Chính trường Mỹ căng thẳng trước ngày bầu cử giữa kỳ

23/10/2022 07:34 GMT+7

Trước thềm cuộc bầu cử quốc hội giữa kỳ sắp diễn ra vào đầu tháng 11, nhiều sự kiện chính trị liên quan lưỡng đảng Mỹ diễn ra dồn dập.

Ăn miếng…

Đài CNBC ngày 22.10 đưa tin tòa phúc thẩm tại Mỹ vừa chặn kế hoạch của Tổng thống Joe Biden về việc xóa khoảng 400 tỉ USD nợ sinh viên, nhằm xem xét đơn kiện do đảng Cộng hòa dẫn đầu tại 6 tiểu bang phản đối kế hoạch.

Các bang Nebraska, Missouri, Arkansas, Iowa, Kansas và Nam Carolina cho rằng kế hoạch của ông Biden vượt qua thẩm quyền của quốc hội, đe dọa nguồn thu thuế trong tương lai của các bang và doanh thu của các tổ chức đầu tư vào khoản nợ hoặc cho sinh viên vay. Theo kế hoạch, chính phủ sẽ xóa 10.000 USD nợ thời sinh viên cho những người có thu nhập dưới 125.000 USD/năm, hoặc những cặp đôi đã kết hôn có thu nhập dưới 250.000 USD/năm. Các trường đại học ở Mỹ thường có học phí từ 10.000 - 70.000 USD/năm và các sinh viên sau khi tốt nghiệp trung bình nợ khoảng 25.000 USD. Từ khi hệ thống đăng ký xóa nợ được mở vào cuối tuần trước, khoảng 22 triệu người đã nộp đơn.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho hay quyết định của tòa chỉ là bước tạm thời và không ngăn cản việc người dân nộp đơn và chính phủ tiếp nhận để chuẩn bị triển khai. Kế hoạch nhằm thực thi cam kết của ông Biden khi vận động tranh cử vào năm 2020 về việc giúp những người vẫn còn mang gánh nặng nợ thời sinh viên. Đảng Dân chủ hy vọng kế hoạch sẽ giúp thu hút thêm nhiều người ủng hộ trong cuộc bầu cử giữa kỳ vào ngày 8.11.

Ông Biden phát biểu về quyền phá thai tại một sự kiện ở Washington D.C. hôm 18.10

AFP

… Trả miếng

Cùng ngày 22.10, Reuters đưa tin Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố sẽ sử dụng quyền phủ quyết của mình để bảo vệ nữ quyền, nếu đảng Cộng hòa kiểm soát quốc hội sau bầu cử giữa kỳ vào tháng tới và thông qua luật cấm phá thai trên toàn quốc.

Trả lời báo giới về việc bảo vệ nữ quyền nếu đảng Cộng hòa kiểm soát quốc hội, ông chủ Nhà Trắng cho biết sẽ “phủ quyết bất cứ điều gì họ làm”. Ông cam kết sẽ ký luật bảo vệ quyền phá thai vào tháng 1.2023 nếu đảng Dân chủ thắng lợi trong cuộc bầu cử.

Trước đó vào ngày 24.6, Tòa án tối cao ra phán quyết bác bỏ vụ kiện năm 1973 vốn dẫn đến việc bảo vệ quyền phá thai của phụ nữ. Sau phán quyết, nhiều bang đã áp dụng quy định cấm phá thai. Trong tuyên bố mới nhất, cựu Phó tổng thống Mike Pence ngày 19.10 tuyên bố rằng nếu kiểm soát quốc hội, một trong những điều đầu tiên đảng Cộng hòa sẽ làm là cấm phá thai tại tất cả các bang. “Chúng tôi sẽ giữ thế đa số của những người ủng hộ sự sống tại hạ viện và thượng viện, chúng tôi sẽ đưa trường hợp này vào mỗi bang ở Mỹ”, ông tuyên bố.

