Chở bưởi từ Bắc vào TP.HCM bán tết, anh nông dân mong 'về nhà trước giao thừa'

25/01/2024 14:27 GMT+7

Gần trưa, nắng gắt. Anh Lý Văn Trung (34 tuổi, quê Hưng Yên) ngồi dưới tán cây bưởi Diễn, mắt nheo nheo trả lời vị khách dừng xe bên đường hỏi giá, rồi… nhìn họ rời đi.

Dọc đường Phạm Văn Đồng (TP.Thủ Đức) đoạn từ cầu Gò Dưa đến cầu vượt Linh Xuân có hàng chục vựa bán cây cảnh, hoa tết. Trong số đó, anh Trung được xem là người ở xa nhất đến bán bưởi Diễn. Nhà anh ở làng Đan Kim, H.Văn Giang, Hưng Yên, cách TP.HCM hơn 1.600 km.

"Có làm thì mới có ăn. Chịu khó đi bán lẻ thì tôi kiếm thêm được ít tiền lo cho gia đình", anh Trung chia sẻ lý do 2 năm nay quyết định vào TP.HCM thuê mặt bằng bán bưởi cảnh.

Chở bưởi từ Bắc vào TP.HCM bán tết, anh nông dân mong 'về nhà trước giao thừa'- Ảnh 1.

Anh Trung tiếp khách hỏi mua bưởi Diễn, trưa 24.1.

Phan Diệp

2 tháng xa nhà

Từ đầu tháng 11 âm lịch, anh Trung tạm biệt vợ con, theo xe lớn chở gần 200 cây bưởi Diễn lớn nhỏ của gia đình vào TP.HCM. Gia đình anh có truyền thống gần 20 năm làm bưởi, quất cảnh. Bén duyên bỏ sỉ bưởi Diễn cho các thương lái miền Nam từ 7 năm trước, anh Trung có dịp vào TP.HCM, Đồng Tháp, Tây Ninh... giao bưởi. Dần dà, anh cũng làm quen với thị trường ở đây.

Để có được cây bưởi Diễn cành lá sum suê, trái chi chít vàng ươm, anh Trung mất ít nhất 2 năm. Đầu tiên là săn lùng mua gốc bưởi từ nhiều nơi về dưỡng lại một năm cho cây khoẻ. Sang năm thứ 2, từ rằm tháng 3 đến giữa tháng 5 ghép trái lên cây. Suốt hơn một tháng ghép trái, ngày nào anh cũng phải làm việc hết công suất đến tận khuya. Như bao nông dân trồng cây cảnh khác, anh Trung vất vả cả năm. Đến tết, anh mong tất cả cây của mình về tay khách hàng.

Chở bưởi từ Bắc vào TP.HCM bán tết, anh nông dân mong 'về nhà trước giao thừa'- Ảnh 2.

Anh Trung quấn lại bưởi để tránh rụng trước khi giao cho khách.

Phan Diệp

Từ năm ngoái, anh quyết định thuê mặt bằng ở TP.HCM, mang bưởi Diễn vào bán lẻ. Hiểu "đường đi nước bước", năm nay anh mang bưởi vào sớm, bán cho khách có nhu cầu chưng dịp Giáng sinh.

Mặt bằng anh Trung thuê bán bưởi rộng hơn 500 mét vuông, giá 30 triệu đồng/tháng, nằm trên đường Phạm Văn Đồng. Cuối vườn, anh dựng chòi tạm, đặt bếp gas mini, nồi cơm điện... Bên cạnh là tấm chiếu và chiếc võng xếp để ngả lưng. Không quen ăn tiệm cũng như khẩu vị thức ăn ở TP.HCM nên anh thường xuyên đi chợ nấu cơm.

Hơn 1 tháng sống trong căn chòi tạm, ăn uống thất thường, ngủ không sâu giấc, anh Trung cho biết mình đã gầy đi vài kg.

Chở bưởi từ Bắc vào TP.HCM bán tết, anh nông dân mong 'về nhà trước giao thừa'- Ảnh 3.

Anh Trung chuyển cây lên xe để giao cho khách mua ở Q.7, trưa 23.1.

Phan Diệp

Công việc hằng ngày của anh Trung chủ yếu là tưới cây, tiếp đón những vị khách ghé mua. Thời gian rảnh, nếu không gọi điện cho vợ con, anh cũng bật điện thoại xem camera ở nhà cho đỡ nhớ.

"Mấy nay đã qua đợt lạnh, không có mưa thì sẽ có khách lẻ ghé vườn. Hi vọng ở nhà vợ cũng bán được nhiều cây", ông bố 3 con hào hứng kể.

