'Chờ chút, sắp đi đến nơi rồi'

23/05/2018 11:15 GMT+7

Tun Phạm, vlogger được mệnh danh 'đanh đá nhất Việt Nam' đã không kiềm chế được cảm xúc trong một video kéo dài 1 phút 5 giây để nói về thói quen ' giờ cao su ' của nhiều bạn trẻ.

Video có một cái tên khá đáng yêu là “Xin đừng giờ cao su”. Trong đó, Tun Phạm đã nêu một hiện tượng quá phổ biến của nhiều người: đi trễ, nếu bị bạn bè giục, gọi điện hỏi xem đang ở đâu thì câu cửa miệng là “chờ chút, sắp đi đến nơi rồi”, nhưng thực tế phải chờ nửa tiếng, 45 phút nữa bạn đó mới có mặt.
“Tôi luôn sợ người khác phải chờ đợi mình và phật ý vì mình đến trễ. Hẹn 9 giờ thì 8 giờ 55 phút tôi đã có mặt. Thế nhưng, bạn tôi thì có người lúc nào cũng đi muộn. Nếu tôi gọi, luôn luôn nghe được câu 'chờ chút, tao đang đi'”, Nguyễn Thị Ngọc Linh, 27 tuổi, nhân viên ban truyền thông đa phương tiện tại Công ty V.T, đường Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ.
Theo Ngọc Linh chờ bạn một lần thì được, nhưng đến lần 3, lần 4 thì người ta sẽ không muốn hẹn hò, uống cà phê hay ăn trưa với bạn nữa, vì cảm giác không được tôn trọng.
Vũ Ngọc Đoan, 28 tuổi, cựu nhân viên phòng nhân sự Tập đoàn S.G, đường Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết cô từng bị một người bạn rất thân của mình giận bỏ về trong một cuộc hẹn và hai tháng sau mới nói chuyện vì cô thường xuyên để bạn phải chờ đợi mình.
“Tôi từng cố gắng làm cho xong công việc của mình rồi mới đi đến quán cà phê hay rạp chiếu phim, tôi đã vô tâm không nghĩ rằng thời gian đó bạn phải bỏ các việc khác để đến chỗ hẹn cho đúng giờ. Đó là một bài học để tôi điều chỉnh thói quen, gìn giữ các mối quan hệ của mình hơn”, Đoan nói.
Phạm Thị Hằng, 28 tuổi, thực tập sinh vừa học vừa làm tại Tokyo, Nhật Bản cho biết một trong những điều ý nghĩa cô học được ở Nhật đó là đúng giờ. “Đến muộn trong buổi học sẽ bị phạt. Muộn trong giờ làm càng phạt, phạt bằng tiền, rất nghiêm khắc. Xung quanh ai cũng đúng giờ, chỉ có mình trễ giờ, mình sẽ thấy tồi tệ vô cùng. Sang đây 2 năm tôi đã rèn được thói quen đúng giờ không sai buổi nào”.
Để bạn mình chờ đợi quá lâu trong quán cà phê là 1 nguyên nhân dẫn đến tình bạn rạn nứt Thúy Hằng
Chị Trần Thị Hậu, Trưởng phòng Marketing nhãn thời trang cao cấp Alys Fashion, diễn giả nhiều chương trình đào tạo kỹ năng sống, cho hay: "Bạn đi trễ 1 lần chưa có gì xảy ra, lần 2 cũng không có gì đặc biêt, không gây ảnh hưởng gì nghiêm trọng.  Song nhiều lần như vậy sẽ hình thành con người của bạn, thói quen của bạn. Những người đi trễ tự đánh mất uy tín của họ, lãng phí thời gian của bản thân và người khác. Có những thương vụ, hợp đồng không bao giờ được ký kết, có mối quan hệ không bao giờ tốt đẹp lên, và chỉ bản thân mới biết rằng mình tồi tệ lên mỗi ngày. Tôi từng đi trễ, từng đánh mất nhiều cơ hội, ngậm nhiều 'trái đắng', do đó tôi đã thay đổi".
Theo chị Hậu, các bạn trẻ cần phải lên kế hoạch làm việc và đến chỗ hẹn đúng giờ. "Nếu bạn là người hay lề mề hay cực kỳ chỉn chu trước khi ra khỏi nhà thì hãy cài đồng hồ hẹn trước một chút thời gian để chuẩn bị chu đáo. Hoặc nếu có việc bận đột xuất không đi được thì nên nhắn tin, gọi điện thông báo trước 10-15 phút để mọi người không phải chờ đợi mình. Thứ hai, nếu bạn là người đãng trí hay quên thì hãy lập cho mình một thời gian biểu khoa học và thường xuyên theo dõi nó để chắc rằng mình không bỏ quên các cuộc hẹn. Và bạn cũng nên dự trù thời gian để có thể hoàn thành công việc và những việc phát sinh thêm, tránh để quỹ thời gian của bạn bị quá tải. Thứ ba, hãy lập ra một số quy tắc nhóm để răn de, xử phạt bằng một hình thức nào đó đối với những người đi muộn. Cách làm này vừa có thể nhắc nhở bạn ý thức đúng giờ hơn vừa có thể giúp cho những người bạn của mình từ bỏ được thói quen đi trễ đó. Bạn muốn đạt được thành công trong cuộc sống thì việc đầu tiên cần làm đó là hãy biết quý trọng thời gian", chị Trần Thị Hậu tư vấn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.