Các hệ thống phân phối truyền thống, hiện đại vào cuộc
Theo đó, điều chuyển hàng hóa trực tiếp từ các tỉnh, thành vùng nguyên liệu dự kiến cung ứng cho chợ đầu mối Hóc Môn sang các chợ đầu mối Bình Điền và Thủ Đức; tăng năng lực tiếp nhận và phân phối hàng hóa của chợ đầu mối Bình Điền và Thủ Đức nhằm thay thế nguồn cung tạm thời giảm sút do chợ đầu mối Hóc Môn tạm ngừng hoạt động để thực hiện công tác phòng, chống dịch. Tăng cường thực hiện chương trình bán hàng lưu động nhằm cung cấp hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của người dân trên địa bàn.
Ngoài ra, Sở chỉ đạo tăng cường nguồn cung từ các hệ thống phân phối hiện đại và doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn thị trường để bổ sung nguồn hàng hóa tạm thời bị giảm; nghiên cứu phương án giao hàng trực tiếp đến các chợ truyền thống hoặc tổ chức các điểm bán buôn với giá sỉ để phân phối, cung ứng hàng hóa cho tiểu thương chợ truyền thống; xây dựng phương án tiếp nhận và phân phối hàng hóa đột xuất trong trường hợp hàng từ chợ đầu mối chưa thể phân phối kịp thời đến các chợ truyền thống, các điểm bán.
|
Với các hệ thống phân phối hiện đại, Sở đề nghị rà soát lại năng lực cung ứng mặt hàng thịt heo và rau củ quả của đơn vị; chủ động liên hệ với các đơn vị cung ứng để tính toán nâng cao khả năng cung ứng hàng hóa của các nhà cung cấp, có kế hoạch dự phòng nâng khả năng cung ứng của đơn vị ở mức cao nhất. Đặc biệt, nghiên cứu phương án tiếp nhận hàng hóa đột xuất từ các địa phương chuyển về, khả năng tiếp nhận, thông tin các kho bãi... và báo cáo về Sở Công thương để chủ động liên hệ, điều phối.
|
Với tiểu thương chợ truyền thống mua hàng hóa từ chợ đầu mối Hóc Môn, Sở yêu cầu khảo sát nhu cầu tìm kiếm hoặc chuyển đổi nguồn cung thay cho nguồn hàng cung cấp từ chợ đầu mối Hóc Môn. Trong trường hợp thương nhân tại chợ có nhu cầu lấy hàng từ các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn thị trường, đơn vị quản lý chợ tổng hợp, thông tin cho Sở để kết nối, đảm bảo duy trì ổn định nguồn cung hàng hóa.
Sẽ xử lý nghiêm hành vi tăng giá
Sở Công thương đề nghị UBND huyện Hóc Môn tổ chức điểm tập kết hàng hóa từ chợ đầu mối Hóc Môn, theo đó, bố trí 1 - 2 vị trí đất trống để có thể chuyển hướng hàng hóa tại chợ đầu mối sang khu vực này trong trường hợp khẩn cấp. Yêu cầu đối với khu vực tập kết hàng hóa tạm thời là ưu tiên các khu vực đất trống có kết nối giao thông thuận lợi, đảm bảo có xe vận chuyển hàng hóa ra - vào chợ được thuận tiện.
Song song với phương án điều tiết hàng hóa từ việc chợ Hóc Môn tạm dừng tập kết giao hàng trực tiếp, chiều 27.6, Sở Công thương cũng có công văn 3249 gửi Sở Công thương các tỉnh thành thông tin về việc tạm dừng các hoạt động tập kết giao hàng trực tiếp tại Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn để thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 kể từ 0 giờ ngày 28.6.2021 đến ngày 4.7.2021. Để hoạt động lưu thông hàng hóa từ các tỉnh thành vào chợ Hóc Môn được đảm bảo thông suốt, không ùn ứ, Sở Công thương TP.HCM đề nghị Sở Công thương các tỉnh thành hỗ trợ, thông tin đến thương nhân trên địa bàn chủ động trao đổi, thống nhất với thương nhân kinh doanh, đối tác tại chợ Hóc Môn về hình thức vận chuyển, phương thức điều phối giao, nhận hàng hóa phù hợp. Đặc biệt, công văn cũng ghi rõ số điện thoại và đơn vị trực tiếp tiếp nhận thông tin từ các tỉnh gồm Ban quản lý 3 chợ đấu mối và phòng quản lý thương mại Sở Công thương TP.HCM.
Chợ đầu mối Hóc Môn tại TP.HCMLượng khách mua sắm đến chợ 12.000 lượt/đêm.
Lượng hàng hóa trung bình trước dịch Covid-19 là 2.500 - 2.700 tấn/đêm, gồm 3 ngành hàng: thịt gia súc, rau củ quả, trái cây (trong đó: ngành hàng rau củ quả, trái cây: khoảng 2.400 tấn/đêm; ngành hàng thịt heo: 300 tấn/đêm).
Phạm vi phục vụ: hàng hóa được cung cấp cho các chợ truyền thống, các khu công nghiệp, siêu thị thuộc TP.HCM, các tỉnh lân cận.
Lực lượng lao động: khoảng 280 thương nhân, lao động thường xuyên làm việc tại chợ khoảng 4.500 người.
|
Bình luận (0)