Sáng 16.5, Ban Bí thư T.Ư Đảng tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết 2 năm thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Võ Văn Thưởng và nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các địa phương đã tham dự hội nghị.
Nhìn lại 2 năm thực hiện Chỉ thị số 05, ông Võ Văn Thưởng nhận định, những kết quả đạt được là tích cực, khá toàn diện và đồng bộ; góp phần xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; bước đầu ngăn chặn được suy thoái trong nội bộ và đẩy mạnh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu...
Tuy nhiên, việc thực hiện Chỉ thị, theo ông Thưởng, không tránh khỏi những hạn chế, khuyết điểm. Đó là chưa tạo ra sự chuyển biến toàn diện, đồng bộ; vẫn còn tình trạng làm qua loa, đối phó, bệnh thành tích, bệnh hình thức ở nhiều nơi. Một số nơi chưa tập trung giải quyết những khâu đột phá và những vấn đề bức xúc nổi cộm. Cách làm chưa có nhiều đổi mới và có biểu hiện đang dần đi vào lối mòn.
Một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu, thậm chí có cả cán bộ, đảng viên nắm giữ chức vụ cao trong cơ quan Đảng, Nhà nước, còn thiếu tự giác, thiếu tu dưỡng, rèn luyện, không gương mẫu trong công tác và trong sinh hoạt, vi phạm các quy định của Đảng và pháp luật, làm ảnh hưởng xấu đến niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Một số nơi tinh thần tự phê bình và phê bình còn yếu, chưa chủ động phát hiện, đấu tranh với những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống đảng viên....
Tổng kết thực tiễn, Ban Tuyên giáo T.Ư đã rút ra 3 bài học kinh nghiệm lớn, như phát huy vai trò của cấp ủy, người đứng đầu; coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức tự giác; tiếp tục làm tốt hơn công tác xây dựng Đảng, kết hợp giữa “xây” và “chống”, làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng.
“Cùng với giáo dục, tuyên truyền vận động, phải xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật của Nhà nước và quy định của Đảng, xử lý nghiêm minh các sai phạm mới có tác dụng răn đe, phòng, chống có hiệu quả sự suy thoái, tiêu cực. Chúng tôi nhận thức rằng, tăng cường kiểm tra xử lý kỷ luật mà làm cho đúng, cho nghiêm cũng là một biện pháp có tính giáo dục rất cao”, ông Võ Văn Thưởng nhấn mạnh.
Làm gì cũng phải xuất phát từ nền tảng tình yêu thương con người
Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng cũng ghi nhận những kết quả trong việc thực hiện Chỉ thị 05 trong 2 năm qua, như nhiều cấp ủy đã lựa chọn những vấn đề bức xúc, nổi cộm để quyết tâm khắc phục, nhiều địa phương đã giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc tồn đọng kéo dài, đạt kết quả cụ thể, tạo sự phấn khởi, tin tưởng trong cán bộ, đảng viên nhân dân.
Kết quả thực hiện Chỉ thị 05 được thể hiện cụ thể bằng những chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và công tác xây dựng Đảng; đổi mới lề lối, tác phong làm việc, tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân, tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí tiêu cực, đã tạo nên không khí thi đua sôi nổi, nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của các địa phương, cơ quan, đơn vị.
“Trước tình hình kinh tế - xã hội đất nước hiện nay, tôi đề nghị từ nay đến dịp kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Bác Hồ (19.5.2020) cần tập trung làm tốt, có hiệu quả 2 nội dung: phát động phong trào thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo tư tưởng của Bác trong toàn hệ thống chính trị và nhân dân; tạo nên phong trào trong toàn xã hội về tình thương yêu đồng bào, đồng chí. Mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người Việt Nam, dù ở bất kỳ hoàn cảnh, môi trường làm việc nào, thì mọi hành vi ứng xử phải có nghĩa, có tình, giải quyết công việc phải xuất phát từ nền tảng tình yêu thương con người, làm điều thiện, tránh điều ác”, ông Vượng nhấn mạnh.
Theo ông Trần Quốc Vượng, "để học tập và làm theo Bác trở thành ý thức tự giác, thói quen, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên trong từng suy nghĩ, hành động đều phải đặt mình vào trị là “công bộc”, là “đầy tớ” của nhân dân như Bác đã dạy; thường xuyên ý thức bảo đảm quyền lợi của nhân dân, lợi ích của đất nước; việc có lợi cho dân, cho nước thì khó mấy cũng phải làm, ngược lại, việc có hại cho dân, cho nước phải kiên quyết tránh".
Bình luận (0)