Chợ Thiếc (Q.11, TP.HCM) thường được nhiều người gọi là chợ "cõi âm" vì bày bán vàng mã với số lượng lớn. 3 tuần nữa sẽ đến Tết Giáp Thìn, khách hàng đã đến tìm mua vàng mã về cúng ông bà, tổ tiên.
Bà Nữ Nương (67 tuổi), bán vàng mã tại chợ Thiếc hàng chục năm nay. Thời trước, bà ngoại của bà cũng theo nghề này. Những ngày này, bà và mọi người tất bật bán hàng vì đây là một trong những dịp khách đến mua đông nhất. Từ tháng 11, tháng 12 Âm lịch khách đã sắm vàng mã để đốt vào dịp tết.
"Những ngày này, tôi làm việc không nghỉ ngày nào, bán từ sáng đến tối. Có nhiều mẫu làm sẵn khách không thích nên tôi chờ họ đặt rồi vừa bán, vừa làm. Nhìn khách có vẻ đông nhưng nhìn chung năm nay bán rất ít, năm sau dịch Covid-19 còn không đến nỗi", bà Nữ Nương nói.
Cũng theo bà Nữ Nương, nhiều năm trước, dịp Tết Nguyên đán bà bán từ sáng đến đêm nhưng hiện tại tiệm đóng cửa trước 20 giờ tối. Vì đó là tình hình kinh tế chung của tất cả mọi người, mọi nhà nên bà chấp nhận vì mặt hàng này không phải thiết yếu, khách mua ít là điều dễ hiểu.
"Năm nay có công việc để làm là vui rồi, nhiều công nhân thất nghiệp còn phải về quê trước tết. Hàng vàng mã ai có tiền mới mua nhiều, khi nào dư giả mới mua nhiều về đốt. Hồi xưa, người ta cúng 7 phần gồm cúng thần tài, đất đai, giao thừa… nhưng giờ họ chỉ cúng một phần vào đêm giao thừa. Tùy thuộc vào hoàn cảnh, hồi xưa nhiều khách mua 1 triệu giờ chỉ còn 200.000 đồng", bà nói.
Bà Thanh (42 tuổi) cùng mẹ bán vàng mã tại chợ Thiếc. Nhiều tiểu thương tại khu chợ này đều là người gốc Hoa, nối nghiệp bán mặt hàng này từ bao đời nay. Sạp vàng mã của bà Thanh bán cả khách sĩ và khách lẻ.
"Nhang, quần áo, tiền giấy… là những loại được khách mua nhiều nhất. Gần đến ngày cúng ông Công, ông Táo khách đến mua đông. Trước đây, tôi nhập nhiều mẫu đa dạng, hiện đại nhưng giờ chú trọng vào những mẫu truyền thống, giá thấp, phù hợp với nhu cầu của khách trong năm kinh tế khó khăn này", bà bày tỏ.
Bà Nguyễn Thị Phương (50 tuổi, ở Q.11) tranh thủ những ngày trước tết đến mua vàng mã để tránh cảnh chen chúc, tấp nập. Từ 25 tháng Chạp, gia đình chị đã cúng mời ông bà về ăn tết nên phải chọn lâu mới đủ cúng những ngày tết. "Nhà tôi chỉ đốt những loại đơn giản, không bao giờ đốt nhà lầu, xe hơi. Thế hệ trước làm như thế nào giờ tôi học theo như vậy. Ngày tết không nhất thiết phải đốt nhiều nhưng trên bàn thờ tổ tiên phải có nhang đèn cho ấm cúng", bà Phương chia sẻ.
Chợ Thiếc là địa điểm nhiều người đến mua vàng mã
Tiểu thương chợ kẹo mứt xoay xở hút khách: Vừa nghĩ đủ kiểu tạo hình vừa bán online
Bình luận (0)