Chợ chim nổi tiếng Thạnh Hóa sẽ đóng cửa theo lộ trình thế nào?

31/03/2022 10:13 GMT+7

Chính quyền tỉnh Long An đã chốt phương án đóng cửa chợ chim nổi tiếng ở H.Thạnh Hóa, nơi mà sản vật nào ở vùng Đồng Tháp Mười cũng đều có bán.

Sản vật có ở Đồng Tháp Mười là có ở chợ chim

Nằm ven QL62, qua địa bàn H.Thạnh Hóa (Long An), chỉ hơn 30 tiểu thương mà bán đến hàng triệu con chim.

Từ biên giới Việt Nam - Campuchia qua địa bàn các địa phương vùng Đồng Tháp Mười thuộc tỉnh Long An như Mộc Hóa, Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Kiến Tường, khi ghé lại ven đường hỏi thăm chỗ mua chim rừng và sản vật thì bà con ở đây đều hướng dẫn: “Cứ đi về chợ chim ở H.Thạnh Hóa mà tìm. Sản vật nào có ở vùng Đồng Tháp Mười này đều có bán ở chợ chim”.

Một chủ hàng đang làm thịt vạc rừng cho khách hàng theo yêu cầu.

BẮC BÌNH

Chợ chim (TT.Thạnh Hóa, H.Thạnh Hóa, Long An) là tên gọi quen thuộc. Nếu hỏi thăm địa chỉ chợ Nông sản - Trạm dừng chân H.Thạnh Hóa đúng theo tên gọi trong quản lý hành chính, thì ngay cả người dân địa phương cũng không biết.

Chợ chim có vị trí đắc địa, nằm tại điểm giao giữa đường đi từ TP.HCM và H.Đức Hòa, TP.Tân An của tỉnh Long An với vùng Đồng Tháp Mười, các tỉnh Đồng Tháp, An Giang và khu vực biên giới Việt Nam - Campuchia.

Chợ chim thu hút nhiều người

BẮC BÌNH

Từ QL62 rẽ vào chợ chim, ngành chức năng tỉnh Long An bố trí tấm bảng lớn với nội dung: “Hành vi săn bắt, giết, vận chuyển, nuôi nhốt, buôn bán trái phép chim và các loài động vật hoang dã, động vật rừng không có nguồn gốc thì có thể bị phạt tù đến 15 năm” nhưng chợ chim vẫn luôn có khách, đặc biệt vào các ngày cuối tuần. Nhưng, cả người mua lẫn người bán đều không quan tâm tới tấm bảng khuyến cáo của ngành chức năng.

Hơn 3/4 quầy ở chợ chim này bán các loại chim đặc trưng vùng Đồng Tháp Mười như le le, cuốc, chằng nghịch, vạc, cúm núm, ốc cao, cò rồi gà, vịt, rắn, lươn, chuột đồng, cá đồng, các loại mắm đồng, khô cá đồng… Các chủ hàng bán từ chim non mua về nuôi cảnh đến chim lớn mua về để làm thịt. Tại một gian hàng, chúng tôi còn bắt gặp một chú đại bàng con đang được chủ mời với giá hơn 3 triệu đồng.

Con đại bàng nhỏ này được chủ hàng thu mua về bán lại tại chợ chim.

BẮC BÌNH

Tại các quầy hàng, những con chim nhỏ luôn há miệng chờ được cho ăn mồi. Chủ hàng dùng ống tiêm thuốc để bơm nhồi thức ăn.

“Chim non đem về đây hao hụt dữ lắm vì có khi chúng bị nhốt không quen hoặc vận chuyển bị sốc… Nhưng két xanh non có giá 320.000 đồng, con nhồng hơn 1,2 triệu đồng nên dù hao hụt cũng kiếm được vài trăm ngàn tiền lời mỗi ngày. Nói chung, buôn bán ở chợ chim này sống được. Chúng tôi mua lại từ những người đi săn trong rừng hoặc họ nuôi nhốt chim ở nhà để bán lại kiếm lời chứ đâu có biết đi săn hoặc tự nuôi bán được. Nuôi thuần mấy con vật quen sống trong rừng thì đâu phải chuyện dễ”, chị T. (bán trong chợ chim) chia sẻ.

Chim đủ các kích cỡ, chủng loại được bày bán ở chợ chim Thạnh Hóa.

BẮC BÌNH

“Các loại như gà nước, chim trĩ, cò, rắn hổ, rùa, cu xanh… nói chung khách muốn mấy con vật bị cấm bán thì chúng tôi cũng sẽ có cách giao hàng. Chỉ cần báo địa điểm và số lượng, chốt giá là giao đúng ngày, giờ, địa điểm cho khách. Đảm bảo uy tín”, một chủ quầy nói.

Long An sẽ cấm hoạt động chợ chim như thế nào?

