Chợ Hóc Môn, Thủ Đức ráo riết lập điểm trung chuyển

12/07/2021 19:14 GMT+7

Thêm nhiều chợ truyền thống tại TP.HCM bị phong tỏa hoàn toàn, áp lực mua sắm cho người dân càng lớn. Các chợ đầu mối ráo riết bố trí chỗ tập kết hàng trung chuyển về siêu thị, chợ dân sinh.

Nhiều chợ dân sinh tiếp tục bị “giăng dây”

Sau chợ Trần Văn Quang (Q.Tân Bình) tạm đóng cửa cách nay 3 ngày, sáng 12.7, 2 chợ truyền thống cuối cùng trong khu vực (vùng giao nhau giữa Q.Tân Bình và Q.11) thuộc phường 9, Q.Tân Bình là chợ Tân Hưng (chợ Ông Địa) và chợ Tân Phước cũng chính thức bị giăng dây vì có ca F0 trong lồng chợ. Chị Hạnh - bán hàng tại sạp pha lóc thịt sỉ và lẻ Mỹ Lan bên trong chợ Tân Hưng cho hay, chợ đột ngột bị “giăng dây” nên nhiều người hàng bán không hết vẫn phải chở về. Trong lồng chợ, số người bán cũng giảm đi rất nhiều, quầy thịt của nhà chị Hạnh bán hết sạch từ 10 giờ sáng. "Ngày mai không biết ra sao. Chiều nay xem thế nào mới quyết định báo lò mổ lấy hàng hay không"- chị Hạnh chép miệng.  

Nỗi niềm những người thiếu “giấy thông hành” bên chốt kiểm soát Covid-19 Gò Vấp

Cũng trong bán kính 1- 2 cây số tại khu vực này, hai siêu thị lớn Co.opMart Lữ Gia và LotteMart cũng đã tạm ngưng hoạt động. Như vậy, việc mua sắm thực phẩm tiêu dùng hằng ngày của cư dân phụ thuộc hoàn toàn vào các cửa hàng tiện lợi, những người bán hàng online. Thế nên trong các khu chung cư trên địa bàn nhanh chóng hình thành các chợ thực phẩm mua bán trên mạng, rau củ giá từ 20.000 - 30.000 đồng/bó vẫn được duy trì đều đặn trên các nhóm bán hàng Zalo này. Song dân cư sống bên ngoài các khu chung cư vốn quen mua tại chợ dân sinh, vẫn khá chật vật trong mua thực phẩm hằng ngày. Bà Thúy (ngụ tại Âu Cơ, Q.Tân Bình) cho biết, sáng nào đi trễ chút đến cửa hàng SatraFoods Âu Cơ là hết hàng. Xếp hàng mua chưa đến 10 giờ trưa hàng hóa đã hết sạch. Những quầy kệ trống rỗng sau 10 giờ trưa là cảnh thường xuyên xảy ra tại đây từ ngày 8.7 đến nay, cho dù các hệ thống bán lẻ cho biết đã cố gắng “bơm” hàng đến các điểm nhiều hơn.

Ngày thứ 4 TP.HCM giãn cách toàn xã hội, mặt hàng rau quả tại các cửa hàng tiện lợi có nơi phong phú thế này

Ảnh: Ng.Ng

Nhưng cũng có cửa hàng bị "vét" sạch hàng hóa chỉ sau buổi sáng...

Tại chợ Tân Hương (Q.Tân Phú), theo phản ánh của một số bà nội trợ, người dân lấy số điện thoại của tiểu thương, đặt mua hàng, hàng giao trước cửa, dân chỉ dám… trả tiền qua khe cửa, không dám tiếp xúc trực tiếp. Chị Trân (ngụ tại Dương Quảng Hàm, Q.Tân Phú) cho biết: “Ai cũng khuyên mua hàng lúc này tuyệt đối không dùng tiền mặt nữa, nguy hiểm. Nhưng nhiều tiểu thương trong chợ dân sinh mua bán nhỏ, họ không biết chuyển khoản, ví Momo là gì, chỉ lấy tiền mặt thôi. Dân không dám ra đường nhiều theo Chỉ thị 16, để cho chính quyền chống dịch. Nhưng mấy người bán hàng nhỏ lẻ tội quá, nên ráng mua giúp họ. Cứ trả tiền đừng lấy tiền thừa là được thôi mà. Sau đó khử khuẩn, súc họng…”.

