theo hướng QL1A. Về giao thông, việc vận chuyển rác từ TP.HCM đến vị trí tiếp giáp Khu công nghệ môi trường xanh ở Long An bằng đường bộ và đường thủy có thể được thực hiện theo các hướng.
Hiện TP.HCM giao Công ty VWS lập đồ án quy hoạch chi tiết và trồng rừng tại khu công nghệ. Theo ước tính ban đầu của VWS, thời gian hoạt động của khu công nghệ này từ 75 - 100 năm, có tổng mức đầu tư khoảng 700 triệu USD trong 20 năm.
|
Bình luận (0)