Chịu thiệt vẫn là người bệnh

16/12/2019 08:15 GMT+7

Năm 2019, ngành y tế thực hiện mạnh mẽ việc giao tự chủ tài chính (chi lương nhân viên) cho các bệnh viện (BV) công lập; song song đó là giao dự toán khám chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế.

 Cả nước được Chính phủ giao dự toán KCB BHYT năm 2019 là 97.552 tỉ đồng (năm 2018 chi 91.139 tỉ đồng). Thế nhưng, đến cuối năm 2019, các BV hụt hơi không phải vì hết sức mà là… hết tiền.
Việc các BV xài hết dự toán KCB bảo hiểm y tế (BHYT) gây ra nhiều hệ lụy: bệnh nhân bị chuyển lên tuyến trên, chuyển lòng vòng, không được điều trị kịp thời; BV thì không dám “tích cực” điều trị, lo không có tiền chi cho nhân viên; lo bị xuất toán…
Nói chung các nỗi lo đều liên quan đến tiền dự toán KCB BHYT đã hết hoặc “cầm hơi”. Nhiều ý kiến cho rằng, BV giờ một tay điều trị, một tay sờ túi quần xem có còn tiền không bởi đã giao tự chủ tài chính mà còn bị khống chế số tiền KCB BHYT thì BV không quyết được tài chính. Khi được hỏi “hết tiền rồi, có nhận bệnh nữa không”, hầu hết câu trả lời của lãnh đạo các BV là nhận điều trị “rồi tới đâu thì tới”. Và, cách để khỏi “vỡ quỹ” được “dùng” đến nhiều nhất là chuyển bệnh nhân qua BV khác, hoặc điều trị... cầm chừng “để mai tính”.
Trước tình hình thiếu hụt tiền, ảnh hưởng nghiêm trọng đến KCB, nhiều tỉnh đã có công văn kiến nghị bổ sung thêm tiền cho KCB BHYT. Tuy nhiên, như tại TP.HCM, việc giao quỹ lần 2 cũng giống như “muối bỏ biển”, chỉ đủ để “cầm hơi” chờ sang năm có dự toán mới.
Đa số lãnh đạo các BV tuyến trên kiến nghị không giao dự toán KCB bảo hiểm y tế như cũ (dựa trên số chi năm cũ và một số yếu tố tăng liên quan) mà BHYT chi thực tế trên từng ca bệnh... Bởi suy cho cùng, giao dự toán KCB BHYT hiện nay như chuyền đường bóng khó cho BV; trái bóng cứ lòng vòng và người chịu thiệt nhất là người KCB bằng BHYT.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.