Thay đổi nhân sự của ông Troussier
Đội tuyển bóng đá Việt Nam sẽ trở lại hành trình chinh phục chiếc vé lọt vào vòng loại thứ 3 World Cup 2026 khu vực châu Á bằng 2 trận đấu mang tính sống còn với đội tuyển Indonesia vào ngày 21.3 tại sân Gelona Bungkarno (Jakarta) và ngày 26.3 tại sân Mỹ Đình (Hà Nội).
Trong bảng đấu có 4 đội mà đội tuyển Iraq đã thể hiện đẳng cấp cao hơn để có nhiều lợi thế giành vé đầu và đội tuyển Philippines gặp chút bất lợi khi khó tranh 2 ngôi vị cao nhất bảng đấu, cuộc so tài trực tiếp giữa 2 đội tuyển Việt Nam và Indonesia sẽ góp phần quyết định đội nào giành suất thứ hai trong bảng lọt vào vòng loại thứ 3.
Với những gì diễn ra tại Asian Cup 2023 và với việc đội tuyển Indonesia nhập tịch ồ ạt, đặt ra bài toán khó cho bóng đá Việt Nam. Đối thủ thực sự thay đổi khi có thêm dòng máu mới, chủ yếu là những cầu thủ to cao, có trình độ tương đối khá đến từ châu Âu đã nâng chất sức mạnh đội hình. Cách họ tiếp cận trận đấu một cách chủ động và dùng thể lực, lối đá không ngại va chạm "tra tấn" đội tuyển Việt Nam, pressing liên tục đã gây khó rất nhiều cho các học trò ông Troussier. Nhìn cách mà các tuyển thủ chúng ta lúng túng, loay hoay khi đối đầu với Indonesia trên đất Qatar và sắp tới đội bóng này còn tăng cường mạnh hơn nữa, rõ ràng đội tuyển Việt Nam sẽ gặp vô vàn khó khăn. Nếu không thay đổi từ con người đến cách chọn lối đá tinh tế hơn, hiệu quả hơn, chúng ta sẽ rất khó đối phó với một đối thủ đang sẵn sàng "bóp nghẹt" chúng ta lần nữa.
Hiểu được sức mạnh của đối phương để chúng ta biết cần phải làm gì cho 2 trận sắp tới - hai trận vô cùng quan trọng có ý nghĩa tiên quyết với bóng đá Việt Nam thời điểm này. Tổng thư ký Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) Dương Nghiệp Khôi từng nói: "Chúng tôi sẽ ngồi lại với ông Troussier để rút ra những bài học từ Asian Cup, nhằm đưa ra giải pháp đủ sức đánh bật lại đội tuyển Indonesia vào tháng 3 tới. Những khiếm khuyết đã xảy ra, nhất là những lỗi cơ bản, nhất định không để lặp lại. Về trình độ tuy họ có tiến bộ nhưng nếu đội tuyển Việt Nam đá đúng sức chúng ta không hề thua kém, nhất là khi có sự trở lại của các trụ cột. Chỉ cần tỉnh táo và có tâm lý vững vàng, chúng ta đủ khả năng đánh bại họ".
Nói như lãnh đạo VFF rõ ràng cần có sự trở lại của các trụ cột. Nhưng vấn đề là ông Troussier có cần họ hay không, và cách sử dụng nhân sự của ông thầy người Pháp khiến cầu thủ mất động lực, cũng là vấn đề mà VFF phải ráo riết giải quyết. Vẫn biết việc lựa chọn lực lượng và đội hình ra sân của từng trận đấu là quyết định của HLV trưởng, nhưng một đội hình mà không có những trụ cột có bản lĩnh và kinh nghiệm thi đấu, một đội hình không tập hợp nhiều cầu thủ tốt nhất, có phong độ ổn định và tâm lý vững vàng nhất, một đội hình mà nhìn đâu cũng thấy lỗ hổng chiến thuật và chậm xoay trở với các tình huống trên sân thì làm sao có thể tiêu biểu, đại diện cho quốc gia để "đem chuông đi đánh xứ người".
