Chờ hiệu ứng tích cực từ hàng không

17/06/2022 04:37 GMT+7

Trái với những dự đoán dè dặt về sự phục hồi của thị trường sau đợt dịch thứ 4, hàng không VN đã tăng trưởng đáng kinh ngạc như chiếc lò xo bị nén căng vì Covid-19 nay bật mạnh trở lại.

Theo công bố của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), VN đứng số 1 trong 25 nước có thị trường hàng không nội địa phục hồi nhanh nhất thế giới.

Lượng khách nội địa tăng đột biến so với năm 2021 khiến các sân bay từ cao điểm dịp lễ 30.4 tới nay luôn đầy ắp khách, thậm chí quá tải. Theo đại diện Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, sản lượng vận chuyển đang có sự tăng trưởng ngoạn mục nhờ nhu cầu đi du lịch của người dân tăng cao, gần như ngày nào cũng là cao điểm. Những ngày cuối tuần, Nội Bài ghi nhận tới 95.000 lượt khách/ngày với hơn 600 lượt chuyến, cao tương đương với cao điểm hè 2019; nếu chỉ tính riêng khách nội địa thì tăng tới 30 - 35% so với 2019.

Dự kiến cả năm 2022, lượng khách thông qua các cảng hàng không trên cả nước đạt 87,8 triệu khách, tăng 190% so với năm 2021. Con số ấn tượng này cũng là chỉ dấu cho thấy tốc độ phục hồi tích cực của du lịch nội địa, lấp khoảng trống đáng kể khi thị trường du lịch quốc tế mới chỉ nhen nhóm hồi phục. Doanh thu 5 tháng đầu năm ngành du lịch đạt tới 5.800 tỉ đồng, tăng hơn 34% so cùng kỳ năm ngoái.

Dẫu vậy, đà phục hồi nhanh của hàng không đang vấp phải quá nhiều rào cản cả cũ lẫn mới, đặc biệt là giá xăng dầu tăng mạnh khiến chi phí nhiên liệu của các hãng tăng vọt tạo “lỗ kép”, chưa kể các tác động phụ như thiếu nhân lực do giai đoạn đóng băng giữa năm 2021. Thị trường quốc tế, nơi từng mang lại hơn 60% doanh thu cho các hãng hàng không VN, vẫn đang chật vật để trở lại mốc trước dịch năm 2019...

Đặc biệt, căn bệnh thâm niên về quá tải hạ tầng tiếp tục lộ rõ khi mùa cao điểm bắt đầu. Đằng sau hình ảnh những sân bay đông kín là nỗi khổ triền miên của hành khách vì hãng bay delay, hủy chuyến liên tục, thời gian chờ đợi kéo dài hàng giờ đồng hồ ở sân bay, ùn tắc từ khâu xếp hàng check in đến lúc phải bay vòng trên trời chờ slot hạ cánh... Trong khi đó, lời giải về hạ tầng vẫn đang nợ từ năm này sang năm khác. Ngoài 2 dự án nâng cấp, sửa chữa đường băng Nội Bài, Tân Sơn Nhất về đích muộn, hàng loạt kế hoạch xây mới nhà ga quốc tế T2 Tân Sơn Nhất, T3 Nội Bài vẫn đang treo lại.

Đạt được vị trí số 1 về tăng trưởng đã khó, giữ được đà tăng trưởng bền vững còn khó hơn. Nếu 1 - 2 năm trước người ta nhắc nhiều đến câu chuyện “giải cứu” ngành hàng không kiệt quệ vì Covid-19, thì hiện nay hàng không cần nhiều hơn thế từ sự trợ lực về chính sách của nhà nước. Không chỉ là các giải pháp tình thế như giảm thuế phí trong 6 tháng đến 1 năm, mà cần nhanh chóng đầu tư, nâng cấp cải thiện hạ tầng; các giải pháp tổng thể để kích cầu cả hệ sinh thái hàng không - du lịch - dịch vụ đi kèm; các chương trình xúc tiến dài hạn, mở rộng phạm vi “hộ chiếu vắc xin”, chính sách miễn visa... Có như vậy, hàng không VN mới giữ được vị trí tăng trưởng top 1 thế giới về dài hạn trong tương lai, tạo hiệu ứng tăng trưởng chung cho cả nền kinh tế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.