Ấn tượng mô hình chuyển đổi số của người trẻ: Chợ không dùng tiền mặt

05/03/2023 09:35 GMT+7

Thanh toán điện tử, sử dụng mã quét QR để mua hàng đang được Huyện đoàn Tân Kỳ (Nghệ An) triển khai thí điểm tại chợ quê với kỳ vọng sẽ giúp người dân dần thay thế việc dùng tiền mặt khi đi chợ.

Mô hình chợ 4.0 hay còn gọi là thanh toán điện tử là hình thức chuyển khoản để thanh toán khi mua hàng. Tiểu thương và người dân đi chợ có thể mua bán mọi mặt hàng tại chợ bằng cách quét mã QR hoặc chuyển tiền qua điện thoại trên ứng dụng thanh toán điện tử. Hình thức thanh toán hiện đại này vừa được Huyện đoàn Tân Kỳ thí điểm tại chợ quê ở xã Nghĩa Dũng (H.Tân Kỳ, Nghệ An) khiến nhiều người dân thấy thú vị vì tiện lợi.

Chợ không dùng tiền mặt - Ảnh 1.

Mã QR được Huyện đoàn H.Tân Kỳ cấp cho các tiểu thương

Chị Hoàng Thị Trang, Bí thư Huyện đoàn Tân Kỳ, chia sẻ rằng việc áp dụng hình thức thanh toán này nhằm tạo điều kiện để người tiêu dùng trải nghiệm, tiếp cận dần với các phương thức thanh toán hiện đại, kích thích hoạt động mua sắm.

Chợ không dùng tiền mặt - Ảnh 2.

Một người dân ở chợ Nghĩa Dũng đang thanh toán bằng quét mã QR khi mua hàng

C.T.V

Mô hình thí điểm này được áp dụng thích ứng với chủ đề Tháng Thanh niên năm nay "Tuổi trẻ xung phong chuyển đổi số". Để thực hiện mô hình này, Huyện đoàn Tân Kỳ đã hướng dẫn và cấp tài khoản, mã QR thanh toán cho 20 tiểu thương kinh doanh thường xuyên tại chợ Nghĩa Dũng. Chị Trang cũng cho biết Huyện đoàn chọn xã Nghĩa Dũng (một xã miền núi, cách trung tâm huyện 14 km) làm thí điểm với mục đích để người dân quê được tiếp cận với hình thức thanh toán điện tử. Chợ này đã có từ lâu đời, họp phiên vào các ngày lẻ trong tháng, mỗi phiên chợ thu hút hàng trăm lượt người. "Hiện nay rất nhiều người dân ở quê đã sử dụng điện thoại thông minh và có tài khoản ngân hàng. Chúng tôi hy vọng người dân sẽ quen với hình thức thanh toán này để thuận lợi hơn trong các giao dịch mua bán", chị Trang nói.

Chúng tôi xác định phải bắt đầu từ những việc đơn giản, thường nhật và gắn với cuộc sống của người dân để dần thay đổi suy nghĩ, cách làm của người dân về chuyển đổi số. Chuyển đổi số không xa lạ mà chính là những việc làm gắn với cuộc sống thường ngày của mình.

HOÀNG THỊ TRANG, Bí thư Huyện đoàn Tân Kỳ, Nghệ An

Ông Hoàng Xuân Mai, một tiểu thương lâu năm ở chợ Nghĩa Dũng, cho biết áp dụng mô hình thanh toán điện tử này rất thú vị và tiện lợi. Lâu nay, người bán hàng thường hay lo chuyện thối nhầm tiền cho khách hàng. Nếu thối thừa tiền thì người bán bị thiệt, thối thiếu tiền thì khách hàng mất tin tưởng vào người bán. Có nhiều trường hợp đã xảy ra cãi vã, mất lòng nhau vì nhầm lẫn này. Việc dùng hình thức thanh toán điện tử rất tiện lợi cho cả người bán lẫn người mua. Nếu có xảy ra nhầm lẫn khi trả tiền thì rất dễ dàng kiểm tra và xử lý.

Đây là mô hình chợ 4.0 đầu tiên được tuổi trẻ Nghệ An triển khai thí điểm và nhận được sự đồng tình cao của chính quyền địa phương và người dân. Mô hình này sắp tới sẽ được áp dụng rộng rãi cho các chợ khác trên địa bàn.

Chợ không dùng tiền mặt - Ảnh 3.

Tiểu thương ở chợ Nghĩa Dũng được cấp mã QR để thanh toán qua điện thoại

C.T.V

Chị Hoàng Thị Trang cho biết lực lượng thanh niên có lợi thế về sự nhanh nhạy với công nghệ nên cần phải phát huy vai trò xung kích làm chủ công nghệ, kỹ thuật thông qua các hoạt động liên quan đến chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào cuộc sống.

"Chúng tôi xác định phải bắt đầu từ những việc đơn giản, thường nhật và gắn với cuộc sống của người dân để dần thay đổi suy nghĩ, cách làm của người dân về chuyển đổi số. Chuyển đổi số không xa lạ mà chính là những việc làm gắn với cuộc sống thường ngày của mình", chị Trang chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.