VFF cần phải làm cho ông Troussier thay đổi trước hết là nhân sự. Nếu ông dùng đầy đủ những cầu thủ tốt nhất có cách chơi tốt nhất mà nếu chưa được như ý thì người hâm mộ còn có thể hiểu được và cũng khó trách cách dùng binh của ông. Nhưng nếu tiếp tục lấy quá nhiều những gương mặt còn quá trẻ và chỉ là dự bị ở các đội bóng V-League vào đội tuyển rồi giao họ đá chính, xây dựng một đội hình khập khiễng như nhiều trận mà ông cầm quân đã qua thì ông Troussier không chỉ kéo lùi thành tích của đội tuyển mà còn làm hình ảnh của bóng đá Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Đá với đội tuyển Indonesia kiểu gì?
Lối chơi kiểm soát bóng mà ông Troussier đang xây dựng cho đội tuyển Việt Nam không sai vì đó là xu hướng của thế giới. Rất nhiều đội thành công khi áp dụng cách đá này để kiểm soát cục diện, áp đặt đối thủ và tạo thế chủ động, buộc đối phương bị cuốn vào cách lên bóng của mình, từ đó mất phương hướng và bộc lộ sai lầm.
Nhưng muốn chơi cách này một cách thuần thục thì trước hết phải có những con người đủ trình độ kỹ thuật và tư duy chơi bóng sắc sảo để triển khai thế trận một cách nhanh nhạy và điều tiết, tổ chức bóng một cách hợp lý. Và muốn như thế, tuyến giữa phải có những bậc thầy kỹ thuật cũng như 2 biên phải là những cầu thủ toàn diện cả công lẫn thủ, có nền tảng thể lực dồi dào. Một điểm nữa là đá kiểm soát bóng thì bao giờ cũng cho thấy ở các vị trí chiến thuật trên sân bao giờ cũng phải đông người hơn, cự ly gần hơn và mối liên kết mạnh mẽ hơn. Đội tuyển Việt Nam hiện nay chưa làm được như vậy, làm sao có thể đá kiểm soát bóng trước mọi đối thủ.
Thế nên nếu máy móc đá kiểm soát bóng trước đội tuyển Indonesia như vừa qua rõ ràng là tự đặt mình vào áp lực rất khó chơi. Khi đối thủ dâng lên đá áp sát, bịt kín không gian, không cho cầu thủ Việt Nam có thời gian điều khiển quả bóng chứ nói chi đến suy nghĩ để triển khai lối đá. Và một khi đã khó chơi rồi thì cũng có nghĩa tự cột chân mình vào những bất ổn tâm lý. Nói như chuyên gia Đoàn Minh Xương, chúng ta phải thức thời hơn, phải biết đối thủ muốn gì để chúng ta xây dựng cách đá phù hợp, phải bình tĩnh và không nôn nóng để bị cuốn vào cách đá của đối thủ, vừa phá sản cách chơi đã gây dựng mà cũng chẳng biết đối phó ra sao khi bị động về chiến thuật.
Cách tốt nhất vẫn là kiểm soát bóng trên nền tảng phòng ngự phản công. Phải tổ chức hàng thủ lại cho tốt, phải đưa những nhân sự hay nhất vào tuyến giữa. Cần thiết thì giải phóng bớt 1 trung vệ, chuyển thành tiền vệ phòng ngự từ xa. Hiện nay nhiều đội đá kiểm soát bóng đã bắt đầu trở lại với khuynh hướng 4 hậu vệ. Khi đội hình trở nên chắc chắn, các mắt xích chặt chẽ, hạn chế tối đa các tình huống sai sót cá nhân và phạm lỗi không cần thiết, việc tổ chức lối chơi sẽ nhịp nhàng và khoa học hơn, sẽ khó làm cho đội tuyển Indonesia áp đặt được cách chơi của họ như tại Asian Cup vừa qua.
Bình luận (0)