Ông Đinh Thế Huynh thị sát các mỏ khai thác 'bụi mù trời' ở Đà Nẵng

05/08/2016 14:54 GMT+7

Sau khi kết thúc tiếp xúc cử tri, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh đã thị sát các mỏ khai thác đất đá tại TP.Đà Nẵng đồng thời chỉ đạo các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Ngày 5.8, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.Đà Nẵng đã có cuộc tiếp xúc cử tri H.Hòa Vang để báo cáo kết quả kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa 14.
Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri đã bày tỏ bức xúc vì tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn. Dẫn vụ việc Formosa xả thải ra biển gây ra thảm họa môi trường cho 4 tỉnh miền Trung, cử tri Huỳnh Bá Tú (trú tại xã Hòa Nhơn) cho biết, địa phương cũng đang gánh chịu tình cảnh ô nhiễm trầm trọng vì việc khai thác đất đá.
Ông Tú cho rằng, ô nhiễm không khí tại Hòa Nhơn “tỉ lệ thuận” với sự phát triển của TP.Đà Nẵng. TP phát triển bao nhiêu thì việc đánh mìn khai thác đá, đất gây ra ô nhiễm vì khói bụi càng tăng lên bấy nhiêu.
Đồng quan điểm, cử tri Võ Hoàng Linh (cùng trú tại xã Hòa Nhơn) nói: “4 thôn của Hòa Nhơn đã gánh chịu bụi bặm rất khổ sở” và phản đối trước thông tin TP.Đà Nẵng sắp quy hoạch nhà máy xử lý rác thải về địa phương.
Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh yêu cầu UBND TP.Đà Nẵng phải trực tiếp chỉ đạo việc khắc phục tình trạng ô nhiễm mà các cử tri phản ánh.
“Tất nhiên phát triển thì phải khai thác vật liệu nhưng phải khai thác ít thôi để bảo vệ môi trường. Tôi đề nghị ngay sau buổi tiếp xúc này, các vị đại biểu trong Đoàn ĐBQH sẽ cùng với Phó chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, lãnh đạo UBND H.Hòa Vang về thẳng bãi khai thác để kiểm tra”, ông Đinh Thế Huynh nhấn mạnh.
Ngay sau khi buổi tiếp xúc cử tri kết thúc, ông Đinh Thế Huynh đã cùng với các đại biểu trong đoàn thị sát bãi khai thác đất, đá ở thôn Phước Thuận (xã Hòa Nhơn).
Tại đây, Phó chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn đã báo cáo sơ bộ công tác nổ mìn và vệ sinh môi trường tại khu vực có đến 6 đơn vị khai thác này.
Sau khi kiểm tra, ông Đinh Thế Huynh nói: “Phải khai thác thì mới có vật liệu để phát triển nhưng làm thế nào để hạn chế thấp nhất việc ảnh hưởng đến môi trường, đến cuộc sống của nhân dân”. Trước mắt, ông Đinh Thế Huynh đề nghị địa phương tập trung tưới nước để khắc phục nhanh tình trạng "bụi mù trời" ở các mỏ khai thác đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân.
Chế tài chống thực phẩm bẩn chưa đủ mạnh
Ghi nhận những ý kiến về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, ông Đinh Thế Huynh cho rằng, đây là nhu cầu chính đáng của người tiêu dùng.
Cử tri Lê Hữu Huy (trú tại xã Hòa Tiến) bức xúc vì vấn đề thực phẩm bẩn nói đi nói lại nhiều lần nhưng vẫn không được xử lý rốt ráo ẢNH: HOÀNG SƠN
Theo ông Huynh, Quốc hội đã có chương trình giám sát vấn đề này tuy nhiên để hiệu quả hơn thì phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của từng con người, từng gia đình.
Ông Đinh Thế Huynh cho biết ở nước ta có thực trạng “rau sạch để ăn, rau bẩn thì đem đi bán”.
“Hàng quán, cái ngon thì để gia đình mình ăn. Cái ôi thiu thì chế biến để bán cho khách. Cái việc này chúng ta biết hết, chính quyền thôn, xã, thậm chí huyện biết hết”, ông Huynh nói.

“Các nước khác, người ta chỉ cần kiểm tra nhà hàng không đảm bảo vệ sinh sẽ bị đóng cửa ngay tức thì. Nhà hàng có trị giá khoảng 500.000 USD thì bị người ta xử phạt 300.000 USD thì sẽ không dám tái phạm”, ông Đinh Thế Huynh nói thêm.

Ông Huynh cũng nhận định, chế tài xử phạt những vi phạm về an toàn thực phẩm hiện nay của nước ta “chưa đủ mạnh”. Theo ông Huynh, cần phải tạo thành dư luận mạnh mẽ để lên án, đấu tranh những người vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, bất chấp sức khỏe, mạng sống của người khác.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.