Cuộc họp “Bàn về phương pháp quản lý, kiểm soát kinh doanh động vật hoang dã trên địa bàn H.Thạnh Hóa” vừa rồi đã chốt cách làm bài bản tiến đến đóng cửa chợ chim. Cuộc họp có sự tham dự của lãnh đạo Sở NN-PTNT, Sở Công thương, Chi cục Kiểm lâm, Công an tỉnh, UBND H.Thạnh Hóa, Cục quản lý thị trường… tỉnh Long An.

Theo đó, ông Phùng Anh Tuấn, Phó chủ tịch UBND H.Thạnh Hóa, đề xuất thu mua lại từ các tiểu thương tất cả các loài chim, rắn nằm trong danh mục cấm động vật rừng. Sau khi thu mua, chính quyền sẽ hỗ trợ kinh phí chuyển đổi nghề cho các tiểu thương, hộ kinh doanh. UBND H.Thạnh Hóa sẽ yêu cầu chủ đầu tư Chợ Nông sản - Trạm dừng chân Thạnh Hóa không cho phép chủ các gian hàng bán động vật trong khu vực chợ, ngoài trừ chuột đồng và gia cầm thông thường.

Ông Nguyễn Minh Lâm, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Long An đồng ý giải pháp đề xuất của UBND H.Thạnh Hóa và chỉ đạo Sở KH-ĐT phối hợp với Sở NN-PTNT và các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát lại chủ trương đầu tư Trạm dừng chân Thạnh Hóa và nếu cần thiết sẽ điều chỉnh để thực hiện theo phương án đề xuất của UBND H.Thạnh Hóa đối với tương lai của chợ chim.

Về vấn đề hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho các tiểu thương có nhu cầu, UBND tỉnh giao cho UBND H.Thạnh Hóa trực tiếp làm việc và thực hiện phù hợp theo nguyện vọng của bà con. “Tình trạng kinh doanh, buôn bán động vật hoang dã tại khu vực Trạm dừng chân Thạnh Hóa còn diễn biến rất phức tạp, không đảm bảo về môi trường, mỹ quan và các quy định pháp luật dẫn đến nhiều bức xúc của dư luận, cử tri và người dân trong suốt thời gian dài. Tình trạng này phải sớm được chấm dứt triệt để”, ông Nguyễn Minh Lâm nói.

Tiểu thương nói gì?

Sau khi nhận thông tin UBND tỉnh Long An cấm bán chim, động vật không có nguồn gốc tại chợ Nông sản - Trạm dừng chân Thạnh Hóa, các tiểu thương ở đây thấy cấm bán là phù hợp nhưng khá bối rối về nghề nghiệp trong tương lai.

Chim non được chủ hàng bơm thức ăn trực tiếp vào miệng

BẮC BÌNH

“Chợ chim này có từ khoảng 20 năm qua, trước kia chúng tôi dựng lều lụp xụp ven QL62 để bán hàng. Gần mặt lộ mưa nắng vậy chứ bán được nhiều lắm. Sản vật rừng hồi đó cũng dồi dào hơn, bán mỗi ngày gấp 3 - 4 lần so với bây giờ. Gần 2 năm về trước, tất cả bạn hàng bán chim đều bị chính quyền buộc phải vào khu vực Trạm dừng chân Thạnh Hóa thuê gian hàng bán. Mỗi tháng chi phí thuê mặt bằng, điện nước gần 5 triệu đồng mà bán không đắt khách như hồi bán ven QL62”, bà Lê Mỹ Tiên (47 tuổi, chủ gian hàng chim cảnh Mỹ Tiên) cho biết.

Chim nhồng bán về nuôi cảnh tại chợ chim có giá 1,2 triệu đồng/con.

BẮC BÌNH

Theo bà Tiên cũng như nhiều chủ hàng khác trong chợ chim, nếu chính quyền tỉnh Long An đồng ý mua lại số hàng hóa mà họ hiện có với giá cả hợp lý thì họ sẽ dừng bán. Nếu chính quyền chỉ cho bán các loại gà, vịt, cá thông thường thì họ rất khó có thể trang trải cuộc sống, chi phí mặt bằng. Bởi, hầu hết các khách hàng vào chợ đều có nhu cầu mua chim, rắn và từ đó mới thỉnh thoảng mua thêm cá đồng, mắm đồng, gà vịt…

Bà Nguyễn Thị Hương (57 tuổi, quê ở Tiền Giang), người bán tạp hóa và nước giải khát cuối chợ chim, cho biết nếu chính quyền tỉnh Long An không cho bán chim ở đây thì bà về quê Tiền Giang tìm việc khác. Theo bà, Trạm dừng chân Thạnh Hóa mà không có chim sẽ rất đìu hiu và khi đó có khả năng thu nhập từ việc bán nước giải khát, tạp hóa và quét chợ, trông giữ toilet công cộng của chợ mà bà đang làm cũng khó đủ chi phí cho bà sinh sống ở đây.

Tuy vậy, nhiều chủ hàng cho biết nếu cấm bán chim tại chợ, họ vẫn bám chợ bán những sản vật được phép để sinh sống.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.