“Xấu hổ” là phát biểu của khá nhiều ĐBQH khi xem xét sửa đổi điều 60 luật Bảo hiểm xã hội tại kỳ họp thứ 10 này (luật được thông qua ngày 20.11.2014 và phải đến 1.1.2016 mới có hiệu lực) bởi vì luật chưa có hiệu lực đã phải sửa.
Tuy nhiên, cũng còn là may mắn, khi các ĐBQH vượt qua được sự “xấu hổ” của bản thân để chấp nhận sửa sai, vì quyền lợi và nhu cầu thực tiễn của hàng triệu người lao động.
Cũng tại kỳ họp này, QH buộc phải xem xét thông qua luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế (sửa đổi bổ sung một số điều của luật Thuế giá trị gia tăng, luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và luật Quản lý thuế), trong đó luật Thuế giá trị gia tăng thậm chí còn chưa có hiệu lực. Nhiều ĐBQH cũng chia sẻ về cảm giác “cực chẳng đã” này, vì năm nào QH cũng phải sửa các luật về thuế. Về lý luận thì đúng là văn bản quy phạm pháp luật nào chưa đúng, chưa phù hợp với thực tiễn của đời sống, hoạt động sản xuất, đầu tư, kinh doanh, cản trở cải cách thủ tục hành chính, không phù hợp với thông lệ quốc tế thì phải sửa. Nhưng để tình trạng luật vừa sửa xong đã sửa, có luật mới thực hiện được nửa năm, có luật chưa có hiệu lực đã sửa như mấy năm vừa qua thật là khó coi.
Có ĐBQH thẳng thắn đề nghị tại QH: “Khi trình bất cứ luật nào đó, ban soạn thảo phải bảo đảm với QH là luật phải sống ít nhất được 2 - 4 năm, nếu không, dứt khoát không cho trình” (ĐB Nguyễn Anh Sơn, Nam Định). Thoạt nghe, đề nghị này tỏ ra rất có trách nhiệm. Nhưng với quy trình làm luật hiện nay ở QH ta, ĐBQH liệu có vô can về tình trạng các văn bản luật thiếu ổn định? Đương nhiên là không, bởi ĐBQH chính là người bấm nút để thông qua các văn bản luật này.
Lập pháp là một trong những chức năng hết sức quan trọng của QH. Cá nhân mỗi ĐBQH có vai trò quyết định trong việc xây dựng luật, thông qua việc tham gia phát biểu ý kiến, tranh luận, bày tỏ quan điểm và biểu quyết tại phiên họp toàn thể. Luật có được thông qua hay không tùy thuộc vào sự quyết định và bấm nút của mỗi đại biểu.
Tuy nhiên, cũng phải nói rằng, hoạt động lập pháp là một trong những hoạt động còn nhiều hạn chế nhất hiện nay; mới chỉ tập trung ở một số đại biểu chuyên trách, đại biểu là những chuyên gia, nhà khoa học, đại biểu có trình độ, kỹ năng pháp lý, đại biểu đang công tác ở những cơ quan nghiên cứu, viện khoa học liên quan đến hoạt động lập pháp, tư pháp...
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả lập pháp, trước hết ĐBQH phải dành thời gian thích đáng đầu tư nghiên cứu, tìm hiểu kỹ nội dung từng dự án luật, để có nhiều ý kiến xác đáng, trí tuệ đóng góp vào nội dung các dự án luật. Thứ đến, ĐBQH phải triệt để yêu cầu việc lấy ý kiến nhân dân, ý kiến cử tri, tham vấn ý kiến chuyên gia trước khi xem xét thông qua luật. Cuối cùng, cần phải công khai danh tính ĐBQH khi biểu quyết, để nhân dân giám sát, trên nguyên tắc, ĐBQH biểu quyết thì phải chịu trách nhiệm trước nhân dân.
Bình luận (0)