Đa số nghị sĩ Dân chủ ủng hộ quyền phá thai, nhưng đảng này hiện chỉ chiếm đa số ở thế khá mong manh tại hạ viện và tỷ lệ 50/50 tại thượng viện, dù Phó tổng thống Kamala Harris vẫn có quyền quyết định nếu số phiếu tại thượng viện bằng nhau. Trong khi đó, đa số nghị sĩ Cộng hòa phản đối quyền phá thai. Để cấm phá thai, các nghị sĩ Cộng hòa sẽ phải thông qua nghị quyết, nhưng sẽ không trở thành luật nếu Tổng thống Biden không ký ban hành. “Tôi sẽ phủ quyết”, ông Biden nhấn mạnh.

Theo trang tin Axios, đảng Dân chủ đang xem quyền phá thai là một trong những vấn đề trọng tâm để thu hút sự ủng hộ của cử tri, khi cho rằng nhiều nghị sĩ Cộng hòa “cực đoan”.

Tại bang Arizona, thượng nghị sĩ Dân chủ Mark Kelly chỉ trích mạnh mẽ sau khi ứng viên Cộng hòa Blake Masters xem phá thai là “hung ác” và tuyên bố sẽ ủng hộ luật xem phôi và bào thai như con người. Tại bang Georgia, thượng nghị sĩ Dân chủ Raphael Warnock cho rằng phụ nữ nên có quyền đối với cơ thể mình, trong khi đối thủ tranh cử Herschel Walker thuộc đảng Cộng hòa cáo buộc ông Warnock “không muốn bảo vệ trẻ em”.

Trong một diễn biến khác, Tổng thống Biden cho hay dù chưa đưa ra quyết định chính thức, ông “có ý định” tái tranh cử vào năm 2024.

Và tình thế của ông Donald Trump

Ủy ban điều tra vụ bạo loạn Điện Capitol ngày 6.1.2020 (gọi tắt là Ủy ban 6.1) của Hạ viện Mỹ ngày 21.10 đã gửi trát yêu cầu cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump giao nộp tài liệu và tham dự điều trần.

Động thái này mở đường cho một cuộc chiến pháp lý có thể đi vào lịch sử xoay quanh việc liệu quốc hội Mỹ có thể lấy lời khai từ một cựu tổng thống hay không.

TheoThe New York Times, Ủy ban 6.1 yêu cầu ông Trump giao nộp trước ngày 14.11 các tài liệu liên quan đến nỗ lực của ông nhằm lật ngược kết quả bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020. Ủy ban cũng yêu cầu ông tham dự điều trần - trực tiếp hoặc trực tuyến - trước ủy ban vào ngày 14.11.

Động thái diễn ra trước thềm bầu cử giữa kỳ tại Mỹ (ngày 8.11) đánh dấu bước leo thang mới nhất và mạnh mẽ nhất trong cuộc điều tra của Hạ viện hiện đảng Dân chủ kiểm soát. Một luật sư đại diện cho ông Trump cho biết trát yêu cầu của Ủy ban 6.1 sẽ được xem xét, đồng thời chỉ trích ủy ban về việc công bố thông tin này.

Bị điều tra vì cáo buộc tìm cách lật ngược kết quả bầu cử

Ngày 21.10, tòa phúc thẩm liên bang ở TP.Atlanta (bang Georgia) ra phán quyết buộc thượng nghị sĩ Graham phải trình diện bồi thẩm đoàn nhằm phục vụ cuộc điều tra về nghi án gian lận bầu cử ở Georgia, theo tờ The New York Times.

Theo đó, ông Graham có thể phải trình diện tại tòa án để trả lời về nội dung các cuộc gọi điện giữa ông và quan chức bang Georgia Brad Raffensperger trong những tuần lễ sau ngày bầu cử. Vài tháng trước, thẩm phán Robert C.I. McBurney của Tòa thượng thẩm hạt Fulton viết trong tài liệu tòa án với nội dung thượng nghị sĩ Graham đã đề nghị ông Raffensperger và cấp dưới hãy kiểm lại những phiếu trắng ở Georgia để tìm kiếm khả năng lật ngược kết quả theo hướng có lợi cho ông Trump. Phía ông Graham chưa phản hồi thông tin tòa triệu tập.

H.G

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.