La trước, bán sau
|
Ngày thường, khu chợ phía trước UBND xã An Bình (H.Long Hồ) chỉ lèo tèo mấy quầy bán rau, thịt, cá... Nhưng sáng nay, chợ bỗng nhộn nhịp hẳn lên. Từ sáng sớm, những chiếc xe gắn máy chở quần áo may sẵn, mùng mền, xoong chảo, thau nồi… đầy vun từ trước ra sau đã tấp vào phía trước khu chợ. Các chủ xe nhanh tay trải tấm bạt lớn ở cặp lề đường rồi đổ những giỏ hàng tổ bự ra bày bán. Tay vừa lia lịa sắp hàng theo thứ tự, miệng họ vừa la, vừa hát: Đi đâu mà vội mà vàng, dừng chân ghé lại gian hàng của em! Quầy kế bên cũng bắt đầu rao: Hàng tồn kho: nhỏ mười lăm (ngàn), lớn ba lăm (ngàn) đây! Nồi inox, xài 3 đời chưa sét đây! Rồi Trong túi không tiền cũng được quyền lựa, bữa nay không mua thì mai mốt sẽ mua, mại vô mại vô… Từ cuối chợ, bỗng vang lên lời rao nghe… trớt quớt: Đứng mà lựa thì đồ không đẹp, ngồi chèm bẹp lựa đồ mới đẹp khiến bà con đi chợ cười nghiêng cười ngả. Chị Lê Thị Nga (ngụ xã An Bình) nói: “Đi chợ “la” vui lắm. Cả tuần tôi bán trái cây dành dụm tiền chờ đến sáng thứ hai rủ con cháu đi mua đồ... la. Đồ đạc đủ loại, mặc sức mà lựa. Cái nào ưng ý thì mình mua, giá rất rẻ lại khỏi phải mặc cả”.
Những người bán đồ la lâu năm kể rằng cách đây gần 20 năm, vào 1 ngày thứ ba trong tuần, có chiếc ghe chở khô từ Cà Mau, khi chạy ngang chợ Quới An bị hư máy. Trong lúc chờ thợ sửa máy, những người dưới ghe bèn đem khô lên chợ bán thử. Thấy bán đắt nên từ đó về sau, cứ vào ngày thứ ba hằng tuần, chiếc ghe này lại ghé vào đây bán khô. Sau đó, dân bán “đồ la” cũng rủ nhau đến đây bán vào ngày thứ ba cho đắt hàng. Anh Phùng Văn Tài (ngụ ấp Sơn Đông, xã Thanh Đức, H.Long Hồ) bộc bạch: “Sau khi bán xong ở chợ thứ ba Quới An, anh em vừa thu gom đồ, vừa bàn tính và hẹn điểm đi bán tiếp “chợ thứ tư”, “chợ thứ năm”… Dần dà, “chợ la” được họp định kỳ tại các điểm: thứ hai chợ xã An Bình (H.Long Hồ); thứ ba chợ xã Quới An (H.Vũng Liêm); thứ tư chợ Cầu Mới (xã Tân An Luông, H.Vũng Liêm); thứ năm chợ xã Long Hiệp (H.Long Hồ); thứ sáu chợ thị trấn Tam Bình; thứ bảy chợ thị trấn Long Hồ và chợ thị trấn H.Vũng Liêm; chủ nhật chợ xã Phú Quới (H.Long Hồ) và chợ xã Cái Ngang (H.Tam Bình). “Chợ la” vừa là nơi mua bán hàng hóa, vừa là “điểm hẹn” thú vị của người dân vùng nông thôn ở Vĩnh Long.
|
Họp ngày, họp đêm
Anh Nguyễn Văn Tính (ngụ H.Tam Bình) cho biết: “Bán đồ la cũng… hên xui may rủi lắm. Nếu gặp thời tiết thuận lợi thì bán được nhiều, mấy hôm giông gió, mưa dầm thì coi như ế hàng. Tuy nhiên, buôn bán cũng tùy thuộc vào mùa vụ và nhất là thời điểm vụ lúa đông xuân này, bà con đi chợ rất đông. Tiếng rao bán là điểm quan trọng nhất đối với chợ la. Vì nếu người nào có khiếu “la” hơi khôi hài và có duyên thì sẽ dễ dàng níu chân khách dừng lại quầy của mình”.
Bán đồ la tuy có cực do đổi chỗ liên tục hết chợ này đến chợ khác, nhưng đổi lại là có việc làm hằng ngày. “Nếu hôm nào bán ngon lành cũng lời được cả triệu đồng, còn trung bình lời từ 300.000 - 400.000 đồng. Có khi cũng chỉ lời được khoảng 100.000 đồng, đủ lo cuộc sống trong ngày”, anh Tài tiết lộ.
Không chỉ có “chợ la” nhóm họp định kỳ vào buổi sáng các ngày trong tuần mà gần 1 năm nay, những người mua bán đồ la đã “tăng ca” vào cả ban đêm. Khung cảnh của “chợ la” ban đêm càng hấp dẫn hơn nhiều bởi tiếng rao bán vang lên trong bầu không khí mát dịu, tấp nập người qua lại. Ánh đèn sáng lung linh hòa với tiếng ồn ào của khu chợ khiến cho đêm ở những vùng nông thôn sâu trở nên vui tươi, nhộn nhịp hơn.
Thanh Đức
Bình luận (0)