Cho khách trọ nhập hộ khẩu

06/09/2019 04:48 GMT+7

Thấy những người ở trọ không có giấy tờ để đi làm, cho con nhập học hay khám chữa bệnh, bà Lê Hồng Hạnh (45 tuổi, ngụ P.9, Q.3, TP.HCM) đã bảo lãnh hàng chục trường hợp có sổ tạm trú dài hạn - KT3 và một số người nhập hộ khẩu vào nhà mình.

Nhiều ý kiến khuyên can: “Không nên cho người dưng đứng tên trong sổ hộ khẩu gia đình, rắc rối và phiền phức lắm. Đặc biệt, sau này phải chia tài sản cho họ”. Nhưng lần nào cũng vậy, bà Hạnh bình thản trả lời: “Tôi không lo sợ điều đó. Bởi vì phân chia tài sản phải xét về huyết thống, về giấy chứng nhận quyền sở hữu...”.

Cứu người “vô thừa nhận”

Cuối tháng 8, anh Nguyễn Thanh Trọng (ngụ Q.12, TP.HCM) cùng gia đình vợ tổ chức tiệc thôi nôi ấm áp cho con gái đầu lòng. Đây cũng là dịp vợ chồng anh Trọng ra mắt bạn bè gần xa sau thời gian chung sống.
Gia đình anh Trọng đã ở trọ hơn 20 năm tại P.9, Q.3, TP.HCM. Người mẹ (nay đã mất) cùng hai anh em Trọng đã gặp vô số khó khăn trong học tập, tìm việc làm và sinh hoạt thường nhật do không có giấy tờ tùy thân. Muốn thoát khỏi chuỗi ngày bấp bênh vô định, từ năm 2011 - 2015, mẹ con anh Trọng cố gắng làm thủ tục nhập hộ khẩu vào nhà dì ruột anh Trọng tại Q.12, nhưng không có kết quả. Mẹ anh Trọng hỏi xin những chủ nhà trong xóm trọ cho làm KT3, song ai nấy đều từ chối. Người phụ nữ bị suy tim giai đoạn cuối tuyệt vọng nghĩ đến ngày mình “ra đi” khi hai đứa con mãi mãi trong thân phận vô thừa nhận.

Nhờ bà Lê Hồng Hạnh bảo lãnh, anh Nguyễn Thanh Trọng được cấp sổ KT3...

Tình cờ vào năm 2017, bà Hạnh mua nhà trong hẻm 85 Rạch Bùng Binh (P.9. Q.3), gần chỗ ở của mẹ con anh Trọng. Anh Trọng kể: “Thấy chị Hạnh mới dọn tới, mẹ tôi ngại nhưng cũng đành... hỏi liều. Thật bất ngờ, chị vui vẻ nói nếu công an phường đồng ý, con sẵn sàng bảo lãnh gia đình cô làm KT3 rồi nhập hộ khẩu vào nhà con luôn”.
Nghe ý định đó, không ít người sửng sốt, bàn ra. Bà Hạnh tự tin cho hay đã tìm hiểu, biết anh Trọng vốn là đầu bếp giỏi, từng được những nhà hàng lớn tuyển dụng với thu nhập rất cao. Chỉ vì không có chứng minh nhân dân, Trọng bị “văng” khỏi nghề yêu thích và trầy trật với những việc tạm bợ.
Bà Hạnh trăn trở: “Tôi thấy Trọng đi giao nhận hàng mà phải mượn danh của bạn nó, chẳng khác gì kiếp tầm gửi. Còn em gái Trọng học cao đẳng cũng bị đình trệ thi tốt nghiệp, phải chờ xác nhận này kia… Là người tốt, hiếu thảo, siêng làm siêng học nhưng tụi nó lúc nào cũng nơm nớp lo sợ. Ngược lại, nhờ hoàn cảnh gia đình thuận lợi, một số đối tượng bất hảo lại đương nhiên có hộ khẩu, được công nhận công dân chính thức. Cho nên, tôi mong những người như anh em Trọng không còn chịu thiệt thòi”.
Cho khách trọ nhập hộ khẩu

... Và sau đó có điều kiện làm căn cước công dân

Ảnh: Ngọc Dương

Như một phép màu, tháng 3.2018, ba mẹ con anh Trọng được đăng ký tạm trú dài hạn theo địa chỉ nhà bà Hạnh ở P.9, Q.3. Nhờ có sổ KT3 này, anh em Trọng được chính quyền địa phương hướng dẫn, tạo điều kiện nhập hộ khẩu vào nhà dì ruột ở Q.12 để sớm có giấy tờ tùy thân.
“Chuyện chị Hạnh giúp gia đình tôi rất hy hữu. Bởi hiếm ai dám cho người mới quen đăng ký tạm trú dài hạn hoặc nhập hộ khẩu vào nhà mình, ngay cả bà con dòng họ còn sợ này sợ nọ. Chị Hạnh đã cứu chúng tôi thoát nỗi bế tắc triền miên”, anh Trọng cảm kích.

