Cho chúng tôi 2 cái nút

10/04/2019 05:00 GMT+7

Một hệ thống chính quyền điện tử sẽ là một kênh giám sát hữu hiệu với sự chuẩn xác đến lạnh lùng của máy móc, năng lực làm việc của mỗi công chức sẽ được trưng ra rành mạch bằng con số.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong vừa phải có văn bản chỉ đạo từ Sở TN-MT đến Q.9, Q.Bình Tân, H.Bình Chánh khẩn trương rà soát lại một trường hợp Báo Thanh Niên phản ánh - người dân bị ngâm 4 năm chưa xong 1 hồ sơ, bị hành “lên bờ, xuống ruộng”.
Nếu 17 - 18 triệu dân của Hà Nội, TP.HCM, mỗi người đều cần sự hỗ trợ của Chủ tịch TP để bớt bị hành, thì không biết chúng ta cần đến bao nhiêu ông chủ tịch? Mà thế thì trả lương cho bộ máy công chức hàng triệu người của đất nước để làm gì?
Mới đây, người viết có dịp trò chuyện với một vị thứ trưởng đã về hưu, ông cũng than “công chức bộ giờ vô cảm thật”, sự vô cảm mà sau khi mất đi quyền lực hành chính (tức đã về hưu), ông mới thấm thía hơn.
Trước kia, ai bị “hành” mà biết cửa ông để đến kêu, thì chỉ cần ông nói một câu là bao nhiêu “cái này quy định chưa nêu rõ”, “anh thiếu hồ sơ a, giấy tờ b” đều tự động rõ và đủ hết. Nhưng từ ngày ông về hưu, thì quy định lại... chưa rõ và giấy tờ a, thủ tục b lại chưa đủ.
Thân cũng từ công chức mà lên đến thứ trưởng, ông lại cũng phần nào... thông cảm với sự vô cảm của công chức. Lương ba cọc ba đồng, nhiệt tình lại bị dồn nhiều việc, cứ ì ra đấy vừa nhàn thân mà cuối cùng cũng chẳng sao. Bỏ phiếu, đánh giá thi đua thì năm một lần, mà toàn “đồng chí” bỏ cho nhau, chứ có dân nào được bỏ mà phải phục vụ, mà phải tươi cười niềm nở?
Hệ thống đánh giá công chức hiện nay chưa buộc họ phải ứng xử đúng phận sự. Người ta thoải mái ngâm hồ sơ, để lạc giấy tờ, ăn nói chỏng lỏn với dân mà chẳng làm sao cả. Dân đi kiện ư? Chẳng lẽ kiện từ cái thái độ không niềm nở? Mà kiện lên ai? Thế nên đi làm thủ tục hành chính phải... kén ngày, ra đường bước chân phải, phải trông đợi vào vận hên - ngày mát giời, công chức tâm trạng đang vui, thì rồi mới suôn sẻ được.
Sao cũng là những con người ấy, lớn lên trong xã hội ấy, trong nền giáo dục ấy, mà làm cho tư nhân khác hẳn, ở trong nhà nước khác hẳn? Câu trả lời ai cũng biết. Tất nhiên, không phải do cá nhân con người, mà do cái hệ thống mà họ được đặt trong đó. Một hệ thống người dân khó được giám sát, không có kênh để bày tỏ thái độ, để sự hài lòng của họ có thể quyết định số phận (trong hệ thống) của công chức, thì còn “trên nóng dưới lạnh”, có hô hào bao nhiêu cũng bó tay.
Một hệ thống chính quyền điện tử sẽ là một kênh giám sát hữu hiệu với sự chuẩn xác đến lạnh lùng của máy móc, năng lực làm việc của mỗi công chức sẽ được trưng ra rành mạch bằng con số.
Thế nhưng, trước khi có điều đó, cá nhân người viết nhiều năm nay có một ao ước bình dị là người dân có được sức mạnh của 2 cái nút: hài lòng - không hài lòng. Hai cái nút giản dị đó sẽ cho mỗi người dân sức mạnh của một công dân thực sự trước công chức hành chính, để họ mỗi lần tìm đến “công bộc” không phải chọn ngày đẹp trời.
Chả khó gì để có 2 cái nút này, chỉ cần một quyết tâm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.