'Chờ cải cách giáo dục thì con về nhà chồng rồi!'

24/05/2019 16:46 GMT+7

Ông Giản Tư Trung, Viện trưởng Viện Giáo dục IRED, cho rằng một đứa trẻ sinh ra, đến khi cải cách giáo dục xong thì cũng đã… lấy vợ hoặc về nhà chồng rồi!

Ngày 22.5, Viện Giáo dục IRED tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Giải pháp giáo dục nào cho thời loạn chuẩn?”, đề cập nhiều đến chuyện cải cách giáo dục như thế nào. 

Ông Giản Tư Trung cho biết chưa bao giờ mà cha mẹ và thầy cô lại gặp nhiều thách thức như lúc này trong việc dạy con và dạy trò như hiện nay. Còn với học sinh, những thay đổi của thời đại đem lại cho các bạn nhiều cơ hội để học hành, mở mang và hội nhập; nhưng đồng thời cũng đặt ra những thách thức chưa từng có khiến học sinh hoang mang với những lựa chọn của mình. Rốt cuộc thì mình nên yêu cái gì, theo đuổi con đường nào, điều gì là đúng-sai…?

Nhìn vào hàng loạt sự việc, hiện tượng tiêu cực xảy ra trong giới trẻ thời gian qua có thể thấy rõ “nhiều chuẩn mực đang bị đảo lộn, nhiều giá trị bị thách thức, nhiều niềm tin bị đổ vỡ”, và các bạn trẻ đang đối mặt với sự “loạn chuẩn” trong xã hội. Ông Trung trăn trở: Làm sao để con, để trò biết “định chuẩn” cho mình trong thời “loạn chuẩn?”.

Giải pháp đó là gì? Đó là nhà trường, gia đình cùng hướng đến một nền giáo dục khai phóng (bao gồm khai minh và khai tâm). Cần trả lời ba câu hỏi cho sự học khai phóng gồm "tại sao phải học và học để làm gì", "học gì để đạt được mục tiêu đó" và "học như thế nào".

Ông Trung cho rằng có hai cách có thể chọn lựa để thực hiện. Cách đầu tiên là cải cách giáo dục phổ thông để chúng ta có nền giáo dục khai phóng hay nền giáo dục có tính khai phóng cao. Nhưng cải cách một nền giáo dục mất đến vài chục năm. Thậm chí một đứa trẻ sinh ra, đến khi cải cách giáo dục xong thì cũng đã… lấy vợ hoặc về nhà chồng rồi. Thời gian thực hiện giải pháp đầu tiên rất lâu.

Cách thứ hai là phát triển các chương trình khai phóng ngoại khóa cho học sinh phổ thông và triển khai song song với chương trình phổ thông chính khóa của nhà trường.
Cần làm rõ "khai phóng" là gì?
Theo tôi quan điểm của ông Trung là rất ổn. Tuy nhiên, chúng ta cần làm rõ "khai phóng là gì?". Cụ thể hơn, học sinh sẽ học môn nào, học thế nào? Hiện nay vẫn còn "tù mù" về điều này. 
(Tiến sĩ Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH FPT)
Nương theo thực tế để sửa
Thật sự tôi đang làm theo cách thứ 2 của ông Trung đưa ra. Đó là tổ chức một hệ sinh thái các khóa học ngoại khóa để bổ trợ chương trình phổ thông chính khóa của nhà trường. Tôi nghĩ cần phải nương theo thực tế để sửa những gì không tốt cho trẻ. Chúng ta phải lùi lại, thành thực và có tự trọng để trả lời câu hỏi này: ta đang dạy cho trẻ lớn lên là vì trẻ, hay vì chính chúng ta?...
(Bà Ngô Phương Thảo, Giám đốc Anbooks)
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.