Chợ du lịch Bến Thành vắng bóng khách

22/02/2020 08:17 GMT+7

Vắng du khách, thưa thớt người mua hàng khiến chợ Bến Thành tại trung tâm TP.HCM vốn luôn sầm uất nhộn nhịp bỗng trở nên đìu hiu.

“Vắng lắm, ế lắm”

Từ 10 giờ sáng đến gần 12 giờ trưa vốn là khoảng thời gian đông đúc tại các đường xung quanh bốn cửa chợ Bến Thành (Q.1, TP.HCM) nhưng hôm qua 21.2 thưa thớt bóng người. Khu vực cửa Đông luôn tấp nập người mua kẻ bán cũng như các phương tiện chuyên chở hàng hóa ra vào thường xuyên vắng lặng. Cả một con đường chìm trong im lặng dường như thuộc một khu phố bình yên nào cách xa trung tâm. Tương tự, phía cửa Tây cũng thi thoảng mới có vài ba người khách đi ngang qua khiến bãi giữ xe đối diện luôn có nhiều chỗ trống thay vì chen kín các chiếc xe máy như trước.

Nhìn lại tròn 1 tháng Việt Nam chống lại dịch bệnh Covid-19

Tình trạng vắng khách thể hiện rõ nhất ở hai trục đường chính nối 4 cửa vào chợ. Nếu như ngày thường, dù đến nơi này vào bất kỳ giờ nào trong chợ Bến Thành cũng dễ dàng thấy được cảnh tấp nập người mua, người bán và rất đông du khách nước ngoài. Thế nhưng hiện nay, ngay cả hai trục đường chính này cũng thưa người, thỉnh thoảng mới bắt gặp 1 - 2 du khách đi ngang. Vắng đến nỗi có thể đứng từ cửa Tây nhìn thấy rõ được người ở cửa Đông - điều mà ngày thường sẽ không bao giờ có được.

Khách nước ngoài nói gì khi đến Việt Nam du lịch giữa lo ngại dịch Covid-19?

Hầu hết các tiểu thương tại chợ đều than, kể từ khi dịch bệnh Covid-19 lan truyền, lượng khách đến tham quan và mua sắm giảm mạnh, thậm chí có quầy doanh thu sụt giảm đến 80 - 90%. Chị Loan, bán sạp vải nhỏ số 469 cửa Đông, nói nếu trước kia bán được 10 khách thì nay chỉ được 1 khách. “Thậm chí có nhiều ngày không bán được cái nào, mở sạp ra từ sáng đến chiều chỉ ngồi chơi không. Nhưng mà thuế, hoa chi và tiền thuê người giúp dọn hàng lên gần 4 triệu đồng/tháng vẫn phải trả đủ. May mà sạp của mình nên không tốn thêm tiền thuê chứ không thì chết. Chỗ nào trong chợ cũng vắng khách như nhau”, chị Loan chia sẻ và lo lắng, mới nghe thông tin các tiểu thương chợ An Đông làm đơn xin được giảm thuế nhưng tại chợ Bến Thành chưa có ai đứng ra tập hợp tiểu thương cùng làm đơn. Nếu có, chị cũng sẽ tham gia vì được giảm thuế thì tiểu thương mới có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Buôn bán đã gần 50 năm tại chợ Bến Thành, bà Phụng, chủ quầy mỹ phẩm Loan Phụng, chia sẻ việc buôn bán đã giảm hơn 70% trong nhiều ngày qua. Chưa bao giờ bà thấy tình trạng vắng khách diễn ra tại chợ quá thê thảm như hiện nay. Có ngày chỉ bán được cho 1 khách nhưng cũng có ngày không có khách nào hỏi thăm. Đặc biệt, có những quầy sạp chuyên bán các loại quần áo, giày dép túi xách cho khách du lịch thì nay hầu như chỉ ngồi không. Bà vẫn còn may hơn những quầy khác vì đây là sạp của nhà, hàng hóa là mỹ phẩm, phần lớn ngày thường cũng bán cho khách trong nước nên khi có nhu cầu thì khách vẫn ra mua. Bà Phụng chỉ về một sạp hàng đối diện trên đường chính cửa Đông đang đóng cửa và nói: “Ế lắm em ơi. Cả ngày không có khách. Có quầy sau tết mới mở cửa bán hơn 1 tuần nhưng ế quá nên đóng cửa nghỉ mấy ngày nay rồi. Cả ngày ngồi chơi không cũng chán nên họ nói nghỉ để phòng tránh bệnh dịch luôn. Còn các sạp càng lớn chuyên bán hàng cho du khách nước ngoài mà phải trả tiền thuê cả chục triệu đồng mỗi tháng hoặc hơn, rồi thuê thêm người phụ bán mà cứ không có khách kiểu này là chết. Nếu tình trạng này kéo dài thì chắc phải đóng cửa, trả sạp chứ chịu gì nổi. Tôi nhớ hồi có dịch SARS cũng đâu đến nỗi vắng như thế này”.
Chợ du lịch Bến Thành vắng bóng khách1

Ảnh: M.Phương

Cũng là người đã kinh doanh buôn bán tại chợ Bến Thành hơn 50 năm qua, bà Cúc, chủ sạp túi xách Ngọc Hạnh và sạp kẹp tóc cho trẻ em Thanh Cúc, nhấn mạnh tình trạng thưa khách, không có khách hàng là chuyện chung của cả chợ hiện nay chứ không riêng sạp nào hay ngành hàng nào. Thậm chí có nhiều ngày dù các sạp nằm ở mặt tiền trục đường chính mà cũng không bán được món mở hàng. Với 2 sạp tổng cộng có đến 6 người bán (bao gồm cả bà và con gái) thì mỗi ngày chi phí các loại lên gần cả triệu đồng. Nếu không bán được thì theo bà Cúc cũng phải cắn răng gánh chịu vì “tình hình chung giờ biết phải làm sao”.

