Bộ máy của liên đoàn hiện có 11 ban chức năng, rất có thể một số ban chức năng sẽ được sáp nhập để tinh gọn lực lượng, tập trung làm việc hiệu quả hơn. Theo dự kiến ban bóng đá chuyên nghiệp và ban chiến lược có thể sẽ nhập lại thành ban chuyên môn vì thực tế vai trò của 2 ban này có nhiều điểm tương đồng. Bóng đá Việt Nam trong quá trình đi lên dĩ nhiên bắt buộc phải được chuyên nghiệp, không chỉ ở 2 giải đấu V-League và hạng nhất mà còn phải đồng bộ hóa ở nhiều hoạt động khác nhằm mục đích phát triển bóng đá Việt Nam, nâng tầm vị thế không chỉ trong khu vực và châu lục, mà còn lan tỏa ra thế giới. Đó cũng là mục tiêu mà chiến lược bóng đá Việt Nam phải hướng đến để xây dựng một nền bóng đá Việt Nam thực sự ổn định, lành mạnh, tiến bộ, phấn đấu giữ vững vị trí trong top 10 châu Á. Chính vì thế việc sáp nhập này là phù hợp với đặc điểm chung của bóng đá Việt Nam.
Ban chấp hành mới của VFF cần được trao nhiều cơ hội làm việc để góp phần xây dựng ổn định và phát triển bóng đá Việt Nam |
VFF |
Với các ban chức năng khác như ban bóng đá phong trào, ban tài chính vận động tài trợ, ban truyền thông và đối ngoại, ban y học thể thao, ban bóng đá nữ, ban tư cách cầu thủ, ban trọng tài về cơ bản vẫn giữ nguyên hoặc cũng có thể được Ban chấp hành VFF xem xét thêm, nhưng giá mà có thêm ban thi đấu thì Liên đoàn bóng đá Việt Nam sẽ xây dựng được một mũi nhọn đáng kể, tăng thêm hoạt động thi đấu một cách ổn định, có hệ thống các giải đấu một cách chắc chắn và kịp thời giải quyết các vấn đề liên quan và phát sinh của bóng đá Việt Nam. Ngay Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) còn có Ban thi đấu mà chính do chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn làm trưởng ban thì cớ gì Liên đoàn bóng đá Việt Nam lại không thể có ban thi đấu, hoặc chí ít phải tăng thêm chức năng của ban chuyên môn thành ban chuyên môn thi đấu của bóng đá Việt Nam.
Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn đồng thời là Chủ tịch ủy ban thi đấu của Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) |
VFF |
Theo quy định thì các ủy viên Ban chấp hành vừa được đại hội Liên đoàn bóng đá Việt Nam bầu sẽ được phân công vào nắm vai trò quản lý các ban chức năng này (trừ một vài ban trong đó có ban trọng tài thì nhân sự phải độc lập, không phải là ủy viên ban chấp hành). Có thể là trưởng hoặc phó ban để trực tiếp chỉ đạo, theo dõi từ đó có những định hướng tích cực để phát triển hoạt động bền vững của ban mình và góp sức cho sự phát triển của bóng đá Việt Nam. Nên chăng VFF cần chuyên nghiệp hóa một số nhân sự cho vài ban chức năng quan trọng, tạo điều kiện cho các ủy viên ban chấp hành phát huy vai trò nhiều hơn, được làm việc nhiều hơn, gắn bó sâu sát hơn thay vì chỉ một năm vài lần họp đóng góp cho có lệ rồi thôi. Chắc chắn những nhân sự trong bộ máy mới sẽ rất muốn làm việc, muốn được cống hiến, nên cần phải tạo điều kiện tối đa chứ không nên chỉ phân công một cách hình thức rồi đâu lại vào đấy.
Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng (giữa) đã giao nhiệm vụ cho VFF phải xây dựng một bộ máy mạnh, chuyên nghiệp, đoàn kết, có tính chuyên môn cao để phát triển mạnh mẽ bóng đá Việt Nam |
VFF |
Một trong số các vấn đề mấu chốt nữa là chọn thêm một ủy viên thường trực trong số các ủy viên Ban chấp hành để hỗ trợ cho bộ tứ lãnh đạo đã có là chủ tịch Trần Quốc Tuấn, phó chủ tịch Trần Anh Tú, Nguyễn Trung Kiên, Nguyễn Xuân Vũ. Ủy viên thường trực này phải là người làm chuyên môn, phải do VFF quản lý và nên độc lập với các đội bóng. Bởi ủy viên thường trực đó phải có chính kiến khách quan để tư vấn cho bộ tứ lãnh đạo và đủ sức phối hợp một cách công bằng với tất cả các ủy viên ban chấp hành khác. Chứ nếu là một nhân sự của CLB tham gia vào vai trò này thì tiếng nói sẽ rất dễ bị tác động và các tổ chức thành viên, người hâm mộ sẽ cảm thấy đó không phải là đại diện thực sự mà họ mong đợi.
Bình luận (0)