Cho học sinh dùng điện thoại thông minh trong lớp học: Quản được không?

21/09/2020 05:00 GMT+7

Nhiều bạn đọc băn khoăn về hiệu quả, cũng như cách để nhà trường thực sự quản lý được việc cho học sinh sử dụng điện thoại thông minh ngay tại lớp học.

Như Thanh Niên đã thông tin, Bộ GD-ĐT vừa ban hành Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT về điều lệ trường học, trong đó có điểm mới là “học sinh THCS, THPT được dùng điện thoại trong giờ học để phục vụ học tập khi được giáo viên cho phép. Đồng thời, giáo viên không còn bị cấm sử dụng điện thoại di động khi đang dạy trên lớp”. Quy định này lập tức gây ra nhiều luồng ý kiến tranh luận.

Coi chừng “con dao hai lưỡi”

Nhiều bạn đọc (BĐ) “là phụ huynh đây này” đã bày tỏ lo lắng. Nỗi lo từ chuyện “tụi nhỏ giỡn làm hư hoặc mất điện thoại rồi kêu phụ huynh vô trường thì mệt lắm thầy cô ơi” (BĐ Ân Dương) đến chuyện “học sinh nhắn tin, chat với nhau trong giờ học làm sao giáo viên kiểm soát được?” (BĐ Trần Đức).
BĐ Triêm Nguyễn Ngọc lo xa hơn khi nhận xét: “Có khi nảy thêm tình trạng đồng phục điện thoại nữa. Chưa kể không phải ai cũng có điện thoại thông minh để phục vụ học tập. Và cũng không phải ai có điện thoại thông minh đều biết dùng đúng lúc. Người lớn còn chật vật với “cơn nghiện” điện thoại thông minh, huống hồ đây là lứa tuổi THCS, THPT đang “ăn chưa no, lo chưa tới” mà trông chờ, kêu gọi vào sự tự giác của các em thì khó quá”. Còn BĐ Huu Cam Nguyen ý kiến: “Xin hỏi có bao nhiêu đứa trẻ có điện thoại thông minh mà không chơi game, xem YouTube hay vào mạng xã hội... Chưa kể cái này còn gây áp lực cho các gia đình nghèo không có tiền sắm điện thoại thông minh cho con đi học. Tôi không đồng ý với ý tưởng này”.
BĐ Khoa sau khi “đồng ý rằng nếu các em dùng điện thoại thông minh đúng cách thì rất tốt khi ngồi tại lớp học nhưng kiến thức bài học sẽ trải rộng không biên giới”, nhưng vẫn lo: “Còn ngược lại thì tác hại khôn lường vì giao điện thoại cho học sinh mang vào lớp học có thể là con dao hai lưỡi”.

Thầy cô quản lý được không?

Lo thì cứ lo, nhưng cũng nhiều BĐ nhìn thấy điểm mới từ Thông tư 32 chính là một cải tiến. BĐ Quang Nghĩa viết: “Gần đây Bộ Giáo dục có rất nhiều cải tiến theo các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới. Tôi rất mừng vì công nghệ 4.0 không là khẩu hiệu suông. Đáng buồn là vẫn còn một bộ phận tư duy còn lạc hậu hay chỉ trích”.
Để giải quyết những nỗi lo lắng có thật từ phụ huynh, nhưng không bỏ qua lợi ích thấy rõ từ việc xem điện thoại thông minh là một “học cụ mở”, BĐ Triết Trương viết: “Học sinh là trẻ em, cần được giáo dục. Không phải cứ giao máy móc rồi mặc định các em có ý thức dùng đúng mục đích” và hiến kế: “Học sinh chỉ cần được cấp máy tính bảng dùng tại trường, chỉ cài những ứng dụng phục vụ việc học, khóa các trang mạng xã hội. Mạng wifi của trường, nhà trường quản lý internet đầu ra”.
“Suy cho cùng thì việc cho phép hay không cho phép sử dụng điện thoại trong giờ học đều tùy thuộc vào quyết định của giáo viên. Thầy cô có quản lý được không, bài giảng xây dựng như thế nào… là tùy ở thực tế chủ động của từng người đứng lớp”, BĐ Nguyên Võ Lâm “chốt”.
Quy định là cho phép học sinh dùng điện thoại trong giờ học nhưng chỉ phục vụ học tập... Lại khổ cho giáo viên rồi. Quản lý, theo dõi học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học thì còn bao nhiêu thời gian để giảng bài?
Dương Văn Tuấn
Học sinh lên lớp cần rèn luyện tư duy chứ không phải dùng điện thoại lên Google hỏi. Cho bài tự luận thì về nhà muốn lên mạng sao cũng được, nhưng ở lớp học thì không nên dùng điện thoại. Có không ít em từ nhỏ quen sử dụng máy tính thì về sau không thể tính nhẩm đơn giản.
Leon
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.