Cùng với chợ Hàn, chợ Cồn là điểm du lịch với bản sắc chợ truyền thống và đặc sản mà du khách “nhất định phải ghé” khi đến Đà Nẵng. Bên cạnh đó, chợ Cồn còn là nơi tập trung các đại lý hàng sỉ lớn, quy tụ các nhà buôn, đầu mối hàng hóa.
Năm 1985, chợ Cồn được đầu tư xây dựng và đổi tên thành Trung tâm thương nghiệp Đà Nẵng. Nhưng cả chục năm sau đó, người dân vẫn không quen với cái tên có phần xa lạ này. Cái tên “chợ Cồn” vẫn khắc sâu trong tâm khảm người Đà Nẵng nên sau năm 2000, đã có nhiều ý kiến trả lại tên chợ Cồn.
Năm 2012, HĐND TP.Đà Nẵng ra nghị quyết đổi tên Trung tâm thương nghiệp Đà Nẵng trở lại thành chợ Cồn. Điều này không chỉ chứng tỏ sức sống trường tồn mà còn khẳng định giá trị của chợ truyền thống trong đời sống người đô thị.
Đà Nẵng đang nỗ lực tìm cách đầu tư chợ Cồn theo hướng hiện đại với nhiều kỳ vọng phát triển kinh tế dân sinh, tạo cực tăng trưởng mới cho trung tâm đô thị cũ Hải Châu - Thanh Khê, nhưng qua khảo sát tiểu thương cho thấy, đa phần muốn giữ lại chợ Cồn thay vì xây mới trung tâm thương mại.
Việc lấy ý kiến tiểu thương cho thấy thành phố đã có hướng tiếp cận đúng, đặt tiểu thương làm chủ thể - người chủ thật sự của chợ. Điều này rất cần thiết để tránh lặp lại bài học “chủ quan, duy ý chí, thiếu thực tế” ở nhiều địa phương, nhất là ở nông thôn. Đó là đầu tư chợ mới hàng chục tỉ đồng nhưng tiểu thương không vào chợ vì chợ mới không phù hợp vị trí, phương án kinh tế của tiểu thương, thói quen mua sắm và nhất là thay đổi sự ổn định vốn rất cần cho kinh doanh.
Quan trọng hơn cả, dù nằm giữa trung tâm Đà Nẵng, chợ Cồn vẫn tồn tại trong văn hóa chợ của người thành thị với hàng trăm món đặc sản gắn liền xứ Quảng. Và ở góc độ du lịch, chợ Cồn có lẽ nên gìn giữ và phát triển bản sắc hơn là đầu tư trở thành trung tâm thương mại, loại hình mà nơi đâu cũng có thể xây dựng được.
Bình luận (0)