Ngày 12.7: TP.HCM thêm 1.764 ca Covid-19 trong 24 giờ, vượt 15.000 bệnh nhân

Hơn 10.000 m2 để tập kết hàng tại chợ đầu mối

Đại diện 2 chợ đầu mối lớn là Hóc Môn và Thủ Đức cho hay, chợ đã và đang ráo riết bố trí điểm trung chuyển hàng hóa từ các địa phương về TP.HCM để đưa đi các điểm phân phối trong nội thành. Chiều 12.7, ông Nguyễn Bình Phương - Giám đốc kinh doanh chợ đầu mối Thủ Đức thông tin, từ 16 giờ chiều 11.7, chợ đầu mối Thủ Đức đã được cho phép lập các điểm trung chuyển tạm thời này bên trong chợ. Hiện có 18 thương nhân lớn (9 vựa kinh doanh trái cây, 9 vựa kinh doanh mặt hàng rau củ quả) đăng ký số xe, người đưa hàng hóa vào điểm trung chuyển này.
“Điểm tập trung hàng này nằm trong khu vực bãi đậu xe container có diện tích rộng gần 8.500 m2, được chia làm 18 ô cho 18 thương nhân lớn đã đăng ký. Thời gian hoạt động sẽ từ 17 giờ hôm trước đến 4 giờ sáng hôm sau. Việc kiểm soát dịch Covid-19 tại điểm trung chuyển này chắc chắn được thực hiện nghiêm ngặt, xe chở hàng vào bãi phải đăng ký rõ ràng trước, tài và bốc vác phải có giấy xét nghiệm âm tính. Nếu hoạt động hết công suất, mỗi đêm, 18 thương nhân này cũng đưa về chợ hơn 1.000 tấn, giải quyết được phần nào cơn khát thực phẩm tươi sống của thị trường TP.HCM”, ông Phương cho biết.

Theo đại diện các chợ đầu mối, có khu trung chuyển hàng hóa sẽ giúp giải quyết cơn khát hàng rau củ quả của TP.HCM trong những ngày tới

Ảnh: Ng.Nga

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Công ty kinh doanh và quản lý chợ đầu mối Hóc Môn cũng cho biết, chợ đã qua 3 lần phun khử khuẩn quy mô lớn, chợ đã có công văn xin Phòng Kinh tế huyện Hóc Môn để lập điểm trung chuyển hàng hóa ngay trong khuôn viên sân chợ, rộng 2.000 m2. Hiện tại, Công ty quản lý chợ đã thông báo cho các thương nhân đăng ký đưa hàng về, danh sách xe, lượng hàng dự kiến…
Ông Dũng nói: “Có một thực tế là nhu cầu mua các mặt hàng rau củ quả rất lớn trong khi hệ thống cửa hàng bán lẻ khó có thể cung ứng đủ cho khu vực dân lao động, trong các hẻm nhỏ… Nguồn rau từ chợ này sẽ giải quyết sự thiếu hụt đó. Bên cạnh đó, các trang trại trồng rau củ cũng đến mùa thu hoạch, chậm quá là vứt bỏ, nên điểm trung chuyển mục đích vừa giải quyết việc tồn hàng tại trang trại và giải quyết “cơn khát” rau củ của thị trường”.
Theo ông Dũng, quy mô mặt hàng rau củ quả về chợ Hóc Môn ít hơn Thủ Đức nhiều, nhưng chỉ cần 5 xe tải lớn rau củ quả về chợ mỗi đêm, hơn 100 tấn đã giúp giải quyết phần nào nhu cầu tiêu thụ rau tại chợ truyền thống, bán lẻ, bếp ăn tập thể khu vực nội thành. Trong thời gian qua, khi chợ Hóc Môn tạm ngưng hoạt động, mặt hàng thịt heo được thương nhân giao cho khách hàng tại lò mổ, nhưng mặt hàng rau củ quả trái cây từ chợ “chạy quanh” giao hàng, gây không ít cảnh bát nháo quanh khu vực chợ, đặc biệt khu vực Quốc lộ 22, nơi xe tải chở rau từ Củ Chi về. Nhiều thương nhân thuê mặt bằng tại quốc lộ để tập kết hàng khiến việc phòng chống dịch tại địa phường càng khó khăn hơn. “Chúng tôi mong các điểm trung chuyển ngay trong khuôn viên chợ này giúp giải quyết phần nào việc phòng chống dịch và khan hàng”, ông Dũng nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.