Ai cần đều giúp

Gia đình anh Nguyễn Thanh Trọng không phải là ca đầu tiên, cũng không phải ca cuối cùng được bà Hạnh hỗ trợ.
Trước đây bà Hạnh từng cư trú lâu năm trong hẻm 88 Bà Huyện Thanh Quan, nay là hẻm 112 Rạch Bùng Binh (P.9, Q.3). Khi ấy, gia đình bà có hộ khẩu, còn nhiều người xung quanh chưa có. Tại các căn nhà cũ, mới của mình ở P.9, Q.3, từ năm 1992 đến nay, vợ chồng bà Hạnh đã bảo lãnh cho hơn 20 người đăng ký KT3 hoặc nhập hộ khẩu, làm giấy tờ tùy thân. Một trong những trường hợp đầu tiên được giúp là cô hàng xóm nghèo khó đơn thân (bị chồng bỏ), để con cô này có giấy tờ hợp lệ đi học.
Vợ chồng anh Sơn (quê Đắk Lắk, nhân viên nhà sách) ở trọ nhà bà Hạnh từ lúc con anh chị mới 7 tháng tuổi cho đến 5 tuổi. Nhờ được đăng ký tạm trú dài hạn, gia đình anh Sơn nhanh chóng có hộ khẩu sau khi có nhà riêng. Cũng nhờ bà Hạnh lo cho KT3, ba người con của bà Việt (quê Quảng Ngãi, bán báo dạo) ra trường kiếm được việc làm ngon lành.
Ngoài ra, bà Hạnh còn có bốn phòng cho thuê ở Q.Gò Vấp, TP.HCM. Tại đó, bà đã giúp ít nhất 11 nhân khẩu có KT3.
“Nào giờ ai nhờ tôi cũng làm, chưa từ chối trường hợp nào. Thậm chí, có những người không dám lên tiếng, tôi gợi ý cho họ. Mình mất cái gì đâu, trong khi người cần bảo lãnh mừng lắm. Họ được mua bảo hiểm y tế, cơ hội đi học đi làm ở thành phố cũng thuận lợi hơn”, bà Hạnh cởi mở.
Có bao giờ chủ nhà gặp rắc rối? Bà Hạnh tỉnh rụi: “Có, nhưng... hổng sao”. Nhiều lần công an khu vực kêu lên hỏi về người ở trọ, bà hộc tốc chạy đến, nhất là khi một số cặp vợ chồng đánh nhau um sùm rồi kéo ra phường. Bà Hạnh quan niệm: “Chuyện gì cũng có thể xảy ra khi mình cho thuê nhà và cho nhập KT3. Quan trọng là khai báo rõ ràng, đầy đủ. Còn nếu họ vi phạm pháp luật, họ phải chịu trách nhiệm chứ không thể quy tội chủ nhà”. Đôi lúc chứng kiến vài cặp gây hấn nhau, bà khuyên nhè nhẹ: “Mình lớn hết rồi, ráng sống nhường nhịn kẻo tội nghiệp con cái”. Chỉ vậy thôi, mà làm lành.
Được biết, bà Hạnh quê Cần Thơ, gia đình bà theo đạo Công giáo. Lâu lâu bà mua bán bất động sản (quy mô nhỏ), còn lại chủ yếu cho thuê nhà và làm nội trợ. Không chỉ hỗ trợ chuyện giấy tờ, vợ chồng bà Hạnh thường xuyên san sẻ với nhiều mảnh đời nghèo khó. Anh Nguyễn Thanh Trọng nhớ rõ lúc mẹ anh còn sống, bà Hạnh thỉnh thoảng giúp tiền ăn uống, thuốc men, đóng góp viện phí khi bà cấp cứu, hứa sẽ tổ chức đám tang nếu không còn nơi nào lo liệu...
Chúng tôi thuyết phục nhiều lần, bà Hạnh chưa hết ngại ngần chia sẻ câu chuyện của mình. Bà giải thích: “Thấy người ta hoạn nạn, mình giúp thôi mà, có gì đâu”.

Ấn tượng... hiệp sĩ đường phố

Cho khách trọ nhập hộ khẩu

Đội SBC Biên Hòa hỗ trợ vá xe ban đêm cho người đi đường

Ảnh: Đội SBC Biên Hòa

Ra đời tự phát vào tháng 8.2015, Đội săn bắt cướp - SBC Biên Hòa hiện có 20 thành viên chính thức và hơn 50 cộng tác viên, cựu thành viên. Đội trưởng Nguyễn Thiên Báo (tên thật Nguyễn Mạnh Hưng, 39 tuổi, ngụ tại TP.Biên Hòa, Đồng Nai) từng là nạn nhân của tình trạng “đá xe” (bẻ khóa trộm xe gắn máy). Anh Báo đã lập ra Đội săn bắt cướp - SBC Biên Hòa “trước là tự cứu mình, sau là lan tỏa tình người”. Bằng tiền túi mỗi cá nhân, đội hoạt động 24/24 (đường dây nóng 0933648113), không nhận bất cứ thứ gì của người dân. Bốn năm nay, đội truy bắt đối tượng trộm cắp, cướp giật, lừa đảo trong hơn 300 vụ phạm pháp hình sự, truy nóng và trao trả lại cho người dân 200 chiếc xe bị mất. Ban đêm, đội còn cứu hộ cứu nạn giao thông, giúp đỡ người bị tai nạn hoặc bị hư xe, hết xăng...
“Tôi biếu 2 triệu đồng nhưng họ dứt khoát không nhận. Ngưỡng mộ và cảm phục. Cảm ơn các anh, những hiệp sĩ đường phố, hiệp sĩ của lòng dân!”, bà Phạm Thị Thuận (ngụ P.Tân Quý, Q.Tân Phú, TP.HCM) đã viết như vậy trên Facebook khi được Đội SBC Biên Hòa giúp tìm được chiếc xe bị mất trộm.
(còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.