Một mình ở TP.HCM, anh Trung phải cáng đáng và lo liệu đủ thứ. Cả tháng nay, anh chỉ mới bán được hơn 20 cây. Nhận định tình hình thị trường chậm hơn so với năm ngoái, nhưng anh Trung vẫn lạc quan vì khách bắt đầu đi dò hỏi nhiều hơn tháng trước.

"Bán sỉ thì tôi rảnh tay hơn, không phải vất vả và lo lắng nhiều. Nhưng cảm giác được bán từng cây do chính mình chăm chút cả năm cho khách hàng vẫn là vui nhất", anh Trung nói.

Chở bưởi từ Bắc vào TP.HCM bán tết, anh nông dân mong 'về nhà trước giao thừa'- Ảnh 4.

Nhớ nhà, anh thường mở camera để thấy người thân, vườn bưởi của mình.

Phan Diệp

Bưởi Diễn tràn ngập TP.HCM, chủ vườn khiếp sợ loại côn trùng 'cắn một cái là hư trái'

Không ủng hộ đập chậu cây ngày 30 tết

Tiếng là vào TP.HCM, nhưng anh nông dân gốc Bắc chưa có dịp dạo phố phường hay đến các điểm tham quan. Suốt 2 tháng ở đây, anh Trung quanh quẩn trong vườn bưởi để chăm sóc và bán cây.

Càng sát tết, người dân TP.HCM cũng về quê nhiều. Dù biết là bưởi nếu bán không hết có thể mang về nhưng chi phí thuê xe chở ra Bắc khá lớn. Vì thế, anh Trung phải tính toán, điều chỉnh giá cả phù hợp với thị trường, mong bán hết hàng sớm. Mang cây "xuyên Việt" điều ước của anh là bán hết hàng, lời lỗ tính sau.

Bán cây cảnh nhiều năm, anh Trung từng chứng kiến không ít lần người bán đập chậu mỗi khi giao thừa cận kề nhưng bị người mua ép giá.

"Họ làm như vậy cũng có lý do, chủ yếu là sợ gieo thói quen chờ đến 30 tết mới mua để được giá rẻ. Tôi thì không ủng hộ việc đập chậu. Dù đắt hay rẻ, tôi vẫn cố gắng bán hết. Nếu đập chậu bỏ đi, khác nào tôi mang tiền vốn, công sức cả năm trời của mình vứt đi", anh nói.

Chở bưởi từ Bắc vào TP.HCM bán tết, anh nông dân mong 'về nhà trước giao thừa'- Ảnh 5.

Bãi đất trống thuê bán bưởi có góc nhà đã bị phá dỡ, còn nền gạch men nên anh trải chiếu, đặt võng để nằm ngủ.

Phan Diệp

Anh Trung cho biết mình cảm mến con người và tính cách miền Nam dễ chịu. Việc mua bán thường nhanh chóng, ít trả giá vì thế, ông chủ vườn không bao giờ thách giá cao mà chỉ nói đúng giá thị trường. Chính tay mình chăm sóc nên anh nông dân hiểu rõ giá trị của từng cây bưởi trong vườn. Khi giới thiệu, chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc cho khách hàng anh đều dành hết tâm huyết của mình.

Anh Triệu Trung, chủ vựa hoa ở Q.7 ghé mua bưởi Diễn về bán thêm cho biết: "Tôi định ra Bắc tìm mua bưởi mang vào bán tết nhưng tình cờ biết được Trung từ ngoài ấy vào nên đến mua, đỡ mất công đi. Thấy giá cả cũng hợp lý nên tôi mua 6 chậu nhỏ về bán kiếm lời".

Chở bưởi từ Bắc vào TP.HCM bán tết, anh nông dân mong 'về nhà trước giao thừa'- Ảnh 6.

Anh Trung gầy đi vài kg sau hơn 1 tháng ở TP.HCM bán bưởi.

Phan Diệp

Những ngày này, cũng có những người mua cây, xin số điện thoại giữ liên lạc hẹn anh năm sau lại đến mua tiếp. Số khách đến dạo vườn, hỏi giá rồi rời đi cũng nhiều. Nhưng với anh, vị khách nào đến với vườn cũng đáng quý. Bởi với anh, vẫn còn nhiều người quan tâm đến bưởi cảnh, thì anh lại có động lực để tiếp tục duy trì công việc này vào năm sau.

Năm ngoái, đúng 13 giờ ngày 30 tết, sau khi bán hết những chậu bưởi cuối cùng, anh Trung mới dám đặt vé máy bay về Hà Nội.

"Đến gần 23 giờ, xe khách mới đưa tôi về tới sân nhà. Vợ con ra đón, tôi tắm rửa, thay bộ đồ mới xong thì cũng đến giao thừa", anh cười, nhớ lại và mong rằng năm nay cũng kịp về đón năm mới bên gia đình.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.