Chợ An Đông Tết 'năm Covid': Không biết qua Tết còn trụ nổi không!

11/02/2021 16:46 GMT+7

Nhiều tiểu thương chợ An Đông (Q.5, TP.HCM) không nỡ đóng cửa dù việc bán buôn lỗ thê thảm trong ‘năm Covid ’ vì thương nhân viên gắn bó đã lâu. Vài người khác dù không muốn nhưng đành phải treo bảng sang sạp.

Gần như không có khách

Cửa hàng bán đồ mỹ nghệ của bà Tuyết Nhung (47 tuổi, Q.5) cả năm qua hiếm lắm mới có ngày đón khách. Bởi lẽ, các mặt hàng ở sạp đa phần đều bán cho du khách nước ngoài mua về làm kỷ niệm hoặc tặng cho người thân, bạn bè.
Du lịch toàn cầu chịu tác động nặng nề từ đại dịch Covid-19, các sạp có đặc thù là bán hàng cho khách du lịch như sạp của bà Nhung rơi vào cảnh ế ẩm, chật vật cũng là chuyện dễ hiểu.
“Hàng hóa lưu niệm bán chạy nhất vào 2 thời điểm: trước và sau tết. Trước tết năm ngoái, khách họ mua đem về nước nhiều lắm. Qua tết bắt đầu không bán được, cứ nghĩ đến cuối năm ổn định thì cố gắng gỡ gạc, ai ngờ…”, bà Nhung bộc bạch.

Sạp vải của bà Hai treo bảng sang sạp từ năm ngoái tới năm nay nhưng chưa ai hỏi.

ẢNH: THANH KHƯƠNG

Chủ sạp này chia sẻ thêm, hàng thủ công mỹ nghệ khó bán trong năm qua ngoài ra còn bởi vì “tiền ăn còn phải tiết kiệm thì lấy đâu ra tiền mua mấy món này về trưng bày, biếu tặng”.
Bà Mai (66 tuổi, Q.5), chị ruột của bà Nhung là chủ sạp áo dài gần đó thấy khách nào đi qua cũng đều mời gọi mua hàng. “Nhiều khách không ghé sạp mua đồ nhưng nếu muốn tìm sạp hàng khác, tôi đều chỉ dẫn tận tình cho họ. Mình không bán được thì để các tiểu thương khác bán, ai cũng khó khăn nên mình phải có sự thấu hiểu. Nhiều khi rảnh rỗi tôi còn dắt khách tới tận nơi để mua món hàng mà họ cần”.
Chị em bà Mai theo mẹ bán ở chợ An Đông đã mấy mươi năm, thế nhưng chưa năm nào tơi tả như năm nay. “Không biết qua tết còn trụ nổi không” dường như là lo lắng chung của hai chị em vì rảo quanh khu chợ, cửa hàng của chị em bà là một trong số ít ỏi còn mở cửa cầm chừng giữa hàng loạt các sạp đã “tắt đèn”.
Chủ 10 sạp chợ An Đông treo bảng sang sạp cả năm trời, không ai gọi!

Buôn bán thất bát nhưng bà Hai vẫn thường mua vé số để giúp đỡ bé gái.

ẢNH: THANH KHƯƠNG

Chợ Bến Thành ngày tết cũng vắng hoe vì Covid-19: “Chợ tết mà ngồi chơi không”

Phải đi vay mượn đủ nơi

Sau đợt giãn cách toàn xã hội tháng 4.2020, bà Hai (71 tuổi, Q.Bình Thạnh), là chủ của 10 sạp vải vóc, quần áo ở tầng trệt chợ An Đông quyết định treo bảng sang sạp vì không đủ tiền trang trải cho đủ thứ chi phí: thuế, hoa chi, trả lương cho người làm… Tuy nhiên, bà cho biết đã gần 1 năm trôi qua nhưng vẫn không có lấy một người gọi điện hay đến nơi hỏi thăm.
Bà uể oải nói: “Tiền thuế, hoa chi nặng lắm nhưng đã buôn bán thì phải chấp nhận thôi. Mấy tháng rồi không đủ trang trải còn phải đi vay mượn đủ nơi”.
Chủ 10 sạp chợ An Đông treo bảng sang sạp cả năm trời, không ai gọi!

Nhiều sạp thủ công mỹ nghệ đóng cửa, hoặc dán bảng cho thuê.

ẢNH: THANH KHƯƠNG

Được biết, bà Hai đã bàn giao các sạp cho cô con gái quản lý vì bản thân lớn tuổi. Mỗi ngày, bà chỉ ra chợ trông coi hàng hóa và phụ giúp việc vặt. Công việc bê vác nặng nhọc phải cần đến người làm, do đó thuê thêm 2 người.
“Chợ vắng thì vắng, lương cho nhân viên vẫn phải trả đủ chứ không lấy gì tụi nó sống. Họ đều gắn bó lâu với mình nên bỏ không có được, tội nghiệp lắm”, bà chia sẻ.
Buôn bán ở chợ là công việc đã theo bà Hai suốt nhiều năm. Mọi vốn liếng hầu như đều đổ hết vào từng xấp vải nên dù vắng khách vẫn phải cố gắng bám trụ. Ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, ngoài con cái, bà chỉ biết kiếm tìm niềm vui nhỏ bé thông qua ngôi chợ đã có từ lâu đời.
Chủ 10 sạp chợ An Đông treo bảng sang sạp cả năm trời, không ai gọi!

Hàng hóa xếp dài, người đi mua lại hiếm hoi.

ẢNH: THANH KHƯƠNG

Tâm sự bác sĩ xa vợ mới cưới, lên bệnh viện dã chiến chống Covid-19 xuyên tết

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.