Chịu hết nổi với ô nhiễm tiếng ồn ở TP.HCM

Tại TP.HCM vẫn tồn tại một thực trạng - ô nhiễm tiếng ồn - khiến giấc ngủ ngon đôi khi trở thành một ước mơ xa xỉ với nhiều gia đình.

Rất nhiều bạn đọc ở TP.HCM đã gửi đơn thư, gọi điện thoại phản ánh đến Báo Thanh Niên về tình trạng tiếng ồn xung quanh nơi ở của mình. Với cư dân ở nhiều nơi trong thành phố, tiếng ồn không chỉ là sự ô nhiễm mà đã trở thành nỗi ám ảnh mỗi khi họ trở về nhà sau một ngày lao động.

tin liên quan

Ngành VH-TT và công an xử lý karaoke "xách tay"
Chiều 2.5, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Thu hoan nghênh Báo Thanh Niên đã lên tiếng phản ánh nỗi khổ của đại bộ phận người dân vì hiện tượng “bùng nổ” karaoke “xách tay” trên địa bàn thành phố.
Ngủ không được, thức không xong!
Mấy tháng qua, gia đình ông Nguyễn Hoàng Lương (nhà số 315 đường số 10, P.8, Q.Gò Vấp, TP.HCM) phải sống cùng tiếng ồn chát chúa phát ra từ quán cà phê DJ Mỹ Hương 2 sát bên cạnh. “Mỗi ngày, từ 19 giờ đến hết đêm, quán mở nhạc to đến độ cửa nhôm nhà chúng tôi rung lên, thử hỏi màng nhĩ nào chịu nổi? Ba tôi bị tai biến, mẹ già cần yên tĩnh nghỉ ngơi, con cái lo ôn tập để vào mùa thi mà âm thanh như vậy thì ngủ nghỉ, học hành như thế nào? Ngủ không yên mà thức cũng không xong. Cuộc sống của cả gia đình bị đảo lộn bởi tiếng ồn”, ông Lương bức xúc.
Không chỉ cà phê nhạc, những quán nhậu mọc lên san sát các khu dân cư cũng khiến nhiều người khổ sở. Bà Võ Thu Phương (nhà ở đường số 9, xã Bình Hưng, H.Bình Chánh) than thở: “Những tiếng dô dô vang vọng suốt đêm, tiếng ly chén khua lách tách từ quán nhậu đối diện khiến tôi không thể nào chợp mắt được. Quán càng về khuya càng đông khách nên tiếng ồn càng tăng lên chứ không hề giảm đi, kèm thêm tiếng xe máy ra vô quán, tiếng nẹt pô khiến đang nằm trằn trọc cũng giật cả mình”.
Khiếu nại về tiếng ồn chiếm tỷ lệ cao
Chỉ tính trong tháng 4.2017, Báo Thanh Niên đã tiếp nhận hơn 40 đơn thư khiếu nại, phản ánh về ô nhiễm tiếng ồn ở khắp nơi trên địa bàn TP.HCM. Đó là tiếng ồn từ nhà hàng xóm hay tổ chức hát karaoke, quán cà phê, cửa hàng thời trang mở nhạc lớn, các nhà hàng quán nhậu tổ chức “hát cho nhau nghe”, cơ sở hàn xì...
Đó là chuyện ban đêm, còn ban ngày thì sao? Bà con ở tổ dân phố 30, KP.3, P.3 (Q.4) đang là nạn nhân của tiếng ồn phát ra từ cơ sở in số 189Q/16 Tôn Thất Thuyết, P.3, Q.4. Con hẻm 189Q Tôn Thất Thuyết nhỏ xíu, bề ngang khoảng 1 m với 2 dãy nhà san sát, nên âm thanh xình xịch phát ra từ cơ sở in vọng vào từng nhà rõ mồn một.
Bà T., một người dân sống gần cơ sở in, cho biết: “Tiếng ồn từ cơ sở này không chát chúa, đinh tai nhức óc nhưng chốc chốc nó lại xình xịch, lạch tạch, nhất là vào buổi trưa, khiến chúng tôi khó chịu vô cùng”.
“Sớm muộn gì cũng bị điếc !”
Một thực tế nhức nhối trên địa bàn TP.HCM hiện nay là hễ cửa hàng, cơ sở kinh doanh nào đó mở cửa, khai trương thì y như rằng các hộ dân sống cạnh đó phải… đóng cửa vì chịu không nổi tiếng ồn. Những chiếc loa thùng với những bản nhạc rap, nhạc remix được phát to hết cỡ để thu hút người đi đường. Các cửa hàng hay hộ dân xung quanh lúc này chỉ còn biết than trời!
Một thời gian dài, người dân sinh sống, buôn bán trên đường Cống Quỳnh, Q.1 phải nghe ra rả các chương trình khuyến mãi của siêu thị nội thất Phố VIP ở số 189A Cống Quỳnh.
“Cứ 15 phút là 2 chiếc loa to từ cửa hàng quay ra đường lại phát tiếng nhạc, tiếng nói quảng cáo về chương trình giảm giá, tri ân khách hàng. Âm thanh dội thẳng ra đường, dội qua dãy nhà đối diện. Hai lỗ tai liên tục bị tra tấn. Sống trong môi trường như thế con người không phát điên mới lạ”, bà N.T.T, nhà đối diện siêu thị này cho biết.
Những chiếc loa hướng ra đường cũng trở thành nỗi ám ảnh của nhiều hộ dân và người đi đường ở khu vực đường Phan Huy Ích (Q.Tân Bình), Cách Mạng Tháng Tám (đoạn qua Q.3, Q.10), Kha Vạn Cân (Q.Thủ Đức), Phạm Hùng (đoạn qua Q.8, H.Bình Chánh), QL50 (H.Bình Chánh)...
Chưa hết, tình trạng hát karaoke xuyên ngày đêm, âm thanh quá tải từ những chiếc loa kẹo kéo dùng để bán hàng ở khu vực gần các chợ, trong các ngõ hẻm… cũng góp vào tình trạng ô nhiễm tiếng ồn trong thành phố.
“Ra đường bị tra tấn bởi tiếng còi xe vô tội vạ, về nhà không được yên thì sớm muộn gì bệnh điếc, bệnh thần kinh cũng sẽ gia tăng đối với người dân TP.HCM. Sự ồn ào ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe. Vậy mà chẳng hiểu sao mỗi ngày thành phố càng ồn ào hơn” - ông Nguyễn Văn Hưng (nhà ở đường Phạm Hùng, xã Bình Hưng, H.Bình Chánh) nói sau một đêm mất ngủ vì tiếng ồn từ quán nhậu ở mặt tiền con đường này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.