Hành trình Việt kiều Mỹ nhiềm Covid-19: Mỹ - Vũ Hán - Việt Nam

Đến quầy ăn uống, đồ khô cũng đìu hiu

Ế lắm em ơi. Cả ngày không có khách. Có quầy sau tết mới mở cửa bán hơn 1 tuần nhưng ế quá nên đóng cửa nghỉ mấy ngày nay rồi

Bà chủ quầy mỹ phẩm Loan Phụng (chợ Bến Thành)

Không chỉ ở các quầy quần áo, túi xách, vải vóc chịu cảnh vắng khách mà đến tận khu vực ăn uống, quầy bán trái cây, bánh kẹo... cũng đều chịu chung cảnh thưa thớt người. Hầu như người nào khi được hỏi về tình hình mua bán lúc này cũng đều lắc đầu: “Ế lắm, kéo dài kiểu này hoài chắc chết!”. Chủ một quầy sinh tố tại khu vực ăn uống chia sẻ những ngày qua lượng bán ra ít thê thảm. Không chỉ thiếu du khách nước ngoài mà khách trong nước, người đi chợ cũng thưa hẳn. Chỉ có buổi sáng một số người dân ở gần đi chợ mua đồ ăn hằng ngày như cá thịt, rau quả... thì còn thấy đông chứ sau đó thì vắng dần. “Ngay cả dân mình giờ cũng bớt đi chợ vì họ nói sợ bị lây bệnh. Cả những người bán hàng ở chợ vì ế quá nên việc ăn thêm ly chè, uống ly sinh tố trong ngày cũng bỏ hẳn. Nói chung buôn bán ế ẩm nên ảnh hưởng dây chuyền hết chị ơi”, một chủ sạp nói.

TP.HCM đề xuất cho cả nước nghỉ học hết tháng 3, Bộ Y tế nói gì?

Theo anh Cường, quản lý bãi giữ xe đối diện cửa Tây chợ Bến Thành, chưa bao giờ chợ ít khách như hiện nay. Điều này khiến bãi xe của anh ngày thường giữ hơn 200 xe máy thì nay chỉ còn khoảng 70 - 80 xe. Chỉ có hai ngày cuối tuần thì nhiều hơn, lên gần 100 xe. “Chỉ sợ dịch bệnh chết đâu chưa thấy thì đã chết trước vì đói nếu kiểu này kéo dài. Bởi chỗ tôi có 6 người phụ giúp giữ xe từ xưa đến nay thì không thể cho họ nghỉ vì cũng tội nghiệp, nghỉ rồi lấy gì ăn. Mà nếu mình gồng hoài thì thu vào không đủ chi ra”, anh Cường tâm sự.
Theo ông Đỗ Hòa, chuyên gia về tư vấn chiến lược, trong tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện nay vẫn còn diễn biến phức tạp thì các chợ truyền thống chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng lớn. Bởi nhiều người tiêu dùng đã hạn chế đến nơi đông người, nhất là chợ với đủ loại hàng hóa, kể cả hàng tươi sống nên dễ có nguy cơ lây nhiễm cao hơn. Đồng thời khách du lịch đến TP.HCM cũng giảm mạnh nên doanh số bán hàng của các quầy sạp ở chợ Bến Thành tụt xuống là dễ hiểu. Do đó trong tình hình hiện nay, các tiểu thương cần chủ động sáng tạo để thích ứng và vượt qua khó khăn. Chẳng hạn như chuyển sang bán qua mạng song song với bán trực tiếp ở chợ, tăng thêm hình thức thanh toán không dùng tiền mặt để người mua hàng yên tâm hơn, tránh tiếp xúc với tiền mặt nhiều...
“Giải pháp bán hàng qua mạng cần phải có nhiều kỹ năng như bán hàng, marketing online nên đôi khi những người lớn tuổi quen cách bán trực tiếp ở chợ truyền thống sẽ gặp khó. Nhưng dịp này có thể nhờ con cháu phụ giúp để mở rộng lượng bán hàng, bù đắp phần nào khi lượng bán trực tiếp bị giảm. Hoặc lúc này cũng nên trang bị thêm các máy cà thẻ, thanh toán qua ví điện tử để khách mua hàng sử dụng nhiều hơn, tránh trao đổi qua lại bằng tiền mặt vì nhiều người sẽ thấy không yên tâm khi cầm tiền mặt trong tay”, ông Đỗ Hòa nhấn mạnh.
Tiểu thương chợ An Đông xin giảm thuế
Ngày 19.2, đại diện hơn 2.000 chủ sạp đang có hoạt động kinh doanh tại chợ An Đông (P.9, Q.5, TP.HCM) đã ký và gửi đơn xin giảm thuế lên lãnh đạo UBND Q.5. Đơn xin giảm thuế nêu rõ: Tập thể tiểu thương chợ An Đông xin giảm thuế vì doanh thu sụt giảm trầm trọng do dịch Covid-19 gây ra. Cụ thể, từ ngày mở chợ bán lại sau Tết Nguyên đán đến nay, đa số các quầy sạp không bán được hàng hóa, mãi lực tại chợ gần như bằng 0. Rất nhiều sạp mở bán nhưng 3 ngày, 5 ngày, 7 ngày, thậm chí từ ngày khai trương đến nay không bán được mặt hàng nào. Theo đó, tiểu thương thỉnh cầu các cấp lãnh đạo Q.5 “xem xét giảm 50% thuế hằng tháng trong thời gian từ 3 - 6 tháng (bắt đầu tính từ tháng 2.2020) cho toàn bộ tiểu thương đang kinh doanh tại chợ”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.