“Không ai tin là vợ chồng chúng tôi
biến bãi rác thành vườn rau được. Trước đây, nơi này um tùm cây chuối, ngập xà bần. Đúng vào lúc nghỉ ở nhà vì quy định
cách ly xã hội tránh dịch Covid-19, vợ tôi nói sao mình có đất mà không trồng rau đi. Thế là chúng tôi trồng. Bà con đi qua đây ai cũng nhìn, họ không bao giờ tin chúng tôi làm vườn được ở đất sỏi đá, giữa bê tông san sát thế này”, anh Nguyễn Bá Trình, chủ vườn rau rộng 273 mét vuông ở Khu dân cư ấp 5, Phong Phú, Bình Chánh (gần bến xe quận 8), TP.HCM chia sẻ.
Tự làm tất cả mọi thứ
Nhìn những luống rau được thiết kế ngay ngắn, tới hàng loạt những hộp trồng rau làm bằng khung sắt, bên ngoài ốp gỗ hay cả một ngôi nhà sàn nhỏ xinh ở góc khu vườn, không ai nghĩ đó đều do hai bàn tay của anh Nguyễn Bá Trình và chị Phạm Thị Anh Huyền, 31 tuổi, làm nghề
kinh doanh tại TP.HCM làm nên.
Nhiều bạn trẻ tới thăm quan khu vườn
|
Lối vào khu vườn tuyệt đẹp
|
Khu vườn xanh um tươi tốt sau 2 tháng
|
Trái siro trong vườn của anh Trình
|
Chị Huyền phụ chồng thiết kế vườn, lên ý tưởng, cùng chăm sóc. Trong khi đó anh Trình vốn là dân kỹ thuật, công việc chính là thiết kế thi công các công trình khung nhôm, kính làm các khâu còn lại.
Thời gian đầu, mỗi ngày anh Trình bỏ ra 10- 12 tiếng đồng hồ ngoài vườn. Họ có thêm sự giúp sức của một vài người anh trong gia đình để hoàn tất các khâu hoàn thành khu vườn từ bãi rác. Từ dọn dẹp rác,
mua đất từ Lâm Đồng về TP.HCM, trộn đất, làm luống, làm khung, giá trồng rau, và tự tay xây dựng căn nhà sàn..., mọi thứ mất tròn 1 tháng.
Khu vườn sử dụng tối đa thiết kế từ gỗ, tre nứa, lá dừa, tạo cảm giác gần gũi. Gỗ đóng thùng trồng rau và bàn ghế được anh tận dụng từ các tấm pallet xin được.
“Không ai tin tôi làm nhà sàn và bể cá phía dưới trong 5 ngày. Nhưng bạn thấy đấy, nó rất đơn giản, khung nhà bằng sắt, xung quanh có phên tre và lợp lá dừa nước”, anh Trình cho hay.
Anh Trình cho biết, một trong những bí quyết để vườn rau xanh tốt, phát triển nhanh như vậy đó chính là nhờ đất. Tổng cộng 60 mét khối đất được chở từ huyện Đức Trọng, Lâm Đồng về TP.HCM, vốn là đất đỏ màu mỡ, được trộn thêm với các loại phân gà, phân dê, trùn quế… nên rất tơi xốp. Trồng trọt theo hướng gần với tự nhiên nhất, anh Trình không dùng thuốc trừ sâu mà tự tay bắt sâu và ủ tỏi, gừng, sả để lấy nước, phun lên vườn rau tránh bị sâu bệnh. Tận dụng rau củ quả bỏ đi, vợ chồng anh cũng ủ ngay tại vườn để bón thêm cho rau.
Bài học sống gần thiên nhiên
Sau tròn 2 tháng cải tạo bãi rác thành vườn rau, đến nay “đứa con tinh thần” của chị Huyền, anh Trình xanh um tươi tốt, hơn 50 loại rau quen thuộc với
người Việt như muống, mồng tơi, cải, khổ qua (mướp đắng), đậu que, cà chua, dưa leo, bí ngô, bí ngòi, bầu, bắp cải, su hào, các loại rau thơm lên vùn vụt. Những dây trồng dưa lưới, dưa lê, dưa hoàng kim nặng trĩu, tròn căng. Rau ăn không hết, anh chị mang đi tặng bạn bè, người thân.
Dưa lưới, dưa hoàng kim sắp cho thu hoạch
|
Nhà sàn được làm xong trong 5 ngày
|
Trong vườn, hai vợ chồng cũng trồng thêm nhiều cây si rô sai trĩu trái, có thể ngâm đường thành thức uống giải nhiệt rất tốt mùa hè. Chị Huyền có lẽ thích nhất gian nhà sàn trong khu vườn, nơi mà cuối tuần anh chị em, các cháu trong gia đình có thể tập trung quây quần nấu nướng, vừa sống giữa thiên nhiên vừa thưởng thức các món ăn. Trong khi đó, góc mà anh Trình mê nhất là chiếc cổng hoa hồng đi vào. Tận dụng những thanh sắt được bạn cho, anh uốn thành cổng mái vòm, trồng nho và hoa hồng Đà Lạt xung quanh, sắp tới số hoa này vươn nở, khu vườn còn rực rỡ hơn nữa.
Từ ngày có khu vườn, thời gian rảnh của hai vợ chồng gần như dành hết bên vườn rau. Bây giờ khi đã quay trở về công việc ngày thường, anh Trình vẫn dành ra 4 tiếng đồng hồ để chăm sóc rau. Chị Huyền kể: “Sáng, từ 5 giờ, chồng tôi đã có mặt ở vườn để tưới hết chỗ rau, đến 7 giờ thì xong rồi về đi làm. Chiều, 5 giờ chiều cũng đã có mặt để tưới tắm, chăm sóc, cũng hơn 2 tiếng mới có thể hoàn thành. Chúng tôi không thích lắp đặt hệ thống tưới tự động vì sợ làm hỏng cảnh quan, và tưới tay mới có thể chăm sóc rau tốt hơn, bắt sâu, nhổ cỏ cho chúng”.
Chị Huyền, người cùng chồng làm nên vườn rau giữa thành phố
|
“Điều quan trọng nhất để làm nên khu vườn này đó chính là công sức. Vợ chồng chúng tôi tự tay thiết kế, dọn dẹp, trộn đất, làm luống, ươm cây, tưới tắm… Tiền mua đất, vật liệu hay giống cây có thể tính được, còn công sức thì không tính được. Nhưng đó cũng là niềm vui. Chúng tôi muốn dạy cho những đứa trẻ trong gia đình bài học về sức lao động, quy trình người nông dân làm ra cây rau, củ quả như thế nào và mong muốn chúng
lớn lên giữa thiên nhiên, thấy tâm hồn mình thư thái hơn”, anh Trình, người biến bãi rác thành vườn rau chia sẻ.
Bình luận (0)